Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quyền tiếp cận thông tin: “Vắc-xin” phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 03/04/2015 - 06:35

(Thanh tra) - Các chuyên gia pháp lý cho rằng, quyền tiếp cận thông tin là quyền gốc, quyền của quyền nên cần xây dựng thiết chế để người dân có quyền chủ động tiếp cận thông tin, thay vì ở thế bị động, cơ quan Nhà nước cung cấp đến đâu biết đến đó như trước đây thì mới phòng, chống tham nhũng hiệu quả…

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh: Không chỉ quy định rõ cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân mà còn phải có điều khoản bảo vệ quyền của người cung cấp thông tin. Ảnh: Thảo Nguyên

Khó tiếp cận thông tin - gia tăng tùy tiện, tham nhũng

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh, tham nhũng, tiêu cực luôn được coi là nguy cơ của mỗi quốc gia, diễn ra trong mọi lĩnh vực của hoạt động Nhà nước. Ở đâu có quyền lực, ở đó có nguy cơ quyền lực bị tha hóa và xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng một phần do hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập “kẽ hở”, thông tin không được công khai, minh bạch. Theo các chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp, ở mức độ nhất định, pháp luật hiện hành của nước ta đã ghi nhận quyền tiếp cận thông tin, song có nơi, có lúc vẫn khó khăn, thậm chí không thể tiếp cận được.

Thực tiễn cho thấy, còn một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng ví trí đặc quyền để trục lợi trong việc cung cấp thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội. “Thiếu thông tin cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan Nhà nước, đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất, thiếu bình đẳng, làm gia tăng sự tùy tiện, tham nhũng, tiêu cực”, chuyên gia cao cấp TS. Dương Thanh Mai nói. 

Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi dẫn chứng, khi ông có nhu cầu tìm mua bất động sản thấy rằng những thông tin phải bỏ tiền mua thì không hề đáng tin cậy. Nếu tạo được nền móng để công dân có thể tìm kiếm những thông tin liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, những thông tin ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân sẽ góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Hơn nữa, thông tin không được cung cấp một cách chính thức, kịp thời dẫn đến việc người dân dễ tiếp nhận những thông tin sai lệch, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu "phải bảo đảm cung cấp thông tin chính thống, qua đó át đi những thông tin không chính thống".

Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin

Các chuyên gia cho rằng, để việc tiếp cận thông tin của người dân không rơi vào bệnh hình thức, trước hết phải tạo cơ chế giải tỏa “nút thắt” về quan điểm thế nào là thông tin “mật”, ai có trách nhiệm cung cấp thông tin, chủ động công bố thông tin. Việc phải có một cơ chế giám sát việc thực thi quyền tiếp cận thông tin cũng quan trọng và cần được “luật hóa”. 

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Kim Thoa, để minh bạch, trong quá trình soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin sau 5 năm bị gián đoạn vừa được “tái khởi động”, ban soạn thảo đề xuất, thông tin được tiếp cận là tin tức, dữ liệu có sẵn trong hồ sơ, tài liệu chính thức, do cơ quan Nhà nước/cơ quan cung cấp thông tin tạo ra và nắm giữ để bảo đảm tính chính xác của thông tin chính thức. “Quyền tiếp cận thông tin là quyền gốc, quyền con người. Quy định này sẽ tránh gây khó khăn cho quá trình thực thi”, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) bình luận.

Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng cần được quy định rõ ràng. Trước hết, thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, của hệ thống các cơ quan Nhà nước bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp, TAND, Viện KSND để mọi công dân có quyền chủ động tiếp cận thông tin liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức như đất đai, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục...

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chủ thể phải cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan Nhà nước và các tổ chức có sử dụng tài sản, ngân sách Nhà nước (bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức do Thủ tướng thành lập, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, doanh nghiệp Nhà nước, quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật), trừ tổ chức chính trị. Theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đây là “quan niệm chung trên thế giới”.

“Khoanh” rõ thông tin cấm, hạn chế tiếp cận

Bên cạnh đó, luật cần “thiết kế” nêu rõ các thông tin cấm tiếp cận, hạn chế tiếp cận nhằm tránh tạo “khoảng tối” khiến người dân không thể biết được thông tin nào thuộc diện hạn chế tiếp cận, thông tin nào không.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, bí mật Nhà nước đương nhiên không được cung cấp. Tuy nhiên, nếu là bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh… trong trường hợp xét thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ môi trường vì lợi ích cộng đồng thì nên cho phép người đứng đầu cơ quan tạo ra và nắm giữ thông tin đó xem xét, quyết định cung cấp thông tin với thủ tục, quy trình chặt chẽ. 

Còn chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai đặc biệt nhấn mạnh thêm: Thông tin dù chưa được văn bản pháp luật quy định công bố công khai trước khi thực hiện nhưng liên quan đến lợi ích của nhiều người (như việc chặt cây xanh ở Hà Nội vừa qua) thì cũng cần công bố rộng rãi để người dân biết.

Phải nói thêm rằng, “ở đâu có độc quyền và bưng bít thông tin thì tham nhũng, tiêu cực có cơ hội hoành hành. Ở đâu bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, quyền con người và trách nhiệm giải trình thì tham nhũng, tiêu cực bị đẩy lùi” -  đó là nhận định của Phó Trưởng ban Nội chính Nguyễn Doãn Khánh. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.

Đông Hà

20:01 14/12/2024
Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…

Hương Trà

07:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm