Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhóm lợi ích thân hữu

Thứ bảy, 16/11/2013 - 08:31

(Thanh tra) - Khái niệm “Nhóm lợi ích thân hữu” lần đầu tiên xuất hiện công khai trên diễn đàn về phòng, chống tham nhũng tại phiên Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng, chống tham nhũng”. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, vấn đề tham nhũng và hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được quan tâm.

Kết quả khảo sát mới nhất về tham nhũng trong doanh nghiệp do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện, 50% số vụ án tham nhũng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Đáng chú ý, có tới 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, chính họ là người chủ động đề nghị đưa hối lộ. Chỉ 30% doanh nghiệp cho hay, họ thực hiện theo sự gợi ý của cơ quan công quyền. 

Đại diện Ngân hàng Thế giới, ông James H.Anderson cũng cho biết, tiến hành điều tra trên 1.000 doanh nghiệp ở Việt Nam, có 63% cho rằng, cán bộ cố tình kéo dài thời gian, 58% cho rằng cố tình bắt lỗi doanh nghiệp để đòi hối lộ... Kết quả phản ứng của doanh nghiệp cũng đáng buồn, khi khoảng 75 - 80% doanh nghiệp đã trả hối lộ ngay cả khi không bị yêu cầu, 63% doanh nghiệp cho rằng, hối lộ tạo ra cơ chế bất thành văn để giải quyết công việc, 32% cho rằng, “mở ví” là cách nhanh nhất để giải quyết công việc. 

Kết quả này chứng tỏ doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của tham nhũng. Xét khía cạnh nạn nhân, có thể do các viên chức thừa hành còn có thái độ quan liêu, cố tình làm khó, kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp để đòi hối lộ.  

Cũng theo khảo sát, 70% số doanh nghiệp nói là việc đưa hối lộ giúp giải quyết công việc nhanh và hiệu quả; chi phí đưa hối lộ nhỏ hơn nhiều so với những lợi ích mà họ được hưởng; thậm chí, nếu không đưa hối lộ sẽ không giải quyết được công việc. Xét khía cạnh tác nhân, thông tin này cho thấy, tất cả là vì lợi nhuận kinh doanh.

Dẫu doanh nghiệp có là nạn nhân hay tác nhân, thì hậu quả mang lại cũng là họa lớn cho nền kinh tế. Và mọi nguyên nhân khởi nguồn tham nhũng là bắt đầu từ con người, mà cụ thể là các viên chức thừa hành các nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời, ở đây còn có thể nhìn thấy nguyên nhân khác hơn là cơ chế. Dù thời gian qua, Việt Nam đã ban hành rất nhiều thể chế phòng, chống tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm những vụ vi phạm. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng mới chỉ tập trung vào cán bộ, công chức, hay người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Có ý kiến nói, cần mở rộng Luật Phòng, chống tham nhũng để bao quát cả khu vực tư nhân, đơn giản hóa mức độ tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan để tăng tính minh bạch trong hoạt động... Nếu không làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh thì chính Việt Nam đang làm mất đi những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại đang tham gia.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, một đất nước không thể phát triển được nếu không có doanh nghiệp. Tuy nhiên, phát triển doanh nghiệp trong điều kiện chưa hoàn thiện thể chế Nhà nước, chưa minh bạch thì sẽ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh và là cái cớ cho tham nhũng.

Trước đây, chúng ta nhận thức rằng, doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, điều đó là chưa đủ, khi thực tế nhiều doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ để dành thế chủ động trên thương trường, trong cạnh tranh. Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà chưa quan tâm đến liêm chính trong doanh nghiệp mình. Vì vậy, cần phát động phong trào chống tham nhũng, tiêu cực trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cảnh báo, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự câu kết giữa doanh nghiệp với các công chức tha hoá sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu” và có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.

Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác, phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh. Nhà nước cũng cần có chính sách ủng hộ, ưu tiên các doanh nghiệp thực hiện liêm chính tốt…

Bút Chì

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm