Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết ngay từ khi mới phát sinh

Thứ ba, 18/02/2014 - 07:29

(Thanh tra)- Ngày 19/2, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) năm 2014. Trước thềm hội nghị, Báo Thanh tra có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác này.

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh phát biểu chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC tại hội nghị triển khai Kế hoạch 2100 tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 9/2013.

PV: Thưa đồng chí, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2013, công tác tiếp dân và giải quyết KN,TC được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao và có những kết quả đáng khích lệ. Xin đồng chí cho biết kết quả đó?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh: Trong những năm gần đây, tình hình KN,TC có nhiều diễn biến phức tạp. Số đoàn đông người kéo về Trụ sở Tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để KN vượt cấp tăng. Tính chất và diễn biến phức tạp… có biểu hiện các hành vi quá khích, gây mất trật tự an toàn xã hội, nhất là vào các thời điểm nhạy cảm như họp Trung ương, họp Quốc hội. Thông qua công tác quản lý, phân loại vụ việc cho thấy, số lượng vụ việc KN,TC tồn đọng kéo dài chiếm tỉ lệ lớn. Nội dung các vụ việc KN,TC tập trung tập trung vào lĩnh vực đất đai từ 70 - 80%. Trước tình hình đó, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC nhằm chỉ đạo, giải quyết từng bước ổn định tình hình. 

Một trong những giải pháp ứng phó tình hình trong thời gian qua mà Thanh tra Chính phủ đã thực hiện có hiệu quả là việc rà soát, giải quyết các vụ việc KN,TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài mà cụ thể là triển khai Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012. Qua rà soát gần 2.000 vụ việc tồn đọng kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã xác định 528 vụ việc nóng, cần chọn mẫu để xử lý giai đoạn 1.

Quá trình triển khai, Thanh tra Chính phủ định kỳ tổ chức họp giao ban giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành Trung ương; tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết; xây dựng cơ sở dữ liệu về các vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập 28 tổ công tác phối hợp với UBND 47 tỉnh, thành phố có vụ việc để kiểm tra, rà soát nội dung vụ việc, quá trình giải quyết, làm rõ nguyên nhân và xác định phương án giải quyết dứt điểm và chủ trì tổng kết nội dung này tại 3 khu vực để đánh giá kết quả và xác định phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo.     

Với sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp cùng các bộ ngành, địa phương vào cuộc, tính đến ngày 31/12/2013, cả nước đã rà soát 528/528 vụ việc (đạt 100%), đã kiểm tra, có phương án giải quyết triệt để 475/528 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,96%).

Việc lãnh đạo triển khai với kết quả cao của việc thực hiện Kế hoạch 1130 đã có tác động tích cực đến tình hình KN,TC và giải quyết KN,TC trên toàn quốc. Điều này đã thể hiện rõ sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước mà thanh tra là lực lượng nòng cốt về việc tăng cường rà soát, kiểm tra, phối hợp và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài; có sự đồng tình, vào cuộc của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, cũng như sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là những người KN,TC. Riêng năm 2013 tỉ lệ vụ việc KN,TC được giải quyết cao hơn so với năm 2012 (đạt 88,8%) ; việc thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC được quan tâm hơn (đạt 82,69%). Kết quả này mới chỉ là bước đầu, nhưng đã có tác động tích cực đến hiệu quả của công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC trong cả nước, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị trong cả nước.

PV: Theo số liệu báo cáo, số vụ việc KN,TC tồn đọng kéo dài là rất lớn (tính đến cuối năm 2012 có khoảng gần 2.000 vụ việc). Xin đồng chí cho biết nguyên nhân và bản chất của tình trạng này? 

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh: Có thể nói, để xảy ra tình trạng này có mấy nguyên nhân chủ yếu sau: 

Qua phân tích xử lý đơn thư, có tới 70% - 80% vụ việc KN,TC liên quan đến đất đai, mà trọng tâm là việc thu hồi đất, giao đất, phương án đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi. Thực tế hiện nay, cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng còn có những điểm bất cập; cơ chế giải quyết KN,TC của công dân còn thiếu đồng bộ, thiếu chế tài xử lý trách nhiệm. Mặc dù chúng ta đã quan tâm, từng bước sửa đổi bổ sung Luật KN và giải quyết KN, Luật TC và giải quyết TC. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm luật chưa phù hợp với thực tiễn phát sinh của xã hội nên chưa điều chỉnh được các nhóm hành vi để có kết luận giải quyết thấu đáo…

Một nguyên nhân quan trọng nữa là công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương, bộ, ngành còn yếu kém. Trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ dẫn tới vi phạm chế độ, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và quyền lợi của Nhà nước.   

Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người KN còn hạn chế nên tỉ lệ KN,TC sai còn khá nhiều. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần, cơ bản là đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm có lý, có tình nhưng người KN vẫn không chấp nhận mà cố tình KN kéo dài, thậm chí có những phản ứng tiêu cực, cố chấp, gây rối trật tự hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện đông người, vu khống, hạ thấp uy tín của người giải quyết KN khi nội dung KN không đạt mong muốn.

PV: Để phát huy những kết quả đã đạt được kế hoạch tiếp theo của Thanh tra Chính phủ là gì thưa đồng chí? Thái độ của người được giao nhiệm vụ trọng trách này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh: Để phát huy những kết quả đã đạt được, ngày 19/9/2013 Thanh tra Chính phủ đã có Kế hoạch 2100/KH-TTCP về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát và tập trung cao độ để hạn chế đến mức tối đa các tình huống phức tạp phát sinh, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công việc này được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cấp, các ngành; phấn đấu hàng năm giải quyết dứt điểm trên 90% các vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành và các địa phương, thống nhất biện pháp giải quyết. Đồng thời, tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình giải quyết.

Ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức 2 hội nghị (ở phía Bắc và phía Nam) triển khai Kế hoạch này. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã phân loại rõ và hướng giải quyết từng loại vụ việc (còn tồn trong Kế hoạch 1130) cũng như chỉ đạo hướng giải quyết tiếp theo để thực hiện Kế hoạch 2100 theo tinh thần Nghị quyết 39 của Quốc hội khóa XIII và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phương châm là chủ động, nắm chắc tình hình KN,TC, kịp thời giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra phức tạp, đông người ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. Tập trung giải quyết các vụ việc KN,TC phát sinh, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85%; chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại, vi phạm trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC. Nâng cao chất lượng các quyết định, kết luận giải quyết KN,TC; chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%. Hạn chế thấp nhất tỷ lệ dân tiếp khiếu. Quá trình thực hiện nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì xử lý kịp thời, nghiêm minh, nếu có sai sót, bất hợp lý, thì điều chỉnh sửa đổi hoặc có phương án giải quyết phù hợp. Chỉ đạo thành công thực hiện Kế hoạch 2100, tăng cường công tác quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ thông qua thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan Nhà nước; hướng dẫn việc triển khai thực hiện nhằm chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC của công dân đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết KN,TC trong thi hành công vụ không làm đúng chính sách, pháp luật

Điều quan trọng cần chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh KN,TC (quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản công, tổ chức cán bộ và an sinh xã hội...) và công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật nhằm hạn chế phát sinh KN,TC.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN,TC cũng cần được quan tâm hơn nữa. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về các vụ việc KN,TC cụ thể, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực; kịp thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và những biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực KN,TC.  

PV: Đồng chí muốn nhắn nhủ gì với những người làm công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC trong tình hình hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh: Bác Hồ đã nói "đồng bào có oan ức mới KN hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà KN. Ta giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng cho quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn...". Chính vì vậy, người cán bộ của Đảng, của dân phải gần dân hơn, phải đặt lợi ích của người dân như chính quyền lợi của mình. Người cán bộ tiếp dân, giải quyết KN,TC phải thực sự có tâm trong sáng và nhân hậu.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Bắc Hà (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm