Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo tồn làn điệu hát Xoan

Thứ hai, 23/05/2011 - 13:59

(Thanh tra) - Khí thiêng sông núi hòa với trí tuệ Lạc dân đã tạo nên những tinh hoa văn hóa riêng của vùng đất tổ Phú Thọ. Hát Xoan là một trong những nét tinh hoa của nền văn hóa ấy…

Giá trị văn hóa và lịch sử

Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, được tổ chức hát ở cửa đình các dịp tiệc làng, hầu hết là vào mùa xuân nên còn gọi là hội hát xuân.

Tục truyền: Ba anh em vua Hùng đi qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại ở một khu rừng gần thôn. Từ trong rừng các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy lũ mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật, chỗ thì kéo co, thấy vậy Đức thánh Cả liền bảo bọn tùy tùng đem một số điệu hát dạy cho lũ trẻ. Để kỷ niệm sự kiện này, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng giêng âm lịch, dân làng lại mở hội cầu, lễ vật cúng các vị là bánh nẳng vào buổi trưa và thịt bò vào buổi chiều ở miếu (sau này được gọi là miếu Lãi Lèn)… Về sau cứ đến chập tối ngày hội cầu hàng năm, phường Xoan phải lên hát thời ở miếu Lãi Lèn. Điều này lý giải tại sao Hát Xoan còn được gọi là hát Lãi Lèn.

Ông Nguyễn Xuân Oanh, cán bộ văn hóa xã Làng Kim Đức (thành phố Việt Trì, Phú Thọ), nơi được coi là quê gốc của Hát Xoan cho biết, xã đã thành lập câu lạc bộ hát Xoan từ năm 1998. Đến nay, đã có 103 người của 3 thế hệ tham gia các phường hát Xoan. Toàn xã có 21 người được phong là nghệ nhân. Từ năm 2005, xã đã thành lập được 12 tổ hát Xoan trong khu dân cư. Đặc biệt trong dịp hè 2010, các nghệ nhân tại các phường Xoan xã Kim Đức đã mở lớp truyền dạy cho 40 cháu độ tuổi từ 8 - 15 tuổi đạt kết quả tốt.

Trưởng phường Xoan Kim Đức Lê Xuân Ngũ cho biết, hoạt động của phường Xoan đang gặp rất nhiều khó khăn, phần do thiếu nghệ nhân vì các cụ đã tuổi cao sức yếu, các cháu thanh niên thì bận học hành. Kinh phí cho tập luyện lại hầu như không có nên việc truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ngũ cũng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn để hoạt động hát Xoan được duy trì và phát triển.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, trưởng phường xoan An Thái (Xã Phượng Lâu, Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), một trong những làng Xoan nổi tiếng và hoạt động mạnh nhất cho biết, hiện phường Xoan có 40 thành viên, gồm 3 thế hệ. Trong đó cụ cao tuổi nhất là 86 tuổi và cháu bé tuổi nhất là 10 tuổi. Phường Xoan của bà hoạt động rất thường xuyên và quy củ, cứ 1 tháng phường Xoan lại tập trung các thành viên và luyện tập 1 lần. Theo chủ trương của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục tỉnh Phú Thọ là đưa hát Xoan thành môn học ngoại khóa tại các trường tiểu học, bà Lịch cũng đang truyền dạy cho 50 giáo viên tiểu học. Cũng giống như phường Xoan Kim Đức và các làng Xoan khác, phương thức truyền dạy của các nghệ nhân phường Xoan An Thái chủ yếu là phương thức truyền mồm. Bà Lịch tâm sự: “Ngày xưa cụ và bố tôi dạy tôi như thế nào thì giờ đây tôi lại dạy lại các cháu như thế”.

Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn


Hiện nay số lượng nghệ nhân Xoan đã mất đi rất nhiều so với những năm của thập kỷ trước. Lớp nghệ nhân ở độ tuổi từ 80 tuổi trở lên là những người sinh ra trong thời kỳ di sản tồn tại, được trực tiếp tham gia hát Xoan nhiều năm trước cách mạng tháng Tám hiện nay chỉ còn lại một ít. Các nghệ nhân này là những báu vật nhân văn vô cùng quan trọng. Họ lưu giữ trong trí nhớ một kho tàng vô giá về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật diễn xướng. Bao năm qua, các nghệ nhân này đã có công rất lớn trong việc truyền dạy hát Xoan cho nhiều thế hệ con cháu, đặt nền tảng vững chắc cho hát Xoan tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, do tuổi cao, trí nhớ giảm nên sự truyền dạy của các nghệ nhân đôi khi sai lệch, nhiều làn điệu không còn nguyên gốc. Công cụ truyền dạy chủ yếu dựa vào trí nhớ và các bài Xoan chuyền tay. Đến nay, các trùm Xoan đều không còn giữ được bản Xoan Nôm cổ nào, mà đều sử dụng bản Xoan quốc ngữ đã được sao chép nhiều lần. Điều đó không tránh khỏi “tam sao thất bản”.

Hướng khai thác hiệu quả di sản hát Xoan vẫn còn là đề bài nan giải, bởi kinh tế du lịch đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ của nhiều ngành. Chúng ta hy vọng trước những cố gắng của các cấp, các ngành, hát Xoan sẽ sớm có chỗ đứng trong lòng du khách quốc tế khi được đưa vào khai thác như là một nguồn tài nguyên cho sự phát triển kinh tế du lịch Phú Thọ.
“Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể”.

Phương Nhung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm