Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam là nước sớm có chính sách về tự do tôn giáo

Thúy Nhài (thực hiện)

Thứ năm, 21/10/2021 - 13:36

(Thanh tra)- Dành cả cuộc đời nghiên cứu về tôn giáo, PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, giảng viên cao cấp Viện Tôn giáo tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng là người tiên phong trong đổi mới về công tác tôn giáo.

PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân. Ảnh: PV

Ông cũng là tác giả của hàng chục ngàn trang sách, hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu về tôn giáo ở Việt Nam. Ông khẳng định, Việt Nam là nước xây dựng các chính sách tôn giáo sớm, ngay từ ngày thành lập nước.

Nước ta thuộc top 10 các nước đa dạng về tôn giáo

+ Thưa PGS.TS, ông là người tiên phong trong đổi mới công tác tôn giáo, từ tham gia xây dựng Nghị quyết 24-NQ/TW năm 1990 đặt dấu mốc cho đổi mới công tác tôn giáo tại Việt Nam đến việc trực tiếp đề xuất nhiều chủ trương và tổ chức thực hiện với nhiều tôn giáo cụ thể. Ông có thể phác họa đơn giản nhất về bức tranh tôn giáo Việt Nam?

- Tôi thích cách bạn đề nghị phác họa ngắn. Có thể nói ngắn gọn nhất, Việt Nam thuộc tốp 10 các nước đa dạng về tôn giáo trên thế giới. Sự đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo đó thể hiện ở con số: Việt Nam có 95% dân số theo tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó hơn 26,5 triệu tín đồ của các tôn giáo (chiếm 27% dân số), hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự, 53 cơ sở đào tạo cức sắc tôn giáo.

Trong số tín đồ các tôn giáo, đông nhất là Phật giáo với gần 15 triệu tín đồ. Trên thực tế, số người chịu ảnh hưởng của Phật giáo ở những  mức độ khác nhau khoảng 50-60% dân số nhưng không phải tín đồ của Phật giáo theo đúng nghĩa.

Tôn giáo lớn thứ hai là Công giáo với 7,5 triệu tín đồ.

Tiếp theo là Phật giáo Hòa Hảo với 1,350 triệu tín đồ, Cao Đài với 1,116 triệu tín đồ, đạo Tin lành với 1,12 triệu tín đồ.

Ngoài ra các tôn giáo, như Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ ân Hiếu nghĩa, Hồi giáo, Bà-la-môn, Baha’i… khoảng gần 1 triệu tín đồ.

Bức tranh tôn giáo ở Việt Nam còn phải chú ý đến cộng đồng tôn giáo là dân tộc thiểu số, trong đó là ở Tây Nam Bộ có gần 1,3 triệu người Khmer theo Phật giáo Nam tông, ở Tây Nguyên có 640.000 người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành, 420.000 người dân tộc thiểu số theo Công giáo; ở Tây Bắc có 220.000 người Hmông và 14.000 người Dao theo Tin lành, 20.000 người Hmông theo Cônh giáo, 81.000 người Chăm theo Hồi giáo, 67.000 người Chăm theo đạo Bà-la-môn…

Nói đến tôn giáo Việt Nam thì không chỉ nhiều loại hình tôn giáo mà còn nhiều tổ chức tôn giáo. Riêng Cao Đài có hơn một chục tổ chức, hệ phái; Tin lành cũng có đến vài chục tổ chức, hệ phái…

Đó là những nét phác họa ngắn gọn mà sinh động của bức tranh tôn giáo Việt Nam.

+ Nhiều, đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng là bởi được phát triển tự do phải không thưa PGS.TS? Theo ông, tự do tôn giáo ở Việt Nam so với quốc tế thì thế nào?

- Trước hết, cần phải khẳng định rằng Việt Nam là một trong những nước sớm nhất có chính sách về tự do tôn giáo. Nói cách khác là chính sách về tự do tôn giáo được xây dựng cùng với lập nước. Chỉ một ngày sau khi khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện thái độ về tự do tôn giáo: “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương và đồng bào giáo để cai trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.

Ở thời điểm này câu nói này nghe thì bình thường nhưng tại thời điểm đó là thể hiện chính sách của Chính phủ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Tiếp đó, chính sách của Chính phủ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng được hiến định bởi các bộ luật gốc, luật mẹ qui định về tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đó là, Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 dành Điều 10 qui định công dân có quyền tự do tín ngưỡng cùng với các quyền tự do cư trú, tự do đi lại, tự do hội họp, tự do ngôn luận.

Hiến pháp năm 1959 khẳng định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Tiếp đó, Hiến pháp năm 1992 khẳng định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Gần đây nhất, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Các bản Hiến pháp này đều có điều khoản riêng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôi dừng ở đây để bình luận thêm. Phải đặt bản Hiến pháp 1946 trong không gian, thời gian giữa thế kỷ XX đó để càng thấy nó đặc biệt. Trong không gian một nước châu Á, một nước thuộc địa, chúng ta càng thấy được giá trị của tự do tôn giáo ở nước ta là rất sớm.

Dừng lại ở Hiến pháp 2013 để thấy sự nâng tầm trong việc bảo hộ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Điều 24, Hiến pháp 2013 qui định rõ “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…". So với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp 2013 đã thay "công dân"  bằng "mọi người", thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là một quyền cơ bản của công dân như các Hiến pháp trước đây ghi nhận, mà quan trọng hơn quyền đó còn là một trong những quyền cơ bản của con người. Bởi vì, quyền tin theo một tín ngưỡng hoặc một tôn giáo nào đó không lệ thuộc vào người đó có quyền công dân hay không, tin theo tôn giáo là một hiện tượng thuộc về tư tưởng, tâm linh. Hơn nữa, xác định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một phạm trù thuộc về quyền con người, đã được Liên hiệp quốc xác định trong Tuyên ngôn về các quyền dân sự, chính trị 1946.

Nâng tầm về tự do tôn giáo

+ Không chỉ là một trong những người tiên phong trong đổi mới về tôn giáo, PGS.TS cũng là người trực tiếp đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện nhiều chính sách với từng tôn giáo cụ thể. Ông có điều gì tâm đắc trong quá trình đề xuất đó?

- Trong thời kỳ đổi mới, tôi có đề xuất các chính sách với đạo Cao Đài, với Phật giáo Hòa Hảo, với đạo Tin lành. Các đề xuất này được Ban Tôn giáo Chính phủ nhất trí và ban hành thành văn bản để thực hiện.

Tôi cũng trực tiếp giải quyết các vấn đề tôn giáo liên quan đến dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên; trực tiếp tham gia xây dựng Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004… Có nhiều điều để nói về cả quá trình đó, vì phải xuất phát từ việc hiểu tôn giáo mới đề xuất đúng và trúng.

Tuy nhiên, cái tôi luôn coi là nguyên tắc gốc trong mọi đề xuất không nằm ngoài các văn bản, nghị quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề tôn giáo.

Có thể kể đến là Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Sắc lệnh này thể hiện rất nhiều điểm tiến bộ, qui định về quan hệ của các tôn giáo trong nước, giữa các tín đồ, vấn đề đào tạo, kinh sách, các hoạt động  của các chức sắc, tổ chức… Trong đó có quan hệ của Việt Nam và Vatican. Nhiều người cho rằng, có thời gian chúng ta chưa thực hiện hết các nội dung của Sắc lệnh số 234/SL và bây giờ chúng ta đang quay trở lại để tiếp tục thực hiện các nội dung của sắc lệnh này. Tiếp đó là Nghị quyết 297 ngày 11/11/1997 về một chính sách đối với tôn giáo năm 1977 của Hội đồng Chính phủ qui định về các hoạt động tôn giáo của Việt Nam. Đây là 2 văn bản trước đổi mới.

Rồi Nghị quyết số 24 năm 1990, một mốc son về đổi mới về công tác tôn giáo; Nghị quyết số 25 năm 2003 và các văn kiện của Đảng, Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chính sách pháp luật của Nhà nước thì có thể kể đến Nghị định 90/1991/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định 69/1999/NĐ-CP của Chính phủ, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 và Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016…

Có thể nói, bước vào đổi mới là Đảng và Nhà nước ta đã đổi mới tôn giáo với mệnh đề mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó đã nói là, nhìn lại các vấn đề để đổi mới “cái gì đúng thì tiếp tục, cái gì thiếu thì bổ sung, cái gì sai thì sửa nhưng không được duy ý chí. Nhìn thẳng vào sự thật”. Với vấn đề tôn giáo, Đảng ta cũng theo phương pháp đó. Đảng đã nhìn lại nguồn gốc ra đời và sự tồn tại của tôn giáo. Đảng nhìn lại vai  trò của tôn giáo và định hướng lãnh đạo theo hướng càng mở rộng hơn quan điểm về tự do tôn giáo.

+ Có phải, ở thời điểm này, không còn rào cản nào đối với tôn giáo, tín ngưỡng không thưa ông?

- Là người làm trong lĩnh vực này, tôi không nói rào cản hay không. Vì bản chất thế giới tinh thần không có rào cản. Tuy nhiên, xã hội vẫn dùng quan niệm này. Theo tôi, không có rào cản nào đối với tôn giáo tín ngưỡng ở đây được hiểu là công dân được tự do sinh hoạt tôn giáo tại gia đình, tại nơi thờ tự và tại bất cứ nơi nào mình muốn.

Hiến pháp 2013 còn nâng lên một tầm mới là mọi người có quyền được sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đây là một điểm mới, rất mới. Được sinh hoạt tôn giáo tập trung nghĩa là các tín đồ có thể thuê, mượn địa điểm sinh hoạt tập trung, kể cả với những tôn giáo chưa có tổ chức tại Việt Nam. Hay người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung… Cùng với đó là tôn trọng và bảo hộ hoạt động của các chức sắc, công nhận hoạt động của các tổ chức tôn giáo, cho phép xây dựng nơi thờ tự, được in kinh sách…

Tuy nhiên, quyền sinh hoạt tôn giáo hay hoạt động tôn giáo cũng là tương đối vì một số hoạt động là giới hạn. Điều 5, Luật Tín ngưỡng tôn giáo qui định cấm các hành vi sinh hoạt tôn giáo ảnh hưởng đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến văn hóa đạo đức và ảnh hưởng đến các quyền lợi cơ bản của người khác bên cạnh…

Ở đây, tôi phải khẳng định rằng, tất cả các nước trên thế giới cũng có qui định về giới hạn này chứ không riêng gì Việt Nam. Ngay như Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc, Công ước Quốc tế về quyền tự do năm 1966 cũng qui định những điều không được làm này và nó đều được các nước công nhận.

+ Ông vừa nói pháp luật của Việt Nam về tôn giáo phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, đây đó vẫn có luận điệu chống phá, nói khác. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ về một số giải pháp?

- Giải pháp để dành cho cơ quan chuyên môn, tôi nay thành thày giáo rồi nên chỉ chia sẻ một số thông tin về vấn đề này.

Không phải chỉ thời gian gần đây mà lâu nay đã có hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo ở Việt Nam vì những mục đích xấu theo hướng này, hướng kia. Và một trong những biểu hiện phổ biến trong việc chống phá Việt Nam hiện nay là xuyên tạc theo hướng xấu về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, trong đó lợi dụng một vài sai sót trong việc thực hiện chính sách tôn giáo ở một số cơ sở. Chúng ta không phủ nhận điều đó nhưng chỉ là cá biệt, ở cơ sở. Tuy nhiên, họ đã khai thác theo kiểu “bé xé ra to, ít xít ra nhiều”, làm cho nhiều người hiểu sai về bức tranh tôn giáo ở Việt Nam.

Do vậy, cần bình tĩnh khi dư luận có cái nhìn sai lệch vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Phải thấy được, có giọng của những người chống đối, nhưng cũng có những người thiếu thông tin đúng đắn về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Và cũng có những người nhìn và đánh giá vấn đề tôn giáo Việt Nam theo những chuẩn riêng của họ, không đặt vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng những chuyển biến tích cực của đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Trước đây, trong những lần tiếp xúc với giới chức quốc tế, trong đó có nhiều người đến từ châu Âu và Mỹ về vấn đề này, ngoài thông tin về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, tôi thường theo ý các tiền bối, rằng “đánh giá, nhận xét người khác hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ” để phân tích so sánh hoàn cảnh và điều kiện liên quan đến vấn đề tôn giáo, nhất là quan hệ tôn giáo với chính trị, công dân và pháp luật… giữa Việt Nam và các nước Âu Mỹ có sự khác nhau, từ đó cần hiểu và chia sẻ với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về chính sách đối với tôn giáo.

+ Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm