Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hàng trăm tỷ đồng vi phạm tại Viettel

Thứ năm, 24/05/2012 - 23:21

(Thanh tra)- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện theo các kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Đồng thời, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng về đề nghị của Bộ Quốc phòng đối với khoản tiền phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 307 tỷ đồng khi Bộ này xin để lại để tái cơ cấu Cty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom)…

Hỗ trợ vốn cho các công ty thành viên trái luật

Năm 2009, Viettel thực hiện 16 đợt khuyến mại, giảm giá cho thuê bao di động trả trước hòa mạng mới, có tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi là 351 ngày, vượt 261 ngày so với Nghị định 37/2006/NĐ-CP về xúc tiến thương mại; có 13 đợt khuyến mại giảm giá vượt 50% trước thời điểm khuyến mại, sai với Nghị định 37...

Năm 2008, Viettel chưa hạch toán doanh thu khuyến mại trên 533 tỷ đồng và kê khai thiếu hơn 53 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra về khuyến mại sản phẩm dịch vụ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư 32/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Việc chấp hành các quy định, chính sách về đầu tư xây dựng cơ bản của Viettel cũng chưa nghiêm. TTCP phát hiện 18 công trình, dự án bị chậm tiến độ; 6 dự án có sai sót trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán.

TTCP cho rằng, có dấu hiệu "dàn xếp thông thầu" tại gói thầu xây lắp dự án Viettel Bắc Giang để Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng trúng thầu. Sau đó, Tổng Cty này chuyển nhượng lại gói thầu cho Cty Cổ phần Quang Minh thực hiện, hưởng chênh lệch 235 triệu đồng sai quy định. TTCP đề nghị Viettel phải xử lý vụ việc và có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, xử lý.

Bên cạnh đó, Viettel đã hỗ trợ vốn cho các Cty thành viên như: Cty Cổ phần Công trình Viettel trên 252 tỷ đồng; Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel 283 tỷ đồng và cho Cty này vay ưu đãi 370 tỷ đồng. Theo TTCP, việc cho vay ưu đãi này không đúng với quy định của Luật các Tổ chức tín dụng vì Viettel không có chức năng tín dụng và cũng không có thẩm quyền cấp tín dụng ưu đãi.

TTCP còn kiến nghị xử lý nhiều khoản tiền lớn khác như: Yêu cầu Viettel thu hồi về Cty mẹ 7,7 tỉ đồng tiền lãi của Tổng Cty Cổ phần Vinaconex theo thỏa thuận mua bán cổ phần giữa Vinaconex với Viettel năm 2009.

Tại Cty TNHH Viettel - CHT (Cty con của Viettel), TTCP phát hiện chưa đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại khu công nghệ cao nhưng lại kê khai là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư tại đây. Do đó, TTCP yêu cầu phải truy thu số tiền mà Cty này được hưởng ưu đãi sai quy định 2,181 tỉ đồng…

Trước những vi phạm trên, ngoài yêu cầu thực hiện khắc phục theo kết luận của TTCP, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Viettel tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm và chấn chỉnh công tác quản lý để hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn. Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát khoản tiền 195,2 tỷ đồng còn thiếu từ các khoản thuế khác và yêu cầu Viettel nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Bộ Tài chính từng “bác” đề xuất của Bộ Quốc phòng

TTCP phát hiện hơn 307 tỉ đồng phải nộp thuế TNDN do Viettel trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) vượt so với mức khấu hao nhanh (quá 2 lần). Theo đúng quy định, số tiền này phải truy thu lại ngân sách Nhà nước, nhưng Bộ Quốc phòng có đề nghị xin giữ lại để bổ sung vốn điều lệ và giải quyết vấn đề vốn trong việc thực hiện nghĩa vụ tái cấu trúc khi được giao tiếp quản EVN Telecom.

Tại Văn bản ngày 9/5/2012, Bộ Tài chính cho rằng, việc trích khấu hao TSCĐ vượt trên 2 lần, Viettel đã hạch toán vào chi phí kinh doanh là 1.228 tỷ đồng và số thuế TNDN phải nộp là 307 tỷ đồng.

Điều 9 Luật Thuế TNDN quy định: “Trích khấu hao TSCĐ không đúng quy định của pháp luật” là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Tại khoản 2, Điều 13, Thông tư 203/2009/BTC về hướng dẫn quản lý trích khấu hao TSCĐ quy định: “DN kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao được khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ. TSCĐ tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh được trích khấu hao nhanh là máy móc, thiết bị, dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm, phương tiện vận tải, dụng cụ quản lý… Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, DN phải kê khai bảo đảm kinh doanh có lãi. Trường hợp trích khấu hao nhanh vượt 2 lần mức quy định tại khung thời gian sử dụng TSCĐ thì phần trích vượt mức khấu hao nhanh (quá 2 lần) không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập trong kỳ”.

Vì các lẽ trên, Bộ Tài chính nhận định: Khoản chi phí khấu hao TSCĐ vượt trên 2 lần so với mức khấu hao quy định mà Viettel đã hạch toán vào chi phí kinh doanh (1.228 tỷ đồng) sẽ không loại trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tương ứng với số thuế TNDN phải nộp nói trên là hơn 307 tỷ đồng. Vì vậy, đề xuất của Bộ Quốc phòng nêu ở trên là không phù hợp với quy định của Luật Thuế TNDN.


Hồng Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm