Theo dõi Báo Thanh tra trên
Anh Minh
Thứ ba, 26/11/2024 - 22:48
(Thanh tra) - Đến nay, Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách không đủ chi, hàng năm phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương. Thậm chí, cuối năm Trung ương còn cấp hàng tấn gạo cứu trợ. Thế nhưng vừa qua, tỉnh này gây chú ý khi sẵn sàng chi tiền xác lập 5 kỷ lục. Đáng nói, có kỷ lục vừa công bố đã phải thu hồi…
Kỷ lục Hồ Lắk - Hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây Nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập và thu hồi chỉ sau vài ngày. Ảnh: Anh Minh
Những ngày qua, Đắk Lắk được dư luận dành sự quan tâm đặc biệt khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố 3 kỷ lục cho tỉnh trong Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1904-22/11/2024).
Ngay sau khi kỷ lục được công bố, nhiều người đi từ tò mò đến thắc mắc với kỷ lục được cấp cho “Ủy ban nhân dân Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk với nội dung: Hồ Lắk - Hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây Nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam (rộng trên 500ha, ở độ cao gần 417m so với mặt nước biển)”.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, câu chữ trong bảng kỷ lục thật kỳ quặc, mơ hồ, thậm chí đánh lận con chữ theo kiểu “Người khôn ăn nói nửa chừng/Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”.
Báo Thanh tra là cơ quan báo chí đầu tiên phản ánh về sự lập lờ, khó hiểu của việc xác lập kỷ lục trên. Sau đó, ngày 26/11, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã quyết định thu hồi xác lập đối với hồ Lắk.
Chưa kể, quá trình tìm hiểu, Báo Thanh tra được biết, tỉnh Đắk Lắk đã cùng lúc đề xuất tổng cộng 5 kỷ lục gồm:
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất Việt Nam.
Vườn quốc gia Yok Don, tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng khộp lớn nhất Việt Nam.
Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là đô thị miền núi lớn nhất Việt Nam.
Đắk Lắk là tỉnh có thành phần dân tộc đông nhất Việt Nam (với 49/54).
Hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên - Việt Nam.
Một lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk (đơn vị tham mưu và được uỷ quyền làm hồ sơ thủ tục công nhận kỷ lục) cho biết, mục đích của việc đề xuất xác lập các kỷ lục là xây dựng thương hiệu, di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, góp phần phát huy, phát triển du lịch. Bởi huyện Buôn Đôn và Lắk là 2 địa điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Kinh phí xác lập cho 1 kỷ lục khoảng 40 triệu đồng, số tiền này của tỉnh bỏ ra. Hiện các bên mới ký thoả thuận, chưa nghiệm thu, chưa quyết toán.
Ngay khi Báo Thanh tra phản ánh, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm về việc tỉnh Đắk Lắk mạnh tay chi tiền để đăng ký xác lập kỷ lục. Có người cho rằng, Đắk Lắk còn nghèo, thu ngân sách không đủ chi, hằng năm phải nhờ Trung ương bổ sung ngân sách. Chưa kể, tỉnh còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, thậm chí, cuối năm trung ương còn cấp hàng trăm tấn gạo cứu đói.
Có người cho rằng, tỉnh nên dành số tiền đó để xây trường, sửa đường cho dân. Vào mùa nắng hạn, có nơi dân nghèo phải vào suối lấy nước về dùng. Họ khao khát có một công trình cấp nước đơn sơ (chỉ cần 1 giếng khoan và bể chứa nước, kinh phí khoảng vài chục triệu đồng). Thế nhưng đến nay, họ vẫn chưa có…
Cũng có người đặt câu hỏi, vào ngày 11/5/1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 534-QĐ/BT xếp hạng Hồ Lắk là Danh lam thắng cảnh Quốc gia; Vậy, tỉnh Đắk Lắk có nhất thiết phải bỏ tiền để cho một tổ chức khác xác lập kỷ lục về hồ Lắk?.
Thậm chí, có người nhắc lại câu chuyện của tỉnh Quảng Bình từ chối nộp 200 triệu đồng để Sơn Đoòng được xác lập kỷ lục. Sự việc xảy ra vào năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam có gửi email cho Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng về việc hướng dẫn làm hồ sơ và bảng dự trù kinh phí 200 triệu đồng để WorldKings đưa hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng vào top 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Ngay khi nhận được email nói trên, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình không chấp nhận các yêu cầu của WorldKings. Lý do Sơn Đoòng đã được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là hang động lớn nhất thế giới và nhiều tổ chức, tạp chí khoa học, hãng truyền thông uy tín khác vinh danh.
Đặc biệt, cho đến nay, tour du lịch mạo hiểm đến Sơn Đoòng đã được du khách trên toàn thế giới đặt kín chỗ cho đến nhiều năm sau, nên không nhất thiết phải có thêm chứng nhận là điểm đến hấp dẫn của tổ chức WorldKings.
Câu chuyện của tỉnh Quảng Bình như minh chứng sống cho việc đầu tư thiết thực. Tỉnh này đã nhận ra giá trị cốt lõi của việc truyền thông đúng hướng. Đó chính là đầu tư chất lượng, cung cấp dịch vụ tốt, có câu chuyện, có sản phẩm; biết phối hợp với truyền thông để quảng bá. Đặc biệt, mỗi công dân là một đại sứ truyền thông…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Giữa hoặc cuối tháng 11 Âm lịch (tuỳ theo diễn biến thời tiết) là thời điểm cây mai cảnh bắt đầu bước vào giai đoạn lặt lá để chuẩn bị đơm hoa đón Tết cổ truyền. Thời gian này, các nghệ nhân trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đang tất bật cho việc chăm sóc mai cảnh để giữ lá xanh tốt chờ đến ngày lặt lá, đơm hoa.
N. Phó - M. Bình
09:59 05/12/2024(Thanh tra) - Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vừa được công nhận là 1 trong 50 điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024.
Thu Huyền
20:27 02/12/2024Trà Vân
19:38 01/12/2024Nam Dũng
10:58 01/12/2024Chính Bình
Văn Thanh
Nhóm PV
LH
PV
Hương Giang
Trang Vân
Ngọc Anh
Trần Kiên
H.A
Văn Thanh