Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội quyết dành tối thiếu 122.250 tỷ đồng để phát triển văn hóa trong 5 năm

Hương Giang

Thứ tư, 27/11/2024 - 09:25

(Thanh tra) - Quốc hội quyết nghị dành tối thiểu 122.250 tỷ đồng để thực hiện chương trình phát triển văn hóa trong 5 năm (2025-2030), trong đó có 77.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương.

Sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), với 430/454 đại biểu có mặt tán thành. Trong đó, Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Ảnh: PThắng

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Thời gian thực hiện Chương trình trong 10 năm, từ năm 2025 đến hết năm 2035.

Về kinh phí thực hiện, Quốc hội quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 63% với 77.000 tỷ đồng (gồm 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 27.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp); vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% với 30.250 tỷ đồng; còn lại 12,4% là nguồn vốn khác (khoảng 15.000 tỷ đồng).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Quốc hội yêu cầu vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.

Trước hết là đầu tư cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa.

Theo nghị quyết của Quốc hội, việc đầu tư cần được phân cấp nhằm tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.

Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết về kinh phí, có ý kiến băn khoăn khi tỷ lệ “nguồn vốn khác” chiếm 12,4% còn cao, thiếu tính khả thi đối với các địa phương còn khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: P.Thắng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích “nguồn vốn khác” huy động thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án; vốn huy động thông qua chính sách thu hút đầu tư; nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (tiền, hiện vật, ngày công lao động)…

Theo ông Vinh, tỷ lệ 12,4% là tỷ lệ trung bình trong cả nước. Với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, tỷ lệ sẽ đạt cao hơn.

Còn với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có thể huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiện vật…

“Khi Chương trình thực hiện hiệu quả, hoạt động của Chương trình sẽ mang lại lợi ích cho chính cộng đồng, thu hút sự đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.

Về dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá khả năng bố trí ngân sách và giải ngân vốn năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Chương trình dự kiến bố trí vốn năm 2025 là 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 150 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 250 tỷ đồng/63 tỉnh, thành phố.

Số vốn này hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối của ngân sách, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho biết nhiều ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài song cũng có quan điểm cho rằng cần bổ sung cơ chế thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 9 nhóm cụ thể sau:

- Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử;

- Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn;

- Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích);

- Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước;

- Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

- Phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa;

- 90% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn;

- Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến;

- Hằng năm, có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.        

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển. Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển được cấp cho thành phố Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).

11:22 27/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm