Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Minh bạch chính sách nhằm đảm bảo an sinh tại khu công nghiệp

Thứ ba, 14/04/2015 - 10:41

(Thanh tra)- Với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế thực thi chính sách xã hội đối với lao động nhập cư tại khu công nghiệp (KCN)”, Đề án P29 triển khai xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hỗ trợ nhóm giúp người lao động tiếp cận dễ dàng với chính sách xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng theo quy định. Đề án do Trung tâm Đào tạo phát triển xã hội (SDTC) thực hiện.

Người lao động nhập cư vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các chính sách xã hội. Ảnh: Hoàng Long

Nghìn lẻ một cái khó với lao động nhập cư

Chị Hoàng Thị Phương, công nhân tại KCN Hiệp Phước phản ánh là lao đông nhập cư. Chị gặp rất nhiều khó khăn khi làm các thủ tục phức tạp để nhập học cho con, học phí cao trong khi doanh nghiệp vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho người lao động. Trong khi đó, chị cũng đau đầu tìm chỗ giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi để đi làm vì các trường mầm non không nhận. Do không tìm được nơi gửi trẻ, nhiều nữ công nhân có điều kiện tương tự chị đều phải nghỉ việc không lương để chăm con.

Ở hoàn cảnh khó khăn khác, chị Lê Thị Hoa, công nhân tại KCN Hiệp Phước bức xúc vì chị nghỉ việc đã 2 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ chính sách theo quy định.

Ông Phạm Chí Tâm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động nhưng phớt lờ quyền lợi người lao động khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi các quyền và lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và đẩy quan hệ lao động vào tình trạng bất ổn. 

Chủ tịch LĐLĐ huyện Nhà Bè nhận định, người lao động nhập cư vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các chính sách xã hội. Hiện nay, hầu hết lao động nhập cư tại KCN vẫn chưa được thụ hưởng chính sách về giá điện, nước sinh hoạt theo quy định của Nhà nước dành cho đối tượng lao động nhập cư.

Trong khi đó, nhiều lao động nhập cư không biết trình tự, thủ tục thụ hưởng lợi ích từ các chính sách xã hội và tổ chức, cá nhân nào có thể hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho họ. Ví dụ, khu lưu trú công nhân Hiệp Phước có số lượng phòng rất hạn chế so với nhu cầu của người lao động, với 1.100 chỗ ở cho trên 7.000 lao động nhập cư. Tuy nhiên, khu lưu trú này mới chỉ thu hút được khoảng 400 chỗ ở. Nguyên nhân của sự trái ngược này là do người lao động chưa hiểu hết các quy định.

Trước thực trạng trên, Đề án P29 thuộc Chương trình VACI 2014 đặt ra mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả cơ chế thực thi chính sách xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nhập cư và nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, cơ quan hữu quan. Nơi đề án lựa chọn thực hiện là KCN Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè.  

Hỗ trợ người lao động tiếp cận chính sách

Chủ Đề án P29 Vũ Văn Hiệu cho biết, đến nay, các tổ tham vấn ý kiến được triển khai tới từng cộng đồng dân cư, khu nhà trọ và từng cá nhân để ghi nhận thực trạng về thực hiện chính sách xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ nhà ở, điện, nước… tại KCN. Quá trình khảo sát giúp đề án đánh giá mức độ ảnh hưởng của cơ chế thực thi chính sách đối với lao động nhập cư.

Dựa vào các chỉ số khảo sát, STDC biên soạn Cẩm nang “Đồng hành cũng người lao động” giúp trả lời các nhóm câu hỏi phổ biến mà người lao động cần biết, hướng dẫn thực hiện các chính sách xã hội đối với lao động nhập cư theo đúng quy định. Cuốn cẩm nang được chuyển giao cho LĐLĐ huyện Nhà Bè, Ban Quản lý KCN Hiệp Phước, các địa điểm sinh hoạt cộng đồng để lao động nhập cư dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.

Ngoài ra, Chủ đề án P29 tiến hành thành lập các nhóm nòng cốt hỗ trợ kip thời cho các lao động nhập cư khi phát hiện vấn đề khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách xã hội ngay tại cơ sở. 

Nhóm nòng cốt được xây dựng từ các nhân tố tích cực trong hoạt động đoàn thanh niên, tổ trưởng, nhóm trưởng, các chủ nhà trọ hoặc lao động nhập cư tiêu biểu. Chủ đề án phối hợp với chính quyền, LĐLĐ huyện tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm nòng cốt để phát huy hiệu quả tại cơ sở.

Quá trình triển khai Đề án, nhóm thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn 6 trường hợp người lao động nhập cư thực hiện các trình tự, thủ tục để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình. Nhiều thắc mắc của các lao động nhập cư về chế độ chính sách được cơ quan chức năng trả lời trực tiếp, tỉ mỉ ngay tại các buổi tập huấn.

Chủ Đề án P29 Vũ Văn Hiệu cho biết, mặc dù đề án mới ở giai đoạn đầu thực hiện nhưng đã cho thấy các tín hiệu khả quan. Môi trường trao đổi và trợ giúp chính sách xã hội tại nơi cư trú hoặc tại nơi làm việc thay vì ở các cơ quan công quyền vốn tạo ra sự e dè của lao động nhập cư đã thúc đẩy lao động nhập cư tìm hiểu, bày tỏ vấn đề của chính họ hoặc của người thân của họ.

Giai đoạn tiếp theo của Đề án P29 do STDC thực hiện:

+ Tư vấn lưu động cho lao động nhập cư

+ Tổ chức mô hình đối thoại ba bên gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động nhập cư về giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội

+ Tập huấn mở rộng cho lao động nhập cư

+ Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ và giám sát thực hiện chính sách xã hội, tạo nền tảng xây dựng mạng lưới thông tin, nguồn lực thực hiện chính sách xã hội tại KCN.


Hoàng Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm