Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 25/06/2012 - 14:37
Với phong cách gần gũi, cởi mở, bao giờ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẵn lòng dành cho báo chí những cuộc trò chuyện thẳng thắn trước nhiều vấn đề "nóng" của đất nước, được đông đảo cử tri quan tâm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: Viễn Sự
Ngay sau hai buổi tiếp xúc cử tri hôm thứ bảy (23-6), Chủ tịch nước dành cho PV cuộc trò chuyện, cũng là những lời chân tình với cử tri.
Chủ tịch nước nói: "Không khí của cuộc tiếp xúc cử tri chiều thứ bảy tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM là khá "nóng". "Nóng" là phải thôi. Và chính cái "nóng" đó (những ý kiến phát biểu) đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, của đời sống dân sinh, dân chủ ở thực tại".
Không được bỏ qua bất kỳ biểu hiện tham nhũng nào
* Thưa Chủ tịch nước, nhiều cử tri bất bình trước những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thiếu gương mẫu của một bộ phận người có chức vụ cao. Sự việc xôn xao gần đây là vụ xây dựng nhà cửa "hoành tráng" của con trai bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Nhiều cử tri cho rằng với đồng lương của cán bộ, công chức như hiện nay sẽ rất khó làm được cơ ngơi như thế...
- Tôi đã nhiều lần chia sẻ chân tình với cử tri, nếu chống tham nhũng không thành công thì việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 - một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay - đang rất được nhân dân trông đợi sẽ không thể thành công được. Anh không thể nói trước nhân dân rằng mình không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong khi lại tham nhũng, tiêu cực và do vậy, dân cũng sẽ không thể tin bộ máy được trong sạch. Chống tham nhũng thành công thì những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống chắc hẳn sẽ tốt dần lên.
Còn việc kiểm soát, minh bạch tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức là chuyện đại sự. Gốc gác của vấn đề này nằm ở chỗ hiện còn sử dụng tiền mặt quá lớn trong nền kinh tế. Ðể giải quyết căn cơ hơn, nhất định phải thay đổi phương thức giao dịch này, phải thu hẹp dần, thay vào đó là thanh toán, giao dịch qua ngân hàng. Phương thức này được cho là hiệu quả để có thể kiểm soát được các "giao dịch ngầm". Chúng ta luôn mong muốn hạn chế bị ăn cắp, ăn trộm, bòn rút của công hay các giao dịch vì mục đích tiêu cực, nhưng với chế độ sử dụng tiền mặt đại trà như hiện nay sẽ không thể kiểm soát, thậm chí tham nhũng sẽ ngày càng tệ hại hơn.
Với trường hợp cụ thể liên quan đến gia đình anh Quyến (ông Bùi Thanh Quyến, ủy viên Trung ương Ðảng, bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) thì Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra. Báo chí nêu nhiều như thế, nhưng thực tế ra sao phải chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Cho đến giờ này, ngoài thông tin báo chí nêu, tôi chưa nhận được thông tin gì khác ở trường hợp nêu trên, nên phải chờ kết quả kiểm tra xem cái gì đã xảy ra ở đó.
* Nhưng thưa Chủ tịch nước, từ vụ việc cụ thể như vậy, nhiều ý kiến đặt vấn đề tính thực chất, hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?
- Quy định về vấn đề này đã có rồi, nhưng thực tế cũng chưa đảm bảo hiệu quả như mong muốn và tính thực chất của việc kiểm soát tài sản, thu nhập bằng biện pháp kê khai này. Chúng tôi năm nào cũng kê khai. Sắp tới đây cũng sẽ công khai các kê khai này tại nơi cư trú, nơi công tác của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế còn sử dụng tiền mặt đại trà, thì vẫn rất lo ngại sẽ còn tình trạng giấu giếm tài sản, thu nhập bất chính, chưa kể tình trạng rửa tiền thông qua kênh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thương mại... Trong khi đó, hiệu quả của một số biện pháp kiểm soát như đã áp dụng còn hạn chế. Ðó là điều rất rõ, nên cần phải thay đổi, bổ sung biện pháp kiểm soát hữu hiệu hơn.
Về lâu dài, phải hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt trong các giao dịch để có thể khống chế, kiểm soát được các "giao dịch ngầm", các khoản thu nhập không rõ nguồn gốc.
Nếu người ta biếu nhau bằng nhà, đất, xe cộ... thì có thể kiểm soát được bằng biện pháp kê khai, công khai để tổ chức, nhân dân giám sát, khó có thể che đậy được tai mắt của dư luận, báo chí. Nhưng nếu họ biếu nhau bằng tiền thì sẽ rất khó khăn để kiểm soát trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, trước hết là những gì đã phơi bày trong cuộc sống, người dân, báo chí phản ánh thì nhất định phải được làm rõ, có kết luận và công khai để nhân dân biết. Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Ủy ban MTTQ VN TP.HCM hôm thứ bảy vừa qua, có một ý kiến phản ảnh về một cán bộ cấp cao được cấp đến mấy suất đất. Hay một ý kiến khác nói rằng có trường hợp "chiêu đãi" đoàn thanh tra của trung ương trước khi kết thúc công việc bằng một đêm "vui vẻ" với các cô gái xinh đẹp tại khách sạn...
Tôi đã cử ngay cán bộ đến tiếp xúc với những người phản ảnh công khai hai trường hợp trên để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ, trả lời kết quả cho cử tri. Hằng ngày có nhiều thông tin phản ảnh như thế. Nói tóm lại, đừng bỏ qua và nhất định không được bỏ qua bất kỳ dư luận nào, nếu dư luận nêu đúng thì phải xử lý, nếu nói sai cũng phải được thanh minh cho rõ ràng, trả lại sự trong sạch cho những cá nhân, tập thể bị phản ảnh không đúng.
"Tôi muốn nghe sự thật"
* Trở lại không khí của buổi tiếp xúc cử tri tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, đa số ý kiến nêu bức xúc, có lúc gay gắt, ít thấy lời khen. Có ý kiến e ngại không khí đó làm cho tình hình đất nước thêm phần nặng nề, thiếu phấn khởi, kém đi phần tươi sáng... Riêng cảm nhận của Chủ tịch nước như thế nào về bầu không khí đó?
- Tôi không thấy có những lời lẽ nào khó nghe, mà thậm chí tất cả đều là những lời cần nghe. Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật.
Tôi là đại biểu của dân, phải nghe để hiểu lòng dân đang muốn gì ở Ðảng, ở Nhà nước, ở các nhà lãnh đạo đất nước, ở hiện tại và trong tương lai của đất nước. Với tôi, không có gì lấy làm khó nghe, mà ngược lại thấy rất thích thú. Cái gì đúng cần được ghi nhận, biểu dương. Cái gì cô bác cử tri, báo chí chê trách đúng, cần nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa.
Cuộc sống đang diễn ra như thế nào thì cần nói thế đó, không được quy kết thế này thế kia và như vậy không phải là người đại biểu của dân. Những gì dân còn muốn nói với người đại biểu của mình, muốn lãnh đạo biết, hay các phản ánh của báo chí thì suy cho cùng những ý kiến đó cũng nhằm mong muốn phản ánh sự thật, phản ánh những điều nóng bỏng của cuộc sống, mong muốn sớm được giải quyết, chứ không có ý làm cho vấn đề nóng lên hay làm phức tạp thêm.
* Thưa Chủ tịch nước, hội nghị trung ương 5 đã đưa ra quyết sách mạnh mẽ là thay đổi cách tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, cụ thể là Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành bộ máy này. Với một quyết sách như vậy, người dân có thể trông đợi gì ở kết quả phòng chống tham nhũng?
- Khi đưa ra quyết sách như vậy, trung ương đã có nhiều cân nhắc, tính toán. Với tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng trước đây, sau một khóa thực hiện chức trách của mình, tuy đạt được một số kết quả nhưng mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì rõ ràng chưa đạt được như nhân dân mong đợi. Ðại hội XI của Ðảng đã kết luận rất rõ điều này.
Trung ương cũng nhận thấy tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng như vừa qua có phần không thích hợp thì nay cần được thay đổi và tổ chức làm sao để thích hợp hơn. Mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng là nhất quán và không bao giờ thay đổi. Việc thay đổi tổ chức bộ máy chỉ đạo chống tham nhũng cũng là để thực hiện mục tiêu này, tạo được chuyển biến rõ rệt, đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Nay Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. Ban Nội chính của Ðảng được tái lập, cũng là cơ quan thường trực về phòng chống tham nhũng. Với thể chế chính trị của nước ta thì cách tổ chức bộ máy về phòng chống tham nhũng như vậy là mạnh mẽ nhất rồi và "ra tay" cỡ như vậy cũng đã là cao nhất. Nhân dân đang rất trông chờ kết quả từ quyết sách mới.
Mong đồng bào cử tri và cán bộ, đảng viên đều phải tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao, cả báo chí nữa, đóng góp vào công cuộc phòng chống tham nhũng đạt kết quả theo mong đợi của nhân dân. Tôi tin rằng tình hình sẽ có chuyển biến tích cực tới đây.
* Chủ tịch nước đã có lần nói thẳng với cử tri nếu chống tham nhũng không thành công và kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức như nhận định lâu nay thì ngay bây giờ đã có thể dự thảo được báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết trung ương 4...
- Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để nghị quyết trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công.
Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Ðảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này.
Nhiều cử tri TP.HCM đã nói thẳng với tôi "một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn", nghe thật xót xa, đau đớn và xấu hổ. Do vậy, nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác.
Công tác quản lý cán bộ có vấn đề
* Tuy nhận trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ðinh La Thăng cho rằng quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải VN là đúng. Nhiều cử tri rất than phiền về điều này, chưa kể việc ông Dũng dễ dàng trốn thoát... Thưa Chủ tịch nước, quy trình bổ nhiệm có vấn đề hay vấn đề nằm ở chỗ chọn không đúng cán bộ?
- Không thể đổ cho quy trình làm công tác cán bộ được. Quy trình được xây dựng là để lựa chọn những con người có đức, có tài, không phải để chọn những con người hư hỏng. Không thể nói là làm đúng quy trình, nhưng con người được bổ nhiệm đã hư rồi thì còn nói đúng quy trình gì nữa?
Tôi cho rằng trường hợp này là đánh giá không đúng con người. Trước khi bổ nhiệm phải biết rõ con người dự định chọn là tốt hay xấu. Một người đã hư rồi nhưng bảo không hư, đã hỏng rồi nhưng còn lý giải gì nữa, chắc chắn cử tri sẽ không đồng tình. Ở đây cũng cần xem thấu đáo có phải do không biết các sai phạm trước đó hay do bao che nhau.
Trách nhiệm của người bổ nhiệm trong trường hợp này là đánh giá sai con người. Tất nhiên không phải trường hợp bổ nhiệm, đề bạt nào cũng như thế cả. Nhưng ở đây có thể thấy công tác quản lý cán bộ có vấn đề, cán bộ đã hỏng rồi mà không biết. Ðương nhiên người ký quyết định bổ nhiệm trường hợp như thế phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần của nghị quyết trung ương 4 tới đây chắc chắn những trường hợp như thế sẽ được làm rõ.
* Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước !
(Tuổi trẻ)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2024.
Trần Kiên
18:02 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 11/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã ký Quyết định số 2965/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
N. Phó - L. Bằng
17:24 11/12/2024PV
14:50 11/12/2024Hải Hà
14:50 11/12/2024Hải Hà
14:40 11/12/2024Thành Dương
22:33 10/12/2024Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang
Hải Hà
Hương Giang
TC
Hải Hà
Trung Hà