Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện tình chàng trai con Tạo bản và lễ hội Pang Phoóng

Nguyễn Hồng Bài

Thứ ba, 17/01/2023 - 07:00

(Thanh tra)- Cuối năm, bà con dân tộc Kháng ở xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, đã thu hoạch xong mùa màng trên nương. Các bản Nậm Mu, Bón, Noong Luông, Bon A, tất bật chuẩn bị trống chiêng đón lễ hội Pang Phoóng. Đây là lễ hội lớn nhất, ý nghĩa nhất và trang trọng nhất của đồng bào dân tộc Kháng ở xã Rạng Đông.

Khi tiếng cồng vang lên ở nhà trưởng họ Lò Khun, báo hiệu lễ hội Pang Phoóng bắt đầu

Ông Cà Văn Bun, người có uy tín của bản Nậm Mu, nói rằng, từ xa xưa, lễ hội Pang Phoóng (nghĩa là lễ tổ tiên) của dân tộc Kháng là do dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo sáng tạo ra.

Lễ hội Pang Phoóng chứa đựng nhiều lễ thức dân gian, có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của con cháu dòng họ Lò Khun dân tộc Kháng đối với tổ tiên, trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản, dòng họ một năm mưa thuận gió hòa, ruộng nương tươi tốt, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, con cháu trong dòng họ gần gũi, yêu thương đùm bọc nhau và cầu xin những điều may mắn cho một năm mới, răn dạy con cháu luôn nhớ về cội nguồn.

Lễ hội Pang Phoóng thường diễn ra 3 ngày tại nhà trưởng họ hoặc gia đình có điều kiện kinh tế trong dòng Lò Khun.

Ông Cà Văn Bun tâm sự, người Kháng nói chung, người Kháng ở xã Rạng Đông nói riêng, từ già đến trẻ ai cũng biết, cũng hiểu và trân trọng sự tích lễ hội Pang Phoóng. Như ông, từ năm lên 7 tuổi đã được ông bà kể về sự tích lễ hội Pang Phoóng.

Nghi lễ cúng thần linh trong lễ Pang Phoóng dân tộc Kháng

Đó là chuyện tình dang dở giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ.

Ông Bun dừng lời, đứng dậy cầm dùi chuông đánh một hồi, tiếng chuông âm vang lan tỏa khắp bản, khắp núi rừng bản Nậm Mun như báo hiệu, lời xin phép thần linh để được kể câu chuyện tình của chàng trai con Tạo bản với nàng vượn.

Tiếng chuông lắng dần, ông Bun ngồi lên sập giữa nhà. Nét mặt nghiêm trang, giọng trầm ấm, ông kể: Thủa xưa có một bản người Kháng nằm giữa vùng núi rừng kỳ vĩ. Vào một buổi chiều Đông, tiết trời hanh hao đã đưa bước chân chàng trai Tạo bản dòng họ Lò Khun vốn ham săn bắn đến một cánh rừng xa. Nhìn qua khe lá, chàng trai phát hiện thấy một đàn vượn đang chuyền cành, hái quả, nô đùa. Cảnh vui vẻ thanh bình khiến chàng không nỡ giương cung bắn. Chàng trai nảy ra trò tinh nghịch là đi tiểu đầy hốc đá dưới gốc cây gần đó để lừa lũ vượn xuống uống.

Chiều xế bóng, cô vượn xinh xắn nhất đàn nhìn thấy hốc đá đầy nước liền uống một hơi cho đã khát.

Ngày qua ngày, nàng vượn xinh đẹp không biết một sinh linh bé nhỏ trong cô đang lớn dần. 9 tháng 10 ngày, nàng vượn sinh ra một cậu bé đẹp như thiên thần. Nàng nâng niu niềm hạnh phúc bé bỏng của mình trong lời ru “ú dơ, lả ú dơ” (nghĩa là à ơi con ngủ ngoan đi).

Lời ru trong gió chiều đã đưa bước chân chàng trai dòng họ Lò Khun tìm về chốn cũ, nơi cánh rừng chàng dừng chân chiều Đông năm trước. Khung cảnh trước mắt chàng hiện lên như trong giấc chiêm bao. Nàng vượn tay bồng con thơ bỗng hóa thành thiếu phụ, ánh mắt chan chứa yêu thương, nụ cười rạng rỡ của nàng khiến chàng trai con Tạo ngây ngất. Người con gái chàng hằng mơ ước là đây. Chàng trai con Tạo bản bế trên tay đứa con yêu quý, sánh bước bên nàng về bản và làm hôn lễ.

Về làm dâu con nhà Tạo bản, ngày ngày vợ chồng nàng lên nương, lên rẫy. Một buổi sáng, nàng vượn cùng em gái chồng lên rừng, em chồng mải chặt chuối lấy hoa, không thấy chị dâu chặt cây chuối mà trong nháy mắt chị đã hái đầy hoa chuối xếp gọn trong sọt. Em chồng thấy lạ liền hỏi: Chị không hạ cây mà sao lấy được nhiều hoa chuối thế?

Chị dâu giải thích: Chị trèo cây, em xem chị hái hoa chuối đây này.

Nói xong, chị dâu biến thành vượn thoăn thoắt trèo lên cây hái hoa chuối, thân hình chân tay đầy những lông. Trong nháy mắt chị vượn lại biến thành người khiến em chồng vô cùng sửng sốt và đem chuyện về kể lại với anh trai.

Thế rồi chuyện lạ lan ra cả nhà đều biết. Xót thương con trẻ và người chồng yêu quý, nàng vượn quyết định ra đi để tránh ánh mắt dò xét của mọi người. Trước khi đi nàng dặn chồng hãy thay nàng nuôi con. Hãy nhớ ngày nàng ra đi. Sau mùa gặt hái chàng hãy hái hoa bầu, hoa bí, chọn 36 củ khoai lang, 36 củ khoai sọ, 36 miếng bí đao, 36 miếng bí đỏ, 36 ngọn rau, 36 miếng thịt, đồ 1 gói xôi cẩm, 1 gói xôi cốm và làm hai ống rượu cần bằng tre cùng 04 cần hút để làm cỗ tưởng nhớ về nàng.

Từ đó mà lễ hội Pang Phoóng của đồng bào Khang ra đời để tưởng nhớ biết ơn Mẹ Vượn.

Sau phần lễ, mọi người tham gia múa hát

Hằng năm, cứ đến mùa lúa chín vàng trên nương, đồng bào Kháng, dòng họ Lò Khun lại tổ chức lễ hội Pang Phoóng tại nhà trưởng họ, mâm cỗ cúng thần linh “Mẹ Vượn” có đủ những thứ mà nàng vượn dặn chàng trai con Tạo bản.

Sự tích lễ hội Pang Phoóng đã phản ánh đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng, luôn lấy cội nguồn tiên tổ làm cái gốc để rèn tâm, dưỡng đức.

Ông Quàng Văn Báo, người có uy tín bản Loóng Lương cho biết: Dân tộc Kháng ở tỉnh Điện Biên chỉ có gần 5.000 người, sống ở các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Từ xa xưa, người Kháng có nhiều tên gọi khác nhau như: Xá Khao, Xá Xú, Xá Đơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Bung, Quảng Lâm. Sau này Nhà nước đặt tên gọi chung là dân tộc Kháng. Bao đời nay, dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao lưu hòa nhập cộng đồng, nhưng người Kháng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng biệt của lễ hội Pang Phoóng và các lễ hội khác.

Năm 2020, Lễ hội Pang Phoóng của dân tộc Kháng xã Rạng Đông đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm