Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện tình Hoa hậu xứ Mường

Chủ nhật, 22/02/2015 - 07:01

(Thanh tra)- Trong thời kỳ đô hộ nước ta, người Pháp đã 2 lần tổ chức Cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” ở tỉnh Hòa Bình. Lần thứ nhất, năm 1933, người đăng quang là Quách Thị Tẻo (xã Tân Lập, châu Lạc Sơn). Lần hai, tổ chức năm 1942, người đăng là Đinh Thị Nụ (xã Tân Vinh, châu Lương Sơn). Hai Hoa hậu xứ Mường đều lộng lẫy, thơ ngây, danh giá cùng những câu chuyện tình huyền thoại.

Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo với đưa con đầu lòng. Ảnh (chụp lại): Hồng Bài

Mối tình ngang trái

Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo là con một thương gia người Việt gốc Hoa có tên là Hà Quang Trung. Bị vỡ nợ, ông Trung được Chánh Quan lang xứ Mường Quách Vị nhận vào làm đầu bếp. Thấy Hà Thị Tẻo xinh đẹp, nhanh nhẹn, ông Quách Vị bỏ tiền mua Tẻo về làm con nuôi và đổi họ của Tẻo thành họ Quách - Quách Thị Tẻo. Đây là dòng họ nhà lang nổi tiếng giàu có, quyền lực của xứ Mường Hòa Bình thời Pháp thuộc.

Năm 1933, người Pháp tổ chức Cuộc thi Hoa hậu xứ Mường tại Hòa Bình. Lúc đó Quách Thị Tẻo tròn 17 tuổi, là một trong hàng chục thí sinh từ các vùng Mường tham dự cuộc thi. Với vẻ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành; nước da trắng mịn, nét mặt thanh tú, dáng người thon thả, Quách Thị Tẻo đã vượt qua tất cả các thí sinh, đăng quanh Hoa hậu xứ Mường lần thứ Nhất.

Chuyện tình của Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo bắt đầu gây ấn tượng trong dòng họ Quách. Đó là mối tình ngang trái giữa Hoa hậu xứ Mường với người anh nuôi Quách Hàm - con trai cả của Chánh Quan lang Quách Vị.

Bà yêu. Yêu đến say đắm, yêu như trên đời này chỉ có Quách Hàm là đàn ông. Phải nói rằng, Quách Hàm là một người đàn ông hào hoa phong nhã, văn võ song toàn. Năm 20 tuổi, ông đã giữ chức Tri châu Lạc Sơn, tương lai sẽ là người kế vị chức Chánh Quan lang xứ Mường thay cha và thừa hưởng gia tài khổng lồ của gia đình Quách Vị. Ngược lại, Quách Hàm cũng yêu Hoa hậu xứ Mường - người em nuôi của mình đến mất ăn mất ngủ.

Biết tin, Chánh Quan lang Quách Vị đã tìm mọi cách khuyên răn, ngăn cản rồi cấm 2 anh em không được đến với nhau.

Nhưng, ở đời, cái gì càng cấm thì càng trở nên mãnh liệt. Từ chỗ thầm kín, Quách Hàm đã công khai đem Quách Thị Tẻo về sống chung như vợ chồng trong dinh thự của mình tại châu Lạc Sơn. Từ đó, Hoa hậu xứ Mường được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên người chồng - người anh nuôi. Mối tình ngang trái, nhưng tràn đầy hạnh phúc của người anh với em gái nuôi đã sinh hạ được 3 người con: 1 trai, 2 gái.

Tưởng rằng, cuộc sống giàu sang, phú quý ấy sẽ đem lại niềm vui, hạnh phúc suốt đời cho Hoa hậu xứ Mường, nhưng khi uy quyền, thanh thế của Quan lang bị đè bẹp, dòng họ nhà Quách Vị lâm vào cảnh khốn khó, Hoa hậu xứ Mường sa vào con đường nghiện ngập, khốn cùng phải bán hết đồ trang sức và tự dệt thổ cẩm đem ra chợ bán.

Năm 1984, Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà (xóm Chiềng, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn).

Chuyện đời, chuyện tình Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo đã được nhà văn Phượng Vũ đã viết thành tiểu thuyết “Hoa hậu xứ Mường”.

3 lần “đò”, không 1 lần yêu

Năm 1942, một lần Tri châu Lương Sơn Đàm Quang Vinh đến chơi nhà ông Chung, thấy Đinh Thị Nụ xinh đẹp, dịu hiền, nhanh nhẹn, thông minh, liền bảo cho tham dự cuộc thi Hoa hậu xứ Mường tổ chức tại châu Lương Sơn.

Lúc đó, Đinh Thị Nụ vừa tròn 17 tuổi. Phải nói rằng, trời đã ban cho bà Nụ một nhan sắc thật đằm thắm, với làn da trắng hồng, mịn màng, nét mặt tươi tỉnh, cởi mở, dịu dàng, dễ mến. Nhìn bà, người ta cảm thấy nồng ấm, bao dung.

Tại cuộc thi này, bà Nụ đã vượt qua hàng chục thí sinh, đăng quang Hoa hậu xứ Mường lần thứ Hai.

Hoa hậu xứ Mường Đinh Thị Nụ, sinh năm 1925, trong một gia đình giàu có, lắm vàng nhiều bạc. Thân sinh Hoa hậu, ông Đinh Công Chung, em trai Tuần phủ Hòa Bình Đinh Công Thịnh, chú Tuần phủ Đinh Công Hy.

Ông Đinh Văn Rậu, chồng bà Đinh Thị Nhung, cháu gái ruột bà Nụ, là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Hoa hậu xứ Mường khi về già kể rằng: Cuộc đời của bà Nụ trải qua ba lần “đò”, nhưng không một lần bà được nói lời yêu. Chỉ có 1 người thật lòng yêu bà, lấy bà, đó là người chồng thứ ba - ông Ngô Văn Tình.

Bà Nụ, ông Tình. Ảnh (chụp lại): Hồng Bài

Lần “đò” thứ nhất. Năm 1937, bà Nụ 12 tuổi, Tuần phủ Đinh Công Hy đã đứng ra làm chủ hôn, gả cháu gái cho con một quan lang có thế lực, giàu có ở Lạng Sơn. Đám cưới tổ chức linh đình, lễ rước dâu diễn ra hoành tráng với đủ các lễ nghi gia tộc. Cuộc hôn nhân chỉ tồn tại không đầy một tháng thì “đắm đò”. Cô dâu “trẻ con” trốn khỏi nhà chồng, vượt hàng trăm cây số đường rừng tìm về Mường Cời với bố mẹ. Lần “đò” này không ghi vào gia phả của dòng họ Đinh Công.

Lần “đò” thứ hai. Sau khi đăng quang Hoa hậu, bà Nụ được bác là Tuần phủ Đinh Công Thịnh và Tri châu Lương Sơn đưa đi thăm thú Hà Nội, gặp, tiếp xúc với các giới chức sắc, thương gia ở đây. Trong chuyến đi, bà Nụ đã lọt mắt của một thương gia người Kẻ Chợ, phố Hàng Khay. Năm 1945, vị thương gia này đã bỏ cả “núi” tiền ra cưới Hoa hậu xứ Mường. Không biết có phải vì “hồng nhan bạc phận” không mà hơn một năm về nhà chồng, bà vẫn không có con dù chữa chạy đủ kiểu. Không cam chịu được sự dè bỉu của nhà chồng, bà lặng lẽ ôm quần áo trở về quê với bố mẹ.

Năm 1949, gia đình Tuần phủ Đinh Công Thịnh được Ngân hàng T.Ư chọn làm nơi chứa bạc. Ông Ngô Văn Tình, người đảm trách việc vận chuyển tiền bạc xin được ăn, ở tại nhà Tuần phủ. Ông Tình là thương gia, quê gốc Nam Định, đã có vợ, 2 con ở Hà Nội. Hàng ngày, ông Tình thường xuyên đi lại trong xóm, vào thăm hỏi các gia đình. Một lần đi qua nhà ông Đinh Công Chung, ông Tình sững người khi nhìn thấy một cô gái đẹp như tiên giáng trần, đang ngồi chải tóc bên cửa sổ. Ông đứng lặng người nhìn cô gái. Nụ hất tung mái tóc, nhìn thẳng vào mắt ông Tình. Tiếng sét ái tình bùng nổ.

Dù biết rằng, bà Nụ đã qua hai lần “đò”, không có khả năng sinh con. Bà Nụ “đã quá lứa” (20 tuổi). Ông vẫn yêu và quyết định cưới bà Nụ làm vợ.

Tuy nhiên, do tập quán, nền nếp của gia đình dòng họ quan lang, tình yêu của ông Tình với Hoa hậu xứ Mường chỉ trao nhau bằng ánh mắt. Cho đến tận ngày cưới, ông Tình mới được cầm tay, nói chuyện với bà Nụ.

“Lên đò” theo chồng về Hà Nội làm dâu, bà Nụ xin vào làm công nhân Công ty May 8/3. Sau này bà Nụ được công ty cấp một gian nhà tại 106, phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nôi). Hai vợ chồng bà ở tại đây cho đến ngày nghỉ hưu.

Bà Bùi Thị Dậu, cháu bà Nụ kể: Hai cụ (ông Tình, bà Nụ) thương nhau lắm. Khi cụ Tình lâm bệnh, nhìn hai cụ chăm sóc nhau mà không cầm lòng được. Đúng là “nước mắt nhiều hơn nước cháo”. Năm 1994, cụ Tình mất. Theo nguyện vọng của cụ Tình, được mai táng ở xóm Cời, xã Tân Vinh, quê hương Hoa hậu xứ Mường. Nơi có nhiều kỷ niệm trong cuộc đời của ông với bà Đinh Thị Nụ.

Ông Rậu và bà Dậu lau ảnh bà cô Đinh Thị Nụ đưa lên bàn thờ đón Tết. Ảnh: Hồng Bài

Mấy năm sau khi ông Tình mất, gia đình ông Rậu và dòng họ Đinh Công ở Mường Cời đã đón bà Nụ về quê sinh sống cùng họ hàng, làng xóm. Dù không có con, nhưng cuộc sống của Hoa hậu xứ Mường Đinh Thị Nụ thật mãn nguyện, vui vẻ cho đến phút cuối cùng nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên “Mường trời” (ngày 17/4/2006). Theo nguyện vọng của bà, con cháu đã chôn cất bà sát bên mộ ông Tình. Vậy là hơn 40 năm tay gối, má kề, nay hai ông bà lại về bên nhau mãi mãi.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm