(Thanh tra) - Tham nhũng hiện nay diễn ra gay gắt, gây hại rất lớn cho xã hội, nên cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp. Vì vậy, nó không còn là câu chuyện của một, hai, hay một nhóm người mà cần sự nỗ lực của toàn xã hội.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra cho rằng, nạn tham nhũng có ở rất nhiều lĩnh vực, làm méo mó nhiều thứ. Tham nhũng hiện nay rất phức tạp, mặc dù chúng ta đang đấu tranh quyết liệt, nhưng tham nhũng không những không thuyên giảm mà còn gia tăng, nhiều vụ đại án xảy ra mà vụ nào cũng nhiều tỷ. Điển hình như gần đây, 1 cái ụ nổi có giá 2 triệu USD “thổi” lên 9 triệu USD, hay 1 vụ đại án khác được báo chí nêu, 1 tàu lặn có giá 100 triệu đồng “thổi” lên 130 tỷ đồng, “thổi” lên gấp cả ngàn ngàn lần như vậy đến “Tề Thiên Đại Thánh” cũng chịu thua.
TS Minh nêu lên một thực tế đáng buồn là, hiện nay không chỉ trong lĩnh vực mua sắm công, hay đầu tư xây dựng cơ bản mới xảy ra tham nhũng mà ngành nào, lĩnh vực nào cũng có tham những, chạy chọt. “Giờ người ta chạy đủ thứ, nào là chạy chức chạy quyền, chạy án, chạy điểm, chạy bằng, chạy cấp, chạy Huân, Huy chương, chạy hộ nghèo..., đến chạy hưởng chế độ chính sách…”.
Và chẳng ở đâu xa, ngay trong ngành Giáo dục cũng có tham nhũng. Giáo dục cho ra sản phẩm, nhưng nhiều sản phẩm không có “ruột”, không đảm bảo được các chuẩn về chuyên môn. Nếu trước kia giảng viên đương nhiên là tốt, thì giờ chưa chắc đã tốt; giáo sư, tiến sĩ đương nhiên là giỏi, nhưng bây giờ chắc gì đã giỏi; thạc sĩ đương nhiên hơn cử nhân, nhưng bây giờ chưa chắc đã hơn.
“Ngoài ra, còn có hiện tượng đáng lo là thái độ của người dân không sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Không biết do họ ngại va chạm, không thích phiền toài hay họ mất niềm tin? Dù là nguyên nhân gì thì cũng là do từ nhỏ chúng ta không được giáo dục một nguyên tắc tưởng chừng như đơn giản: Đứng trước hành vi, việc làm xấu phải biết lên án, biết đấu tranh…”, TS Minh chia sẻ.
Dạy học PCTN để chống tham nhũng
Tiến sĩ Đinh Văn Minh cho hay, tham nhũng xuất phát từ lòng tham và quyền lực. Muốn chống tham nhũng phải kiểm soát được quyền lực và giáo dục để con người ta không tham. Muốn vậy, biện pháp hữu hiệu là phải giáo dục ngay từ khi đang còn bé.
Thực tế là từ năm học 2013 - 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (từ cấp THPT trở lên). Nhưng việc làm này đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ phụ huynh học sinh và ngay cả những người làm giáo dục bởi họ cho rằng, tham nhũng phải là những người có quyền cao chức trọng hoặc người làm việc liên quan đến tiền bạc, vì vậy không nên đưa tiền bạc, chức quyền vào trường học.
Tuy nhiên, theo ông Minh, đây là việc làm rất bình thường và đáng hoan nghênh. Để dẫn chứng cho luận điểm của mình, ông Minh liên hệ đến đất nước Trung Quốc. Ông cho biết, hiện nay Trung Quốc giáo dục PCTN từ bậc THCS. Ban đầu khi đưa nội dung này vào giảng dạy, cha mẹ cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, tham nhũng là câu chuyện của người lớn, trẻ em biết gì về tham nhũng mà giáo dục. Họ ví von “bắt trẻ em học PCTN chẳng khác nào người lớn đau bụng mà bắt trẻ em uống thuốc”. Nhưng sau một thời gian tranh luận, nghiên cứu, đến nay người dân Trung Quốc thấy rằng đó là việc làm đúng đắn. Và hiện nay không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác đang làm rất tốt công việc này.
Trở lại với câu chuyện của Việt Nam, theo TS Minh, nếu chúng ta nhận diện đầy đủ về bản chất của tham nhũng thì sẽ thấy tham nhũng không xa xôi gì mà nó đụng chạm tới tất cả chúng ta. Bởi tham nhũng xuất phát từ yếu tố hết sức con người đó là lòng tham, mà con người (ngay cả đứa trẻ) ai cũng tham hoặc có nguy cơ tham. Vì vậy phải giáo dục ngay khi còn bé.
Ông Minh nêu ý kiến, giáo dục PCTN không phải cứ phải bắt gian tham, hay chiếm đoạn tiền tỷ mà bắt nguồn từ những thứ rất đời thường, từ câu chuyện về giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, giáo dục về cách ứng xử. Giáo dục PCTN phải đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, với giải pháp linh hoạt mềm dẻo, không bắt buộc mà tùy điều kiện, hoàn cảnh và quan trọng là không thể nóng vội, có thể 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Theo TS Minh, dạy PCTN không chỉ ở bậc THPT mà có thể ngay ở cấp tiểu học. Chứng minh cho điều này, TS Minh nêu dẫn chứng đến sáng kiến thành lập siêu thị học đường đã đạt giải trong cuộc thi Sáng kiến về PCTN Việt Nam do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Siêu thị học đường sẽ là nơi bán những món đồ trẻ em yêu thích như sách, vở, bút, cục tẩy… ở đó trẻ em tự vào, tự mua, tự trả tiền, tự sắp xếp… Em nào làm việc không tốt sẽ bị em khác nhắc nhở. “Một học sinh ngoan sẽ trở thành 1 công dân tốt, 1 công dân tốt sẽ trở thành 1 cán bộ tốt, 1 cán bộ tốt sẽ không tham nhũng...”, ông Minh lập luận.
Hải Hà