Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cảm thức về thời gian trong nhạc Trịnh

Thứ sáu, 01/04/2016 - 18:07

Nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn viết nên những nỗi niềm của người phụ nữ trong bước chuyển của thời gian, vạn vật.

Cách đây không lâu, trong bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam – Em là bà nội của anh, ca sĩ trẻ Miu Lê khoác thêm hình hài mới cho những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Trong trẻo, mộc mạc và hiện đại, phần thể hiện của Miu Lê như kéo người trẻ xích lại gần thêm với di sản âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa Việt Nam.

Trong phim, ca khúc Còn tuổi nào cho em được khán giả đặc biệt ưa thích. Đây là một bài hát nặng hoài cảm, đầy tình mến thương của Trịnh Công Sơn dành cho phái đẹp.

“…Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…”

Phụ nữ hay ngoái đầu nhìn lại, hay nhớ tiếc thời gian, hay cảm thấy sự tàn lụi cả khi đang rực rỡ thanh xuân nhất. Có những chiều bâng khuâng, nhìn lá vàng rụng, người đàn bà không khỏi chạnh lòng nhớ về thời thơ trẻ.

Thời gian lúc nào cũng vội, chỉ vài cái chớp mắt, nàng đã chẳng còn là người thiếu nữ “ngồi hát mây bay ngang trời”,  với đôi tay măng, vùng tóc dài. Lời bài hát còn vương chút ngơ ngác của kẻ tỉnh dậy đã thấy mình đi qua cuộc đời tựa hồ như đi qua những giấc chiêm bao.

“…Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài…”

Còn tuổi nào cho em họa nên hình ảnh của một người đàn bà âm thầm chải tóc khi chiểu phủ bóng, nhìn lá vàng, miên man với hồi ức. Năm tháng chưa bao giờ vì thấy phụ nữ là phái yếu mà bớt phũ phàng, khắc nghiệt. Điều đó đặc biệt đúng với những người đàn bà Việt thường có thói quen hy sinh quá nhiều vì người khác đến quên cả bản thân. Ca khúc này, vì thế, chỉ có thể được thấu cảm tận cùng bởi những người đàn bà Á châu.

Màu của thời gian, cảm thức về sự thay đổi vận hành của mùa, của vạn vật - những điều tưởng như rất trừu tượng - đã được chạm khắc vào những ca từ của Trịnh Công Sơn một cách thật gần gũi, nồng nàn.

Bởi ông đã đặt bước đi của thời gian ấy vào những hình bóng yêu kiều của những người đàn bà, của những cuộc tình, hay rộng lớn hơn là của tha nhân. Trong Diễm xưa, hình ảnh hiện tại và quá khứ của người phụ nữ như đan hòa vào nhau qua màn mưa gợi nên một nỗi hoài vọng, nâng niu: "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu..." (Diễm xưa).

Chính từ sự yêu thương, nâng niu ấy, dường như có lúc, Trịnh Công Sơn muốn thời gian ngừng lại, để mái tóc người ông thương vẫn giữ mãi nét thanh xuân, để sự vĩnh cửu của thời gian ướp hương cho vẻ đẹp ấy còn mãi: "Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn/Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm/Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy/Nên mãi ru thêm ngàn năm/Ru em từng ngón xuân nồng" (Ru em từng ngón xuân nồng).

Hình ảnh những đôi “vai gầy” luôn trở đi trở lại trong những sáng tác của Trịnh Công Sơn. Ông thương cho những “Vai em gầy guộc nhỏ - Như cánh vạc về chốn xa xôi” (Như cánh vạc bay) hay từng “Gọi nắng trên vai em gầy - đường xa áo bay” (Hạ Trắng). Nếu vai gầy tạo cảm giác mỏng manh, yếu đuối thì những mái tóc mây luôn chảy dài bất tận trong những sáng tác của ông như một sự ám ảnh, như một khoảng trời mơ mộng, một dòng thác không cạn của những tâm sự.

Khánh Ly - giọng hát gắn liền với dòng nhạc Trịnh Công Sơn.

Với phụ nữ, Trịnh Công Sơn dường như thừa dịu dàng. Ông lúc nào cũng tự nhún mình, trân trọng, nâng niu phái đẹp. Trong Ru tình, ông từng viết “Ru em ngồi yên nhé, Tôi tìm cuộc tình cho”. Trong Biết đâu nguồn cội, ông khiêm tốn “Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài”. Trong Còn tuổi nào cho em, Trịnh Công Sơn như thầm cầu xin tạo hóa vô tình hãy nhẹ bớt bàn tay, đừng quá phũ phàng với người đẹp: “Xin cho tay em còn muốt dài”, “Xin cho cô đơn vào tuổi này”. Người đàn ông nhỏ bé ấy thấu hiểu và thương yêu một cách sâu sắc, trọn vẹn thân phận của người đàn bà.

“…Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa…”

Nhạc Trịnh thường tạo cảm giác buồn bã man mác.  Nỗi buồn thường đẹp đẽ, mơ hồ, không rõ hình hài với một chuỗi những cảnh trí ẩn hiện trong những lớp sương dày của ký ức. Người nghe thoáng thấy hình ảnh của một đôi “mắt sâu”, một “mái tóc mây cài”, “vai gầy” hay “những ngón tay muốt dài”. Giai nhân trong nhạc Trịnh chẳng bao giờ đẹp lồ lộ ngỡ ngàng mà thường nép mình trong ký ức, chấp chới như những cơn mơ, không thể nắm bắt.

Thời gian gần đây, "Còn tuổi nào cho em" tạo cơn sốt trở lại qua giọng hát của Miu Lê trong phim "Em là bà nội của anh". Ảnh:CJ E&M.

Nhạc Trịnh chưa bao giờ đánh đố ở câu từ. Những từ ngữ ông sử dụng thường rất giản dị, dễ cảm, dễ hiểu. Tuy nhiên, để đọc được “thông điệp dưới bề mặt” của tác phẩm không phải là một điều đơn giản vì người nghe thường không chạy kịp với mạch tư duy của nghệ sĩ. Nghe nhạc Trịnh, ta dễ choáng ngợp bởi một chuỗi hình ảnh, những liên tưởng có vẻ rất ngẫu hứng và ngẫu nhiên. Ca khúc như một mạch nguồn bất tận của cảm xúc, ký ức và hình ảnh, khiến người nghe – kẻ ngoài cuộc – dễ cảm thấy bị chới với, cuốn theo và đắm chìm.

Trịnh Công Sơn đã viết nên những nỗi niềm - cả vui sướng lẫn tuyệt vọng - đầy nâng niu và trìu mến về đàn bà. Để từ tác phẩm của ông, phụ nữ tìm thấy một tri kỷ rất đỗi dịu dàng.

Theo Vnexpress

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm