Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người họa sĩ hết lòng vì nền mỹ thuật nước nhà

Thứ bảy, 22/09/2012 - 09:26

(Thanh tra) - Trong cuộc đời gian nan và nhiều trắc trở của mình, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã để lại cho nền nghệ thuật Việt Nam những tài sản vô cùng to lớn. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 1996) chính là sự ghi nhận xứng đáng nhất cho những đóng góp to lớn của ông với nền nghệ thuật nước nhà.

Chân dung danh họa Nguyễn Đỗ Cung

Danh họa Nguyễn Đỗ Cung sinh năm 1912 tại làng Xuân Tảo, Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình Nho học. Cha ông là cụ tú Nguyễn Đỗ Mục - một danh sĩ, học giả nổi tiếng.

Ngay từ khi còn niên thiếu, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu của mình trong lĩnh vực nghệ thuật.

Năm 1929 - 1934, ông theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp loại ưu. Mặc dù vậy, do tính tình cương trực và khẳng khái, ông không được chính quyền bổ nhiệm và một công việc cụ thể nào.

Ông bước vào con đường nghệ thuật, sáng tác tự do và đã đạt được những thành tích nhất định với những minh họa trên các báo và tạp chí thời bấy giờ như Phong Hóa, Ngày Nay và Trung Bắc Chủ nhật.

Cũng trong thời gian này, ông đã tham gia rất tích cực trong việc bảo vệ nền nghệ thuật cổ truyền của dân tộc trước những tư tưởng, quan niệm sai lệch của các học giả nước ngoài như Badaxie, Giông-se (Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Cũng vì việc này mà cuộc sống của ông trở nên cực kỳ khó khăn do sự khó dễ của bộ máy quản lý nghệ thuật lúc bấy giờ.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc đời của danh họa Nguyễn Đỗ Cung có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Ông hăng hái sáng tác, tuyên truyền cho cách mạng.

Toàn quốc kháng chiến nổ ra, ông tham gia vào đoàn quân Nam tiến. Tại đây, ông đã mở rất nhiều lớp đào tạo nghệ thuật nhằm bồi dưỡng cho các lớp nghệ sĩ trẻ của nước nhà. Trong thời kỳ này, ông đã để lại rất nhiều tác phẩm nghệ quý giá với nội dung mang hơi thở của nhiệt huyết cách mạng, của sức chiến đấu quân dân trong công cuộc giải phóng đất nước. Bức tranh nổi tiếng “Du kích La Hay tập bắn" (1947) chính là một tác phẩm xuất sắc của ông trong thời kỳ này.
 

Bức tranh "Du kích La Hay tập bắn" (1947)


Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nhận trách nhiệm lãnh đạo Viện Mỹ thuật Việt Nam và xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại đây ông đã xây dựng một hệ thống trưng bày được các thế hệ học trò sau này tự hào rằng “dựa trên thư tịch và thực tế, đã hoạch định được một hệ thống trưng bày mà cho đến nay vẫn được bảo lưu. Hệ thống trưng bày đó xác định một cách khoa học sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam từ tiền sử qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến giai đoạn nghệ thuật tạo hình cận hiện đại” (Trích Báo Nhân dân số ra 20/6/1997).

Trước khi Bảo tàng Mỹ thuật và Viện Nghiên cứu Mỹ thuật ra đời, chưa hề có sự xuất hiện của một tổ chức, trung tâm nghiên cứu thực sự nào về mỹ thuật Việt Nam. Chính điều này khẳng định rất rõ vai trò, đóng góp và công lao to lớn mà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Những đóng góp của ông không chỉ ở việc nghiên cứu, giới thiệu về nền nghệ thuật Việt Nam, mà ông còn là một người thầy đã đào tạo nên rất nhiều những nhà nghiên cứu, nhà phê bình cho nền nghệ thuật cổ của Việt Nam.

Sau ngày về hưu, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẫn tiếp tục hăng say trên con đường nghệ thuật của mình. Ông dạy vẽ cho các cháu thiếu nhi, các sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và tiếp tục sáng tác các tác phẩm nghệ thuật. Trong thời gian này, ông đã để lại cho nền mỹ thuật nước nhà rất nhiều tác phẩm có giá trị như “Học hỏi lẫn nhau” (1960); “Tan ca mời chị em ra họp thi thợ giỏi”, bức tranh sơn dầu đã đoạt Giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1976…
 

Bức tranh " Tan ca mời chị em ra họp thi thợ giỏi "


Ngày 22/9/1977, ông mất tại Hà Nội, thọ 65 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bạn bè, đồng nghiệp và những thế hệ học trò làm mỹ thuật sau này.

Nói về ông, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã có những dòng nhận xét như sau: “Trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật, trong cái phức tạp và gian khổ của công tác cách mạng, Nguyễn Đỗ Cung là một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao. Vô tư, liêm khiết, vì mọi người. Nguyễn Đỗ Cung vẫn giữ được trên tranh và trong tâm hồn tính dân tộc đó”.

P.V.Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm