Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trung Quốc có khoảng 6 triệu gái mại dâm

Thứ bảy, 22/03/2014 - 10:21

(Thanh tra) - Tại Trung Quốc có khoảng 4 đến 6 triệu người bán dâm. Chính quyền Trung Quốc đã và đang kêu gọi giới lãnh đạo cảnh sát tăng cường chống tệ nạn mại dâm trên qui mô toàn quốc.

Một cặp bị tình nghi mua bán dâm trong cuộc truy quét mại dâm tại thành phố Đông Quản ngày 9/2/2014. Ảnh: Reuters

Trong một chiến dịch gần đây với sự tham gia của 9.000 nhân viên công an nhằm vào gần 2.000 cơ sở massage, karaoke, tắm hơi, khách sạn… tại thành phố Đông Quản, được coi là "Thủ đô tình dục" của Trung Quốc, cảnh sát đã bắt giữ nhiều người (có tờ báo cho rằng khoảng 1.000 người), bao gồm gái điếm, khách làng chơi, nhân viên của các tổ chức môi giới... Đáng chú ý, Phó Thị trưởng, Giám đốc Công an thành phố Đông Quản Nghiêm Tiểu Khang cũng đã bị sa thải vì "thiếu nỗ lực chống tệ nạn mại dâm". Bản tin của Tân Hoa Xã dẫn lại thông cáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng: «Nghiêm Tiểu Khang đã thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến việc để cho nạn mại dâm lan tràn tại Đông Quản, làm mất uy tín của thành phố đối với trong nước cũng như quốc tế”. Bảy quan chức địa phương khác cũng bị cách chức trong vụ này.

Trước đó, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát đi phóng sự dài nửa tiếng đưa khán giả đến với nhiều địa điểm mua bán sex, mục kích hàng loạt cảnh tượng khách hàng tìm chọn người mình ưa thích trong số các cô gái làng chơi, mang theo số hiệu, kèm theo giá bán định sẵn… cho thấy nạn mại dâm hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật tại Đông Quản. 

Nạn mại dâm tại Trung Quốc liên quan chặt chẽ với ngành cảnh sát. Gái mại dâm có thể được “bỏ qua” khi hối lộ cho cảnh sát. Thậm chí, chính cảnh sát tổ chức ra những đường dây hoạt động mại dâm.

Việc các cơ quan truyền thông Nhà nước làm ầm ĩ và các quan chức cao cấp phát biểu về chủ đề này là khá bất thường, cho thấy chính quyền nay đang lo ngại tệ nạn mại dâm sẽ bùng nổ - Đài Phát thanh Quốc tế Pháp nhận định.

Mại dâm là “ngành công nghiệp phát triển” tại Đông Quản, thành phố cảng nằm giữa 2 hành lang kinh tế là Quảng Châu và Thâm Quyến. Ước tính có khoảng 300.000 lao động tình dục và đóng góp khoảng 10% cho thành phố hơn 8 triệu dân, theo RFI. Đề cập đến thành phố Đông Quản, Báo Le Monde của Pháp cũng từng viết:… Trong khi các dịch vụ công cộng bị thu hẹp lại dần, từ giao thông đến y tế, giáo dục… duy chỉ có các “dịch vụ sex” thì vẫn ăn nên làm ra. Chỉ trong vài năm trời, Đông Quản đã được mệnh danh là “kinh đô của sự khoái lạc”: 10% dân số, tức là khoảng 800.000 người làm việc tại các phòng massage, tắm hơi, bia ôm, quán ôm hay nói chung là những nơi mà “mua bán tình dục đều có giá hẳn hoi”... 

Báo Libération của Pháp thông báo, chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội được mở rộng tại Quảng Đông và có thể tiếp tục trên toàn quốc trong những tháng tới.

Liên quan đến hoạt động bảo kê và mua bán dâm, vào tháng 8 năm ngoái, 4 quan chức của Tòa án Nhân dân Thượng Hải đã bị ngưng chức sau khi vụ tai tiếng mua dâm và bảo kê gái mại dâm bị phát tán trên mạng Internet. Khi đó, báo chí Pháp dẫn lại thông tin từ Ủy ban Kỷ luật Thượng Hải cho biết, Trần Học Minh và Triệu Minh Hoa - Chánh án và Phó Chánh án Tòa án Nhân dân số 1; Nghê Chánh Văn - Phó ban Thanh tra kỷ luật bị khai trừ Đảng. Vương Quốc Quân - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân số 5, do không sử dụng dịch vụ mại dâm nên chỉ bị đình chỉ sinh hoạt Đảng 2 năm.  

Cảnh sát vây bắt gái mại dâm tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 12/9/2012. Ảnh: Reuters

Cũng liên quan đến hoạt động mại dâm, nhìn ở khía cạnh khác, trong báo cáo công bố ngày 14/5/2013, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) có trụ sở tại New York, Mỹ, nêu rõ: Gái mại dâm tại Trung Quốc là nạn nhân bị chính quyền thường xuyên ngược đãi. Họ bị “tra tấn” trong thời gian bị bắt, bị cưỡng hiếp và bắt đi cải tạo. Bà Sophie Richardson, người phụ trách HRW tại Trung Quốc được truyền thông phương Tây dẫn lời nói:”Gái mại dâm bị đối xử như là họ không có một quyền gì cả. Thay vì được công an bảo vệ, họ thường xuyên bị ngược đãi, đối xử tàn tệ và bị tra tấn khi bị bắt giữ”. Một số còn bị cho đi “cải tạo lao động” trong thời gian có thể đến 2 năm mà không hề đưa ra xét xử.

Tại Trung Quốc, việc mang theo bao cao su thường được dùng làm bằng chứng có tội với những người bán dâm, khiến nhiều người tránh mang theo và gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhà hoạt động chống ấu dâm và bạo lực tình dục Diệp Hắc Yên cho rằng, pháp luật chống mại dâm của Trung Quốc đã ngăn cản người bán dâm báo cáo các trường hợp tội phạm, bạo hành hay những hành vi lạm dụng khác của khách hàng vì sợ bị bắt giữ. “Tôi bị cưỡng hiếp nhiều lần. Nhưng vì hành nghề mại dâm mà nghề này bất hợp pháp nên có thể bị bắt, do vậy tôi không bao giờ dám thưa kiện” - một cô gái mại dâm tên Mimi cho biết. HRW cũng cho rằng, cách tiếp cận của Chính phủ Trung Quốc với mại dâm không làm giảm bớt mà những vụ lùng sục bắt bớ đó chỉ càng đẩy hoạt động này đi vào bí mật.

Gái mại dâm Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo bà Sophie Richardson, nạn mại dâm đã bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc từ đầu cuộc cải cách kinh tế vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. Hồi năm ngoái, BBC dẫn lại một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2010 cho biết, tại Trung Quốc có khoảng 4 - 6 triệu người bán dâm. Những người này có mặt ở mọi thành phố, làm việc trong các quán làm đầu, quán karaoke, khách sạn, tiệm massage và trên đường phố. Đa số họ xuất thân từ các gia đình nghèo. Điều gây ấn tượng hơn, theo nhà kinh tế Yang Fan, Đại học Zhengfa ở Thủ đô Bắc Kinh, “ngành công nghiệp sex” chiếm tới 6% GDP của Trung Quốc. Bởi thế, một chiến dịch truy quét mại dâm thực sự ở quy mô quốc gia có thể làm tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc khựng lại, thậm chí có thể khiến giá chứng khoán sụt mạnh - truyền thông Pháp cho biết.

Hồi năm 2012, hơn 200 tổ chức đấu tranh vì các quyền của phụ nữ kêu gọi có luật thống nhất trong toàn Liên minh châu Âu (EU) quy định việc mua bán dâm là một tội. "Mại dâm là một dạng bạo lực, một cản trở cho bình đẳng giới và một cánh cửa mở ra cho tội phạm có tổ chức phát triển" - bà Pierrette Pape, Người phát ngôn của Tổ chức Vận động vì Phụ nữ châu Âu (The European Women's Lobby - EWL) - đi đầu trong cho chiến dịch vận động này nói với BBC. EWL mong muốn các nước thành viên EU thực thi 6 chính sách chủ chốt, bao gồm việc tội phạm hóa mọi hình thức tìm mua dâm và tạo ra các chương trình có hiệu quả mở lối thoát cho người làm nghề mại dâm. Ít nhất 30 thành viên Nghị viện châu Âu đã ủng hộ đề nghị - bà Pierrette Pape nói. Tuy nhiên, những người chỉ trích việc này thì cho rằng, tội phạm hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nguy cơ hãm hiếp và bạo lực. Và, thay vì ngăn chặn mại dâm nó sẽ đẩy ngành này đi vào bí mật.

Ở Đông Nam Á, cuộc chiến chống buôn lậu người và mại dâm đã gây nhiều tranh cãi, trong đó có câu hỏi: Liệu tất cả các cô gái mại dâm có phải đều là nạn nhân hay không? Bởi vì, ranh giới giữa "nạn nhân" và "kẻ buôn người" thường không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những phụ nữ đã bị lừa phải làm việc trong nhà chứa đều có thể tiến tới làm việc tuyển dụng những người khác vào cùng một con đường. Vấn đề này, theo Somaly Mam, nhà hoạt động chống nô lệ tình dục của Campuchia, tất cả phụ nữ mại dâm đều là nạn nhân. “Cho dù vì bị buôn bán hay do hoàn cảnh, không có phụ nữ nào thực sự chọn làm việc trong một nhà chứa” - nhà hoạt động từng bị bán vào nhà chứa rồi sau đó bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục nhiều lần cho tới khi trốn thoát - nhấn mạnh.

Về phía mình, HRW khẳng định: Các hoạt động truy quét, giải cứu và vây bắt chớp nhoáng của cảnh sát đối với các nhân viên tình dục đứng đường không chỉ không có hiệu quả mà còn dẫn đến "những vi phạm nhân quyền một cách hệ thống”. 

Trọng Thành - Trọng Nghĩa (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm