Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vấn đề tham nhũng ở Arab Saudi

Thứ bảy, 15/02/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Những cải cách kinh tế - xã hội gần đây đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh của Arab Saudi và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Arab Saudi vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại niềm tin của người dân, xóa bỏ tham nhũng, phát triển đất nước.

Khách sạn 5 sao Ritz-Carlton tại Thủ đô Riyadh - nơi các quan chức và doanh nhân hàng đầu của Arab Saudi bị giam giữ trong cuộc thanh trừng tham nhũng. Ảnh: Faisal Nasser/Reuters

Với điểm số 53, Arab Saudi đã cải thiện 4 điểm về Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) so với năm 2018. Tuy nhiên, điểm số này chưa phản ánh được những góc khuất như: sự hạn chế nghiêm trọng đối với các nhà báo, nhà hoạt động chính trị và các tổ chức xã hội dân sự khác. Đây cũng là một trong số những lý do khiến Arab Saudi trở thành một quốc gia đáng chú ý trong nghiên cứu CPI năm nay.
 
Trong những năm qua, Arab Saudi đã chi hàng triệu USD để lấy lại hình ảnh và xóa bỏ những chỉ trích từ truyền thông quốc tế. Với sự trợ giúp của các cơ quan truyền thông phương Tây, Chính phủ Arab Saudi đã và đang đẩy mạnh hình ảnh của một đất nước hiện đại, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Arab Saudi vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại niềm tin của người dân, xóa bỏ tham nhũng, phát triển đất nước.
 
Cuộc thanh trừng chống tham nhũng
 
Năm 2017, Thái tử của Arab Saudi Mohammad Bin Salman đã thực hiện một cuộc thanh trừng chống lại các cá nhân, tổ chức tham nhũng. Kế hoạch này là một phần của công cuộc cải cách đất nước, cũng được cho là một động thái để củng cố vị trí quyền lực của Thái tử.
 
Đáng nói, một mặt tự cho mình là nhà cải cách chống tham nhũng, nhưng bản thân Thái tử Mohammad Bin Salman lại sống một cuộc sống xa xỉ, chi tiêu hàng tỷ USD một cách thiếu minh bạch. Những giao dịch mua sắm xa hoa của ông có thể kể đến gần đây bao gồm một du thuyền, một lâu đài của Pháp và một bức họa của da Vinci, với mức chi lên tới hơn 1 tỷ USD.
 
Một trong những thành quả trong cuộc cải cách chống tham nhũng của Thái tử mà Chính phủ đã tuyên bố là thu hồi thành công khoảng 106 tỷ USD từ khối tài sản bị đánh cắp. Tuy nhiên, việc thu hồi này lại không bảo đảm thời gian theo quy trình, không bảo đảm minh bạch trong điều tra và sự công bằng trong xét xử các nghi phạm.
 
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho rằng, dù ghi nhận những nỗ lực thực sự để kiềm chế tham nhũng, nhưng cách tiếp cận của kế hoạch thanh trừng theo kiểu từ trên xuống có thể sẽ không bền vững, vì nó không dựa trên đầy đủ phạm vi của các biện pháp chống tham nhũng.
 
Không có chỗ cho sự bất đồng chính kiến
 
Sự vắng mặt của xã hội dân sự đã cho thấy một vấn đề tồn tại lớn hơn nhiều ở Arab Saudi. Trong những năm gần đây, chế độ quản trị của đất nước đã gia tăng sự đàn áp những người bất đồng chính kiến. Tháng 11/2019, Vương quốc này thậm chí đã cho rằng, phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ và đồng tính luyến ái là một loại tội phạm. Sau khi gặp phải sự phản đối dữ dội, cuối cùng, Chính phủ đã rút lại tuyên bố của mình. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động vẫn phải đứng sau song sắt.
 
Truyền thông tự do thực tế cũng không tồn tại ở Arab Saudi. Và, bất kỳ hình thức bất đồng chính kiến nào cũng có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, từ hình phạt về thể xác đến phạt tù hoặc thậm chí là tử hình.
 
Tham nhũng trong ngành Tư pháp
 
Thực trạng thiếu trách nhiệm giải trình trong ngành Tư pháp Arab Saudi đã cho phép tham nhũng tồn tại, sinh sôi. Với một hệ thống pháp lý tuân theo Luật Sharia (luật hà khắc của Hồi giáo), cá nhân các thẩm phán có quyền xác định những gì cấu thành tội phạm. Đi kèm với quyền này là rủi ro tham nhũng gia tăng.
 
Tham nhũng trong ngành Tư pháp Arab Saudi khá phổ biến. Trong các vụ việc đăng ký đất đai hay những quyết định chính trị mang tính nhạy cảm, các thẩm phán được cho là đã nhận được hướng dẫn “ngầm” và bị tạo áp lực để đưa ra các bản án khắc nghiệt. Một tòa án đặc biệt được thiết lập để xét xử các vụ khủng bố đặc biệt, nhưng lại nổi tiếng với sự thiếu minh bạch và phán quyết nghiêm khắc với các nhà hoạt động bảo vệ quyền con người.
 
Tài chính Nhà nước thiếu minh bạch
 
Sự thiếu minh bạch và giám sát tài chính Nhà nước cũng là những vấn đề nổi cộm ở Arab Saudi.
 
Một số chuyên gia cho rằng, các quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên phụ thuộc vào việc bán các nguồn tài nguyên hơn là doanh thu từ thuế sẽ ít có khả năng hành động một cách có trách nhiệm đối với công dân.
 
Điều này dường như đúng với Arab Saudi, nơi Văn phòng Tổng Kiểm toán không thể trả lời cho bất kỳ cơ quan dân cử nào, khiến người dân không nắm được tình hình cụ thể chi tiêu ngân sách Nhà nước và nảy sinh nghi ngại tiền ngân sách sẽ đi về túi riêng của các quan chức cầm quyền.

------------------------------------

Bài báo nằm trong nghiên cứu CPI 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm