Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thỏa thuận hạt nhân trị giá 7 tỉ USD

Thứ hai, 25/11/2013 - 10:53

Sau bốn ngày đàm phán gay go, trong đó có cuộc họp kéo dài 11 giờ với sự tham gia của các ngoại trưởng nhóm P5+1, phương Tây và Iran đã chốt được một thỏa thuận đột phá về vấn đề hạt nhân vào rạng sáng qua.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) ôm Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Geneva ngày 24-11 - Ảnh: Reuters

“Thỏa thuận lịch sử”, “Thỏa thuận vĩ đại” là ngôn từ mà giới truyền thông quốc tế mô tả thỏa thuận đạt được lúc 3g sáng (giờ địa phương) ở Thụy Sĩ. Bản thỏa thuận được ký chính thức tại trụ sở Văn phòng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Geneva chiều cùng ngày.

Đổi uranium lấy việc bỏ cấm vận

Văn bản thỏa thuận chưa được công bố, nhưng Reuters dẫn thông tin từ phía Mỹ cho hay trong sáu tháng tới Iran sẽ bị buộc ngừng làm giàu uranium trên mức 5%, vô hiệu hóa kho uranium đã được làm giàu ở mức 20% bằng cách làm loãng số nhiên liệu này xuống mức 5% và chấp nhận các cuộc thanh tra hằng ngày của LHQ.

Tehran cũng chấp nhận không lắp thêm các máy ly tâm ở nhà máy Fordo và ngừng hoạt động tại cơ sở Natanz. Về nhà máy hạt nhân nước nặng Arak, Iran cam kết không vận hành lò phản ứng tại đây. Đổi lại, Tehran sẽ nhận được khoảng 7 tỉ USD khi Mỹ và phương Tây rút lại các biện pháp cấm vận.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh dù diễn giải theo cách nào thì thỏa thuận “không nói rằng Iran có quyền làm giàu uranium”. Câu trả lời của ông đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố rằng thỏa thuận đồng nghĩa với việc Tehran có thể tiếp tục làm giàu loại nhiên liệu hạt nhân này.

Bước thành công đầu tiên

Trong ngày cuối cùng của đàm phán trước khi đi đến thống nhất, trưởng đoàn các bên đều thừa nhận cuộc đua để giải quyết những bất đồng diễn ra vô cùng khó khăn. Washington và các đồng minh tỏ ra thận trọng khi đưa ra các đề xuất vì Tehran trước đó đã khiến phương Tây mất niềm tin khi tìm cách che giấu việc làm giàu uranium. Trong khi đó, khả năng theo đuổi thỏa thuận của một chính quyền non trẻ mới nhậm chức hai tháng như của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng còn mơ hồ và khó nhận định.

Nhưng “dù chỉ là bước đầu, đây là một thỏa thuận vĩ đại. Lần đầu tiên sau một thập kỷ chúng ta đã kiềm chế được chương trình hạt nhân của Iran” - Tổng thống Mỹ Barack Obama hào hứng phát biểu ngay sau khi thông tin được loan báo. Một tuyên bố của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng các điều kiện trong thỏa thuận sẽ “ngăn Iran lợi dụng vỏ bọc của cuộc đàm phán để tiến hành chương trình hạt nhân trong khi các nước tiếp tục thảo luận về một thỏa thuận vững chắc hơn”. Ông Obama cho biết nếu Tehran không tuân theo thỏa thuận trong sáu tháng tới, Washington sẽ áp lại các biện pháp trừng phạt và thậm chí siết chặt hơn.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon hoan nghênh thỏa thuận và hối thúc các chính phủ có liên quan dốc hết sức cho nó. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng “không có kẻ thua” bởi tất cả các bên trong thỏa thuận đều có lợi. Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đánh giá thỏa thuận sẽ giúp “bảo vệ hòa bình và ổn định tại Trung Đông”. Trên trang web Bộ Ngoại giao, Bắc Kinh cho biết sẽ giúp các bên bình thường quan hệ với Iran và “giúp người dân Iran có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Nhưng Iran dường như là nước vui mừng nhất. Trên trang Twitter của mình, Tổng thống Hassan Rouhani viết rằng thỏa thuận đã mở ra “những chân trời mới” cho Tehran. “Tôi viết những dòng này trong nước mắt. Sau bao nhiêu năm, niềm hạnh phúc đã về với người dân Iran” - một người viết trên trang Facebook của Ngoại trưởng Zarif.

Ngược lại, Israel lập tức chỉ trích thỏa thuận khi cho rằng nó chỉ tạm thời làm chậm lại chương trình hạt nhân của Iran nhưng tiếp thêm sức để nước này sản xuất vũ khí hạt nhân, dù ông Kerry đã trấn an rằng thỏa thuận sẽ giúp các đồng minh của Washington trong khu vực được an toàn hơn. Tuyên bố của Israel đưa ra sau khi có tin Mỹ đã bí mật đi đêm nhiều lần với Iran trước khi đàm phán bắt đầu. Trước đó một ngày, đại sứ Saudi Arabia tại London - hoàng tử Mohammed bin Nawaf cũng bày tỏ sự hoài nghi khi phát biểu “sự thỏa hiệp đã không có tác dụng trong quá khứ và cũng sẽ không trong thế kỷ 21 này”.

Bước tiếp theo sẽ khó hơn

Giới quan sát cho rằng các bước tiếp theo sẽ còn khó khăn hơn dù đánh giá cao thỏa thuận mới. Kenneth Pollack, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Brookings, cho biết khả năng đạt được một thỏa thuận chính thức trong sáu tháng tới là có thể xảy ra nhưng “sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với thỏa thuận vừa đạt được”. “Những vấn đề phức tạp hơn. Sự nhượng bộ từ các bên sẽ nhức nhối hơn” - ông bình luận và cảnh báo thỏa thuận sẽ bế tắc nếu Iran khăng khăng giữ lập trường về quyền làm giàu uranium.

Bên cạnh đó, chính sách phá hoại của Israel và sự bảo thủ của một số chính trị gia Mỹ cũng có thể làm cản trở đàm phán. Thượng nghị sĩ Mark Kirk mô tả thỏa thuận như một gói “tài trợ hàng tỉ USD cho khủng bố để đổi lấy sự nhượng bộ chỉ mang tính trang trí” từ Iran.

Một số nhà phân tích tỏ ra bi quan hơn khi nhìn vào thỏa thuận mới và thấy rằng nhóm P5+1 đã đánh mất các yêu cầu cốt lõi đối với chương trình hạt nhân của Iran. Ông Robert Satloff - giám đốc phụ trách chính sách cận đông của Viện Washington, lý giải: “Nếu chỉ bị hạn chế làm giàu uranium thì vẫn có thể xây dựng mọi yếu tố để có một hạ tầng hạt nhân. Việc cho phép làm giàu hạt nhân sẽ khiến chương trình hạt nhân Iran vẫn là một vấn đề quốc tế trong nhiều năm nữa”.

TTO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm