Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam và những tượng đài mang hồn Tổ quốc

CTV Mai Thắng

Thứ sáu, 24/07/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam của Tổ quốc Việt Nam, có hàng ngàn, hàng vạn tượng đài liệt sĩ. Đó không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của các trận đánh trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ở thế kỷ 20; mà còn là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng triệu anh hùng liệt sĩ - những người đã ngã xuống cho Tổ quốc phồn vinh.

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận chiến 17/2/1979. Ảnh:Thành Giác

Để rồi mỗi năm, đến ngày 27/7, Tổ quốc lại gọi tên các anh, hơn 90 triệu người dân Việt nhắc nhớ các anh - những người hùng của thời đại Hồ Chí Minh không bao giờ khuất.

Nơi những người lính ngã xuống ở phía “cổng trời”

Trong 9 tỉnh biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh), Tượng đài Vị Xuyên là tượng đài lớn nhất. Lớn không phải về “độ cao, sự vững chắc và kết cấu của sắt thép”, mà lớn về đức hi sinh quên mình của hàng ngàn bộ đội, giáo viên, thanh niên và người dân địa phương đã chiến đấu anh dũng, hi sinh quên mình cho Tổ quốc trong trận chiến 17/2/1979 với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sự kiện đau thương ấy đã lùi xa 41 năm. Vết bụi thời gian cũng làm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc lu mờ vào dĩ vãng, nhưng lịch sử mãi mãi không bao giờ quên. Sau 40 năm cuộc chiến kết thúc, dịp 27/7/2019, lần đầu tiên “những chứng cứ lịch sử nhạy cảm” được đưa ra trước công luận báo chí. Nhưng Đền thờ những người lính tử trận trong cuộc chiến ngày 17/2/1979 đã được lập và thờ trước đó từ nhiều năm trước.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” có nhiều điểm văn hóa, lối sống, bản sắc tương đồng. Trong chiến tranh vệ quốc của dân tộc, Việt Nam luôn trân trọng Trung Quốc đã giúp đỡ vũ khí đạn dược để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thời bình lặng im tiếng súng, tuyên truyền về sự kiện 17/2/1979 không phải để nhắc lại quá khứ đau thương, hay gợi lại “vết hằn”, mà để nhắc nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi và bi tráng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ngày ấy, mãi mãi là bài ca không thể nào quên trên con đường vệ quốc của một đất nước có chủ quyền.

Nơi trận chiến Vị Xuyên 40 năm trước, giờ là rừng núi bạt ngàn cây xanh. Ảnh: Thành Giác

Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, cũng là lúc hàng vạn chiến sĩ của các đơn vị quân đội Quân khu 1, Quân khu 2 đã ngã xuống. Máu đào của các anh chảy thành dòng ngấm vào lòng đất mẹ. Cũng chính những giọt máu đào ấy đã tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng “chỉ có chiến thắng không hề chiến bại” trong cuộc chiến trường chinh.

Đền thờ các liệt sĩ hi sinh trong trận chiến ngày 17/2/1979 nơi “cổng trời” Vị Xuyên, Hà Giang, đã trở thành tượng đài bất tử. Tượng đài này không qui mô, lớn rộng so với các tượng đài khác bởi đồi núi chập chùng hiểm trở, khó khăn cho việc xây dựng, thi công; song điều lớn nhất, sự hi sinh anh dũng quên mình vì Tổ quốc đã khắc sâu trong triệu triệu trái tim người Việt - nhất là những người Việt sinh ở thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ 20.

Tượng đài Vị Xuyên đã trở thành biểu tượng cao đẹp nhất về đức hi sinh quên mình của những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi trong cuộc chiến biên giới phía Bắc. Đây cũng là tượng đài khắc sâu nhất trong tâm khảm những người lính Cụ Hồ đã từng chiến đấu trên chiến trận Vị Xuyên ngày ấy.

Những đoá hoa bất tử

Những năm 65 - 74 của thế kỷ 20, dải đất miền Trung được coi là “túi bom” của giặc Mỹ xâm lược. Một trong những túi bom ấy phải kể đến Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, mảnh đất đau thương đã bị dội không biết bao tấn đạn bom của Mỹ.

Ngày 24/7/1968, 10 cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ lấp hố bom, san đường cho xe vào tiền tuyến. Và tất cả đã nằm xuống giữa lòng đất mẹ trong trận bom thứ 15. Có người chưa một lần về thăm gia đình kể từ ngày vào chiến trường đánh giặc, có người viết bức thư còn dang dở, có người chưa một lần hò hẹn riêng tư. 10 cô gái hi sinh ngày ấy đã trở thành bất tử, là biểu tượng đẹp đẽ nhất của phụ nữ Việt Nam thời chiến trận, được truyền nối từ truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu.

Mộ của mười cô gái hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Mai Thắng

Lịch sử đã sang trang, đất nước Việt Nam lặng im tiếng súng, nhưng hình ảnh chiến đấu kiên cường và sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái ngày ấy không thể mờ phai trong tâm khảm của người dân đất Việt. Tổ quốc ghi công, dân tộc tri ân, cả nước nhắc nhớ các chị.

Tượng đài Ngã ba Đồng Lộc đồng nghĩa với tên gọi “những đóa hoa bất tử”. Tượng đài đó khắc sâu trong tâm khảm người dân Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác và mãi mãi không phai mờ.

Nơi tri ân những người lính Việt - Nga

Đó là nơi tưởng niệm 44 quân nhân Liên Xô (Liên bang Nga) và 174 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh “vì hòa bình ổn định khu vực”, từ năm 1978 đến năm 2002. Tượng đài bất tử này nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành thuộc TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, do Liên Xô xây dựng trong khuôn viên 1,2ha sát bờ biển Mỹ Ca xanh biếc.

Điểm xuất phát của Tượng đài Cam Ranh nguyên là một tấm bia đá do một quân nhân Liên Xô dựng lên năm 1986 để tưởng nhớ những người lính Nga sau đúng 1 năm kể từ ngày 9 thành viên trong kíp bay TU-95 của thiếu tá cận vệ Krivenco S.D hi sinh ngày 13/2/1985, trong khi làm nhiệm vụ trên vùng biển Thềm lục địa Việt Nam. 10 năm sau đó, 4 phi công dũng cảm trong đội “những tráng sĩ Nga” lại hi sinh cùng với 3 chiếc SU-27 đâm vào Núi Chúa. Cũng thời điểm này, 174 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam ở các tỉnh miền Trung đã ngã xuống giữa lòng biển cả, trên biên giới, giữa đồng bằng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tượng đài tri ân những người lính Việt - Nga. Ảnh: Mai Thắng

Để tri ân những người con Xô Viết và người lính Việt Nam, tháng 5/2007, lãnh đạo Liên doanh Dầu khí Vietsovptro đã chọn thiết kế mẫu “Tượng đài Cam Ranh” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng, và nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/2007), viên đá đầu tiên đã được những người lính Xô - Việt đặt xuống cạnh bờ biển Mỹ Ca - Cam Ranh.

Sau 2 năm thi công, ngày 10/12/2009, Tượng đài Cam Ranh khánh thành trong niềm xúc động. Tấm bia đá mà người lính Nga dựng năm 1986, được các phi công Nga đưa về Bảo tàng Truyền thống của Hạm đội Thái Bình Dương, TP Vladivostok - Nga để trưng bày.

Tượng đài Cam Ranh là một trong những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật làm bằng đá Grannit lớn nhất Việt Nam, nặng 800 tấn, cao 21 mét. Nổi bật nhất của tượng đài là mũi tàu và cột buồm trắng - thể hiện sức mạnh và chinh phục bầu trời của không quân hai nước. Tượng hai người lính Xô - Việt và em bé nâng cánh chim hòa bình - thể hiện tình hữu nghị lâu đời của hai dân tộc Việt - Nga.

Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời

Cách Tượng đài Cam Ranh 16km chạy về hướng TP Nha Trang là Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời - nơi yên nghỉ của 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng hi sinh ngày 14/3/1988 tại đảo đá Gạc Ma -Trường Sa. Gọi là Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời, bởi, 64 chiến sĩ hi sinh ngày ấy ở vị trí xa nhất của Tổ quốc Việt Nam vào buổi sáng sớm giữa bộn bề sóng nước, xương cốt các anh vĩnh viễn nằm lại biển khơi, hòa vào sóng gió đại dương, tan vào lòng biển mặn.

Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời. Ảnh: Mai Thắng

Ngày 14/7/2017, Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời được khánh thành sau hơn 2 năm xây dựng. Cũng ngày này, anh linh của 64 cán bộ chiến sĩ Gạc Ma được rước từ Trường Sa về, nhập cất dưới 64 ngôi mộ gió.

Những ngày này, hàng ngàn người đến Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời để thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ. Tất cả đều xúc động khi nghe lại những câu chuyện kể về sự chiến đấu ngoan cường và anh dũng hi sinh của những người lính Gạc Ma ngày ấy.

Thắp hương tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống. Ảnh: Mai Thắng

Tượng đài trên sóng biển khơi

Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, đồng hành cùng những chiến công hiển hách oai hùng, là sự hi sinh kiên cường anh dũng của những người lính Hải quân Việt Nam. Các anh ngã xuống cho Tổ quốc cao thêm giữa đại dương bao la; để những người lính Trường Sa, DK1 vang mãi khúc quân ca giữa ngàn khơi đất mẹ.

Khác với những tượng đài trên đất liền, ở Trường Sa, DK1 có một tượng đài hóa vào sóng biển. Tượng đài ấy không được xây bằng gạch, đá, xi măng, mà được xây bằng đức hi sinh quên mình vì chủ quyền biển đảo. Trượng đài ấy là những cán bộ chiến sĩ Hải quân vĩnh viễn nằm lại biển khơi ở Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Lễ tưởng niệm những liệt sĩ DK1. Ảnh: Mai Thắng

Cứ mỗi năm đến dịp 27/7, Quân chủng Hải quân tổ chức những chuyến tàu ra Trường Sa, DK1 để thả hoa tưởng niệm tri ân các liệt sĩ. Lần nào cũng vậy, tất cả những người đi trên tàu đều không kìm được xúc động khi tiếng nhạc tử sĩ vang lên và khói hương lan tỏa. Tên tuổi máu xương các anh đã hòa vào biển cả, vào san hô nằm tận biển sâu. Dân tộc tôn vinh những liệt sĩ Trường Sa, cả nước nhắc nhớ những người lính “đầu đội trời chân đạp sóng”. Các anh đã xây dựng nên một tượng đài trong trái tim hơn 90 triệu  người dân Việt Nam - đó là tượng đài của đức hi sinh quên mình vì Tổ quốc, vì Trường Sa và DK1 mãi mãi trường tồn.

Còn hàng trăm tượng đài không thể kể tên ra hết. Chỉ biết mỗi tượng đài là một dấu ấn lịch sử ghi đậm nét về sự hi sinh anh dũng của những người chiến sĩ; hoặc là sự tri ân của Tổ quốc đối với những người đã hiến máu xương cho dân tộc trường tồn. Ngoài mang tên riêng ở mỗi địa danh khác nhau, những tượng đài còn có tên chung, đó là Tượng đài Việt Nam - nơi ghi ơn, tri ân quá khứ; nhắc nhớ thế hệ tương lai gìn giữ, bảo vệ dân tộc của mình. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm