Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trùm truyền thông thích đội mũ bảo hiểm

Thứ ba, 29/05/2012 - 06:29

(Thanh tra) - Với nhiều người Việt, đặc biệt là giới tài chính, chứng khoán, Michael Bloomberg là nhân vật không lạ lẫm. Người Mỹ gốc Do Thái này không chỉ là ông chủ của hãng thông tin tài chính số 1 thế giới Bloomberg mà còn là Thị trưởng trứ danh tại vị tới 3 nhiệm kỳ của New York - thành phố đông dân nhất nước Mỹ. Nhưng, khi chứng kiến chính trị gia tỉ phú này tới Việt Nam, rủ rỉ chuyện trò cùng các em học sinh tiểu học Hà Nội về chuyện… đội mũ bảo hiểm (MBH), nhiều người Việt mới thấy Michael Bloomberg thật là một “dị nhân” gần gũi.

Michael Bloomberg

Chẳng có hành vi kiếm tiền chân chính nào là đáng xấu hổ

Có thể nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi biết rằng Michael Rubens Bloomberg -  (tên đầy đủ của Michael Bloomberg) - tỷ phú hiện nắm trong tay khối tài sản 22 tỉ USD, được coi là người giàu thứ 11 ở Mỹ, thứ 20 trên thế giới, từng phải nhặt nhạnh từng cắc bạc từ việc… trông xe để trang trải cho hành trình học hành quá tốn kém tại Đại học Johns Hopkins.

Nhưng, với một người Do Thái, được gia đình giáo dục hết sức chu đáo về cái gọi là giá trị lao động như Michael Bloomberg, chẳng có hành vi kiếm tiền chân chính nào là đáng phải xấu hổ. Hơn thế, Michael Bloomberg còn thầm cảm ơn chính những đồng tiền lẻ kiếm được một cách hết sức nhọc nhằn ấy đã khiến ông, trong suốt quãng đời hơn 70 năm qua của mình (Bloomberg sinh ngày 14/2/1942), chưa bao giờ quên giá trị của đồng tiền, giá trị của lao động.

Cũng bởi nhận thức hết được giá trị của việc đổ mồ hôi sôi nước mắt mà trong suốt cuộc đời mình, từ khi còn là cậu sinh viên cho tới lúc đã trở thành tỷ phú, Bloomberg luôn buộc mình phải học tập và làm việc không ngừng nghỉ. Và chính điều này đã là chía khóa thành công cho hầu hết các dự án Michael Bloomberg thực hiện. Trong đó, đáng nể nhất là dự án thành lập Bloomberg LP - tập đoàn truyền thông chuyên về thông tin tài chính.

Chia sẻ về bí quyết thành công, Bloomberg cho biết, ông luôn hành động theo 4 chữ B. Chữ B đầu tiên là “độc lập” (Be independent); thứ 2: “sáng tạo” (Be inovative); thứ 3: “rộng lượng” (Be generous); và chữ B cuối cùng: “sẵn sàng” (Be preared).

Ngay từ khi được giao thành lập và phát triển hệ thống thông tin của Hãng Salomon Brothers, Michael Bloomberg đã nghĩ tới việc thành lập hệ thống thông tin thống nhất dành cho những người chuyên nghiệp tại thị trường chứng khoán.

Năm 1981, Salomon bị thôn tính. Thất bại của người này nhiều khi lại mở ra cơ hội với người kia. Bán hết số cổ phiếu của Salomon, Michael Bloomberg hiện thực hóa giấc mơ của mình. Một năm sau đó, Innovative Market Systems, tiền thân của Bloomberg LP, ra đời, chuyên cung cấp các dịch vụ về thông tin tài chính.

“Mr Terminal”

Trong rất nhiều nickname mà báo giới dành đặt để ca tụng ông chủ của Bloomberg LP có “Mr Terminal”. Biệt danh này gắn với thành công đầu tiên và cũng là một trong những thành công lớn nhất trong lịch sử của Bloomberg LP. Với hướng phát triển riêng biệt:  Chuyên  cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính (các bài nghiên cứu, phân tích, các bản tin, báo cáo)  dưới dạng dữ liệu được cập nhật liên tục trong ngày, Michael Bloomberg cùng các cộng sự đã tìm ra một  “chiêu” khá độc đáo là đưa những bộ terminal (thiết bị vi tính đầu - cuối) vào việc cung cấp thông tin.

Các bộ Bloomberg Terminal tương tự như thiết bị trò chơi điện tử. Nó có một bàn phím khá đặc biệt với những phím màu vàng (ngoài các phím đề chữ cái, còn có phím để phân biệt các loại cổ phiếu, tín phiếu…). Khi ấn các phím này, trên màn hình máy vi tính sẽ hiển thị những thông tin cần thiết. Chẳng hạn, thông tin về tình trạng cổ phiếu của hãng này hay hãng khác vào bất cứ ngày nào trong năm. Hoặc thông tin về bất kỳ hãng nào từ địa chỉ văn phòng cho đến việc mua bán cổ phiếu. Với Bloomberg Terminal, các chuyên gia tài chính có thể tiếp cận những thông tin nóng hổi nhất trên thị trường, để đưa ra những quyết định chính xác trong từng thời điểm.

Thành công mà Bloomberg Terminal mang lại quá sức mong đợi. Từ rất lâu, giá thuê bao terminal đã là hơn 1.500 USD/tháng, chưa tính đến các loại phí phải trả thêm khi cập nhật thông tin và trao đổi trực tiếp. Tuy nhiên, “đắt sắt ra miếng”. Khách hàng của Bloomberg nhanh chóng hiểu ra giá trị của các terminal và đua nhau thuê thiết bị này. Số lượng người sử dụng tăng bình quân từ 15 - 20% năm. Giờ đây, khách hàng không chỉ là các tập đoàn, các hãng lớn trên thế giới, ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia mà cả các cơ quan Chính phủ nữa. Thậm chí, thiết bị Bloomberg Terminal còn được lắp đặt tại Vatican. Tại Bloomberg LP, hệ thống Bloomberg Terminal được coi là bảo bối lợi hại.

Từ bệ phóng Bloomberg Terminal, con tàu Bloomberg LP phát triển nhanh như diều gặp gió.

Năm 1987, Innovative Market Systems được đổi tên thành Bloomberg LP. Trang web: www.bloomberg.com trở thành mạng thông tin tài chính đa chiều và cực kỳ linh hoạt.

Năm 1990, Bloomberg News được thành lập, trở thành kênh cung cấp thông tin kinh tế hàng đầu với khoảng 4.000 tin tức/ngày và lượng khách hàng “quen” lên tới gần 400 tờ báo, tạp chí hàng đầu thế giới.

Điểm nhấn nổi bật khác nữa trong “gia đình” Bloomberg LP là mạng truyền hình vệ tinh chuyên về thông tin tài chính, kinh tế phát liên tục 24/24 giờ, bằng 7 ngôn ngữ khác nhau.

Với hơn 700 chi nhánh trên khắp hành tinh, Đài Phát thanh Bloomberg cũng là một nghiệp đoàn đa quốc gia phát triển vững mạnh đưa tin 24/24 giờ các thông tin kinh tế, thời sự quốc tế.

Bloomberg LP hiện có chi nhánh ở hơn 130 quốc gia với khoảng 9.500 nhân viên, cùng hơn 250 ngàn thành viên đăng ký sử dụng các bản tin tài chính và dịch vụ thông tin, chính thức qua mặt “đàn anh” Reuters, trở thành nơi cung cấp thông tin tài chính hàng đầu thế giới.

Năm 2011 vừa qua, trong bối cảnh kinh doanh truyền thông ảm đạm, doanh thu của Bloomberg LP vẫn không ngừng tăng trưởng, với mức tăng hơn 10%.

Michael Bloomberg, với việc sở hữu tới 72% cổ phần trong Bloomberg L.P, sự tăng trưởng không ngừng của Tập đoàn suốt hơn 30 năm qua đã biến ông trở thành một trong những tỉ phú giàu có và quyền lực nhất nước Mỹ.

Bloomberg News: Nguồn thông tin không thể thiếu của giới tài chính, chứng khoán toàn cầu.


Tung “bão tiền” để trở thành “người danh giá thứ tư thế giới”

Bloomberg L.P không khác gì một “vương quốc” truyền thông rộng lớn. Nhưng, chừng ấy dường như vẫn chưa đủ để một người Do Thái quá thông minh và giàu tham vọng như Michael Bloomberg “thỏa chí tang bồng”. Và, chính trường là nơi ông chủ của Bloomberg LP chọn để tiếp tục thử sức mình.

Năm 2001, Michael Bloomberg quyết định ra tranh cử chức Thị trưởng New York. Giải thích cho hành động “không bình thường” này, ông nói: Thị trưởng New York là vị trí danh dự đứng hàng thứ tư thế giới, chỉ sau Tổng thống Mỹ, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Giám đốc Ngân hàng Thế giới. Trở thành Thị trưởng New York đồng nghĩa với việc tôi là “người danh giá thứ tư trên thế giới”.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhưng không hề sai, nhất là tại một đất nước mà việc tranh cử sặc mùi tiền bạc như Mỹ, nơi các ứng cử viên muốn chinh chiến và chiến thắng trên một hành trình tranh cử dài và vô cùng tốn kém, đều cần những hầu bao bạc tỷ. Sẵn ví tiền của một tỷ phú, Michael Bloomberg đã không từ chối bất kì khoản chi nào, miễn là “được việc”. Người ta đồn, ông chủ của Bloomberg L.P đã làm một "cơn bão tiền" khi tung ra 41 triệu USD tiền túi, nhiều hơn tổng số tiền của tất cả các ứng viên còn lại. Tiền nhiều, lại thêm cái nickname mỹ miều “biểu tượng kinh doanh của New York” đã khiến Michael Bloomberg dễ dàng đánh bại các đối thủ, trở thành “người danh giá thứ tư thế giới”.

Tiền có thể đưa Michael Bloomberg trở thành Thị trưởng, nhưng không thể giúp ông trụ vững trên vị trí nào, nhất là trong tới 3 nhiệm kỳ, nếu bản thân ông trùm truyền thông này không chứa đựng những tố chất tuyệt vời của một chính trị gia.

Lúc Michael Bloomberg đắc cử Thị trưởng New York lần thứ nhất cũng là thời điểm mà cuộc tấn công 11/9 vừa mới xảy ra. Hầu hết mọi người đều cho rằng, tội phạm sẽ hoành hành, công việc kinh doanh sẽ tuột dốc và thành phố New York sẽ chẳng bao giờ hồi phục lại như xưa. Nhưng, thay vào đó, với khả năng của một doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng, cùng lòng quyết tâm của mình, Bloomberg đã xây dựng và củng cố lại tinh thần đoàn kết của người dân. Thành phố đã phục hồi nhanh chóng, vươn lên mạnh mẽ và vượt xa kì vọng của những người thậm chí là lạc quan nhất.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Thị trưởng Bloomberg đã khiến số tội ác giảm tới 20%, tạo ra việc làm bằng cách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng mở thêm nhiều công viên, đem lại sức sống mới cho các khu vực của thành phố và thiết lập chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng đầy tham vọng. Ông còn giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong việc ban hành lệnh cấm thuốc lá tại các nhà hàng, quán bar, tăng cường hỗ trợ và khuyến khích hoạt động của tổ chức nghệ thuật.

Năm 2005, Bloomberg tái đắc cử chức Thị trưởng nhờ sự hậu thuẫn của một liên minh rộng rãi chưa từng có. Thị trưởng Bloomberg đã phát động một chiến dịch đầy sáng tạo để chống lại đói nghèo, tham gia thực hiện chiến dịch chống lại sự ấm lên trên toàn cầu và tập trung việc mở rộng thành phố New York.

Năm 2009, với việc vực dậy một cách hoàn hảo một New York hỗn độn của ngày 11/9 cách đó 8 năm, trở thành một trong những thành phố sạch, an toàn, đứng vững trong cuộc khủng hoảng tài chính, Michael Bloomberg tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, bất chấp thị phi về việc ông được phép phá lệ ra tranh cử lần thứ 3 và dốc một lượng tiền túi lớn nhất từ trước đến nay để vận động tranh cử. (Michael Bloomberg đã bỏ ra tới 90 triệu USD, gấp 15 lần so với đối thủ của mình. Trong những tuần chạy nước rút cuối cùng, trung bình mỗi ngày Bloomberg tiêu hết 1 triệu USD. Ông đã vượt mọi kỷ lục trong việc dùng tiền cá nhân để vận động chính trị).

Chỉ có một điều khiến dư luận cảm thấy lạ lùng và hồ nghi hay là đích thực “người danh giá thứ tư thế giới” cố tình “làm hàng” trước bàn dân thiên hạ khi đã đổ tới hàng trăm triệu USD để duy trì “ghế nóng” lại chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD mỗi năm.

Quan tâm đặc biệt tới an toàn giao thông

Tuy nhiên, kiểu tiêu tiền siêu tiết kiệm (như việc ông trùm Bloomberg chục năm chỉ mua 2 đôi giày; khi mua cà phê luôn mua cốc loại nhỏ nhất đủ dùng…) lại cho thấy tỷ phú này không hề “làm hàng”. Dường như ông muốn cho thiên hạ biết rằng, có thể chi hàng trăm triệu USD làm từ thiện, nhưng quyết không bỏ 1 xu cho những chi tiêu mà ông cho là vô bổ, hoang phí. Đơn giản vì một người từng đổ mồ hôi dưới nắng hè để nhận từng đồng xu trông xe như ông quá hiểu giá trị của đồng tiền.  

Hiểu giá trị của đồng tiền, của sức lao động nên dù đã ở tuổi 70, Michael Bloomberg vẫn yêu cuộc sống hơn hết thảy và quan ngại tới những gì có thể hủy hoại tới sự sống quá đỗi quý giá. Có lẽ vì vậy, mối bận tâm nhiều nhất, ngoài chính trị của Thị trường New York là vấn đề an toàn giao thông. Từ đó, qũy từ thiện mang tên ông thường xuyên có chương trình hợp tác với những tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xung quanh việc bảo vệ an toàn cho tính mạng mỗi con người tham gia giao thông.

Thị trưởng New York Michael Bloomberg trò chuyện về chiếc MBH với học sinh Hà Nội ngày 23/3/2012.


Tới Hà Nội ngày 23/3 vừa qua trên tư cách là khách mời của chương trình tặng mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em do WHO, Quỹ Bloomberg cùng Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tổ chức, đề tài về chiếc MBH đậm đà trong mọi cuộc làm việc của ông.

Ngay trong buổi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Michael Bloomberg cũng không quên nhấn mạnh tới vấn đề này khi đánh giá cao tính hiệu quả của chính sách bắt buộc người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy phải đội MBH; cho rằng chính sách này đã cứu sống nhiều sinh mạng người dân cũng như hạn chế thương tật khi bị tai nạn giao thông.

Đến thăm Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), tặng MBH và trò chuyện cùng các em học sinh, Michael Bloomberg nhấn mạnh: Ông rất muốn các em học sinh được an toàn. Học giỏi và an toàn là 2 điều ông muốn nhắn gửi đến toàn thể học sinh Việt Nam. Tỷ phú Michael Bloomberg nói, Việt Nam và New York có điểm khác biệt cơ bản, đó là phương tiện xe máy. Xe máy là phương tiện chủ lực của người dân Việt Nam, và vì thế, an toàn giao thông trở thành vấn đề quan trọng. Một người như ông không đi xe máy, nhưng ông yêu chiếc MBH bởi “đội MBH là cách tốt nhất để giữ an toàn nếu không may xảy ra tai nạn”.

Ngoài chuyện chiếc MBH, tỷ phú giản dị cho biết, tại thành phố New York cũng có rất nhiều người Việt sinh sống và một trong những sự yêu thích của ông là được thưởng thức món nem Việt Nam tại các nhà hàng Việt. Michael Bloomberg còn vui vẻ tiết lộ, ngày mới đến Việt Nam, ông đã có linh cảm mọi điều may mắn sẽ đến với mình.

Hà Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm