Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từ phân hóa tội phạm vụ Việt Á, Viện trưởng Lê Minh Trí nói cần sửa luật để áp dụng toàn quốc

Hương Giang

Thứ hai, 20/03/2023 - 16:53

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, phải xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cũng cần nhân văn để phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 20/3, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt vấn đề, thời gian qua, có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được, có tính đột phá, không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.

“Đề nghị Viện trưởng cho biết quan điểm, các giải pháp để vừa không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tham nhũng, đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung?”, bà Hoa hỏi.

Trăn trở, suy nghĩ về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Trả lời câu hỏi này, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là vấn đề ông “trăn trở, suy nghĩ và phát biểu tại một số hội nghị khác nhau”.

"Tôi và ngành Kiểm sát xác định quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương của Đảng trong đấu tranh hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Trí nói, việc này để bảo vệ chế độ, tạo lòng tin của người dân với Đảng.

Viện trưởng nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Càng xử lý nghiêm khắc, càng răn đe, giáo dục tốt”, ông Lê Minh Trí nói.

Qua thực tiễn các vụ án, việc áp dụng pháp luật, theo ông Trí, có những trường hợp cán bộ thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên hoặc cấp trên gợi ý phải chấp hành.

Hoặc có trường hợp, cấp tham mưu không đúng, không đầy đủ, nhưng kiểm soát không được nên quyết sai. Hoặc có yếu tố rủi ro, bất cập, ngoài dự kiến, bất khả kháng.

Viện trưởng cho hay, với những trường hợp trên nếu người ta chủ động, khắc phục hậu quả hay thấy sai sửa, hợp tác, giúp các cơ quan chức năng điều tra để điều tra làm rõ các vụ án nếu áp dụng miễn, giảm, tha thì vướng quy định của luật.

Ông dẫn Điều 8 Bộ luật Hình sự chỉ quy định khi tính chất nguy hiểm với xã hội không đáng kể nhưng “không đáng kể thì không có định lượng” nên rất khó áp dụng. Điều 29 Bộ luật Hình sự có những khoản miễn nhưng có điều kiện.

Từ đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị rà soát, sửa các điều luật cụ thể. Ông dẫn chứng vụ Việt Á, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án “ngồi lại với nhau” nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền có chủ trương về chính sách hình sự, phân hóa thành 3 loại: Một loại xử lý nghiêm, một loại giảm và một loại không xử lý hình sự, chỉ xử lý kỷ luật Đảng, hành chính.

“Trong từng vụ án cụ thể, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhiều đối tượng thì các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất như thế, còn tổng thể áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa có”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng là khởi tố hình sự có từ năm 1999

Ông cho hay, Quy định 69 của Bộ Chính trị có quy định khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà làm sai thì không kỷ luật, nhưng để thực hiện phải “cụ thể hóa bằng luật pháp”.

“Đảng không kỷ luật nhưng hành vi cụ thể là vi phạm pháp luật”, Viện trưởng nhấn mạnh và đề nghị, rà soát những điều khoản luật cụ thể để điều chỉnh.

Ông Lê Minh Trí tiếp tục đề cập đến các điều luật của Bộ luật Hình sự. Ví dụ, Điều 219 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 360 (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), chỉ gây thiệt hại 100 triệu đồng thôi đã khởi tố hình sự rồi.

Theo ông, cần xem xét lại các quy định trên vì mức gây thiệt hại đã quy định trong Bộ luật Hình sự từ năm 1999.

“Chúng ta đã sửa luật rồi nhưng mức xác định vẫn là 100 triệu đồng. Trong tình hình này, tôi thấy không phù hợp”, Viện trưởng nêu quan điểm.

Ông còn đề nghị cần nghiên cứu tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù, đảm bảo xử lý nghiêm người chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt, vụ lợi, nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn với những người đối mặt với rủi ro.

Như Luật Đất đai có nhiều bất cập, hiện đang được nghiên cứu sửa đổi, ai làm trong lĩnh vực xử lý liên quan đất đai cũng đối mặt với rủi ro lớn. Vì vậy, theo ông Trí, phải đồng bộ giải quyết, có chủ trương để tháo gỡ.

“Cái nào nghiêm thì phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục; nhưng cũng có cái phải nhân văn để phát huy sự năng động, sáng tạo của cán bộ để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”, ông Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng chống tham nhũng, đồng thời khắc phục các bất cập để không thể tham nhũng.

Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, Viện trưởng đã có những chỉ đạo gì để thực hiện ý kiến trên của Tổng Bí thư?

Viện trưởng Lê Minh Trí nói đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần hoàn thiện thể chế về kinh tế để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Ông kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực, bởi “công khai, minh bạch thì sẽ kiểm soát được”.

Ví dụ Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản thì không, ông Trí kiến nghị “bịt” các lỗ hổng trong quy định đã bị lợi dụng; đồng thời có lộ trình hạn chế tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát.

“Việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói thêm. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm