Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng thống Peru đặt Văn phòng Tổng Chưởng lý trong tình trạng khẩn cấp

Thứ sáu, 04/01/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Quyết định sa thải, rồi lại phục hồi vị trí của các công tố viên điều tra tham nhũng được Tổng Chưởng lý Peru đưa ra và thay đổi chỉ trong 2 ngày, nhưng cũng đủ để các cuộc biểu tình trong nước nổi dậy, và đủ để Tổng thống đặt Văn phòng Tổng Chưởng lý trong tình trạng khẩn cấp.

Công tố viên Rafael Vela (trái ảnh) và Jose Domingo Perez tại cuộc họp báo ở Lima ngày 1/1/2019. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Ngày 2/1, Tổng Chưởng lý của Peru đã lật ngược lại quyết định sa thải các nhà điều tra chính trong cuộc điều tra tham nhũng sâu rộng vào các quan chức hàng đầu trong nước. Sự thu hồi quyết định sa thải được đưa ra trong bối cảnh người dân phản đối kịch liệt và Tổng thống có thể vì đó mà loại bỏ ông ra khỏi vị trí đương nhiệm.
 
Thông báo của Tổng Chưởng lý Pedro Chavarry được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi ông đột ngột sa thải các công tố viên thuộc nhóm điều tra đặc biệt được thiết lập để xem xét, điều tra tham nhũng giữa các quan chức Peru và Công ty Odebrecht (Brazil). Động thái này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên đường phố khắp Peru.
 
Mặc dù ông Chavarry thu hồi quyết định hôm 31/12, nhưng theo phân tích của hãng AP, Tổng thống Martin Vizcarra vẫn tiếp tục với những kế hoạch của mình nhằm tái thiết Văn phòng Tổng Chưởng lý. Ông đã kêu gọi các nhà lập pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với Văn phòng, điều này có thể mở đường cho việc loại bỏ ông Chavarry.
 
Trước đó, Tổng thống Vizcarra đã nói rằng, ông không đồng ý với quyết định, nhưng sẽ tôn trọng sự độc lập của bộ. Song, điều này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu Bộ Công cộng hiện đang bị đẩy lùi.
 
Hôm 2/1, Tổng thống Vizcarra đã yêu cầu Quốc hội Peru đặt tình trạng khẩn cấp đối với Bộ Công cộng thông qua một đề xuất. Ông Vizcarra nói rằng, ông muốn có một cuộc tranh luận tích cực về hành động của Bộ Công cộng trong việc sa thải các công tố viên đặc biệt Rafael Vela Barba và José Domingo Pérez, để không bị người dân đặt nghi vấn về niềm tin với cuộc chiến chống tham nhũng.
 
Tổng thống Vizcarra đã đi bộ dọc con phố Lima để đến Tòa nhà Quốc hội, trao tận tay bản đề xuất, kéo theo đám đông người dân khoảng 2.000 người ủng hộ hành động của ông. Điều này cho thấy sự gia tăng niềm tin của người dân Peru đối với Tổng thống Vizcarra trong bối cảnh họ đã quá mệt mỏi vì tham nhũng trong lĩnh vực công.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Vizcarra vẫn dành cho ông Chavarry sự ca ngợi vì quyết định mang tính đảo ngược này.
 
“Thật tốt khi một quyết định dưới sự xem xét kỹ lưỡng đã được sửa đổi", ông Vizcarra nói sau khi rời Tòa nhà Quốc hội. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, sẽ thúc đẩy các nỗ lực để xóa tham nhũng trong Văn phòng Công tố.
 
Hiện chưa rõ khi nào các nhà lập pháp tiếp nhận đề xuất của Tổng thống.
 
Quốc hội Peru đang được lãnh đạo bởi đảng đối lập do bà Keiko Fujimori - con gái của cựu Tổng thống Alberto Fujimori, người đang bị điều tra, đứng đầu. Tuy nhiên, bà Keiko đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với đề xuất của Tổng thống.
 
Cuộc điều tra tham nhũng được thực hiện khi Công ty Xây dựng Oderbrecht (Brazil), đơn vị đã thừa nhận trong hồ sơ tòa án của Mỹ là đã chi 800 triệu USD cho các quan chức Mỹ La tinh để giành được các hợp đồng công trình công cộng, trong đó có 29 triệu USD dành cho các quan chức ở Peru.
 
Như vậy, bằng quyết định mới nhất, Tổng Chưởng lý Chavarry đã phục hồi vị trí Công tố viên trưởng cho ông Jose Domingo Perez và điều phối viên nhóm điều tra tài chính Rafael Vela. Trong tháng 12/2018, họ đã đạt được một thỏa thuận với các giám đốc điều hành của Odebrecht trong việc chuyển các tài liệu tiết lộ việc hối lộ các quan chức.
 
Các công tố viên cho biết, các bằng chứng là chìa khóa cho vụ việc. Thỏa thuận nêu trên sẽ chính thức được ký vào đầu tháng 1 này.
 
Trước đó, vào những giờ cuối cùng của năm cũ 2018, Tổng Chưởng lý Chavarry đã đưa ra quyết định bất ngờ về việc loại bỏ các công tố viên. Ông cho biết, Perez bị sa thải vì những nghi ngờ trong việc bổ nhiệm ông là Tổng Chưởng lý và Vela đã hỗ trợ trong việc này. Ông Chavarry cũng cáo buộc các công tố viên đã cản trở yêu cầu cung cấp thông tin về vụ Odebrecht và cho biết, Perez đã đưa ra những tuyên bố gây nghi ngờ tính khách quan của ông.
 
Ở một diễn biến khác, các công tố viên đã công khai các cáo buộc ông Chavarry có mối quan hệ với các tổ chức tội phạm được tạo từ các quan tòa và doanh nhân - những người đã trao đổi quyền lực cho tiền bạc hay sự ủng hộ. Đây cũng là một điểm mà Tổng thống Vizcarra đã sử dụng để đưa ra đề xuất tới Quốc hội.
 
Cuộc điều tra sâu rộng liên quan tới 40 vụ việc riêng biệt, hơn 300 người và hàng chục công ty, tất cả đều liên quan đến các dự án của Odebrecht tại Peru.
 
Vụ việc quan trọng nhất liên quan tới bà Fujimori, người đã bị giam giữ trong khi cuộc điều tra được tiến hành và Garcia, người đã bị cấm rời khỏi Peru trong 18 tháng.
 
Mặc dù vậy, bà Fujimori vẫn thể hiện sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Tổng thống Vizcarra trong việc cải tổ Văn phòng Tổng Chưởng lý. Bà kêu gọi đảng của mình ủng hộ tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống.
 
“Một lần nữa người dân Peru phải lấy lại niềm tin vào các tổ chức của họ. Chúng tôi cần một Bộ Công cộng không có những nghi ngờ, nơi chính quyền bảo đảm rằng, tại đó người dân Peru tìm được sự thật, công lý, không có thành kiến hay đặc quyền", bà Fujimori  nói.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm