Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chống tham nhũng?

Thứ bảy, 11/06/2016 - 06:43

(Thanh tra)- Kể từ sau khi thành lập ngày 14/8/2001, chính thức lên nắm quyền vào năm 2002, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra, tham nhũng, đói nghèo và hạn chế về tự do là 3 cuộc chiến trọng yếu trong hoạt động chính trị của Đảng. Có điều, sau 14 năm cầm quyền, cuộc chiến chống tham nhũng mà AKP hứa hẹn có vẻ như đang đi vào “ngõ cụt”?

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tại phiên họp Quốc hội tại Thủ đô Ankara, 3/6/2014. Ảnh: Reuters

Tham nhũng “thăng trầm” theo lời hứa

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người sáng lập và lãnh đạo AKP đã nhiều lần nói về vấn đề loại trừ tham nhũng. Trong những năm đầu sự nghiệp chính trị của mình, ông đã nhấn mạnh tới sự liêm chính. Dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, AKP đã hành động để thực hiện lời hứa của mình, đưa vụ việc của một số cựu lãnh đạo Chính phủ, trong đó có một cựu Thủ tướng, tới Tòa án Tối cao để làm sáng tỏ các cáo buộc tham nhũng.

Trong các chương trình nghị sự, AKP đều cam kết tiến hành "cuộc đấu tranh sâu rộng nhất" chống tham nhũng và gia đình trị, để chắc chắn rằng minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực thi trong mọi lĩnh vực, vượt qua những rào cản pháp luật để ngăn chặn "sự suy thoái chính trị" và bắt buộc tất cả cán bộ công chức dân cử phải định kỳ công khai tài sản thu nhập của họ.

Sau 14 năm, bộ mặt của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay như thế nào?

Nhìn lại báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sau cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, thấy nổi bật là sự thiếu minh bạch trong vận động tài chính và thực hiện tranh cử, dẫn tới tính công bằng của cuộc bầu cử bị nghi ngờ.

Hay nhìn vào đánh giá của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) thông qua chỉ số nhận thức tham nhũng, nếu như năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 65, đến năm 2013 vươn lên vị trí 53 thì năm 2015 vừa qua, mức độ tham nhũng trong nước được đánh giá là gia tăng khi mà vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ đã tụt xuống thứ 66 trong số 168 quốc gia nằm trong danh sách khảo sát. Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành quốc gia châu Âu tham nhũng nhất, theo đánh giá của TI.

Trong suốt 14 năm cầm quyền, AKP đã tiến hành hàng chục lần sửa đổi Luật Mua sắm công. Lần gần đây nhất mà Quốc hội nước này thông qua là vào tuần trước. Những điều chỉnh, sửa đổi đã giúp cho vô số vụ mua sắm công được miễn khỏi sự kiểm soát của Cơ quan Mua sắm công, được thành lập hồi năm 2000 với mục tiêu kiềm chế tham nhũng và gia đình trị trong lĩnh vực công. Hiện nay, các cuộc đấu thầu công khai phải chịu sự kiểm soát của cơ quan này đã được cho là… ngoại lệ.

Cuộc chiến chống tham nhũng chịu thêm một "đòn" nữa, khi các báo cáo của kế toán tòa án, kiểm toán viên - những người làm việc đại diện cho pháp luật, Quốc hội - không còn phải trình lên Quốc hội nữa, có nghĩa là các biện pháp của cơ quan lập pháp để xem xét và kiểm tra việc chi tiêu công hiện nay đã được nới lỏng.

Xé rào cho tham nhũng?

Thủ tướng Binali Yildirim nhậm chức vào ngày 29/5 vừa qua. Trong bài phát biểu trình bày chương trình hành động của Chính phủ mới trước Quốc hội, ông Yildirim đã đi vào lịch sử như một Thủ tướng không hề đề cập đến "chống tham nhũng" dù chỉ một lần, mặc dù ông có 3 lần nhắc tới từ "minh bạch".

Mối nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ “phải chăng đang từ bỏ chống tham nhũng” không chỉ có vậy.

Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã thiết lập một cơ quan chống tham nhũng do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch, với tên gọi là Ủy ban Nâng cao minh bạch và Tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng. 1 tháng sau, ông Davutoglu công bố "Chương trình minh bạch” nhằm giải quyết vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã phản đối và đóng cửa chương trình này.

Liên quan tới đề xuất yêu cầu các quan chức trong Đảng phải công khai tài sản của mình, ông Erdogan cho rằng: "Nếu thực hiện điều này, chúng ta không thể tìm ra một ai đứng ở vị trí lãnh đạo thậm chí là ở cấp tỉnh, cấp huyện". Bởi vậy, các biện pháp được đề xuất bị gạt bỏ.

Và, khi lên nắm quyền, Chính phủ của tân Thủ tướng Yildirim đã nhanh chóng ban hành một văn bản xóa bỏ ủy ban chống tham nhũng của ông Davutoglu.

Như vậy, tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tồn tại Chính phủ không cam kết chống tham nhũng!

Tuần trước, Văn phòng TI tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một đánh giá "màu xám" về kết quả chống tham nhũng của Thủ đô Ankara trong 6 năm qua. Trong đó, ghi nhận sự "tiến triển hạn chế" khi mà chỉ có 6 trên tổng số 28 biện pháp được đưa ra trong kế hoạch năm 2010 được thực hiện.

Kế hoạch chống tham nhũng lần thứ 2 được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua không thông qua bất cứ cuộc thảo luận nào, trong đó, theo TI, về cơ bản là "một danh sách những gì đã không được thực hiện trong 6 năm qua", và dường như được đưa ra chỉ vì chống tham nhũng là một trong những điều kiện của Liên minh châu Âu cho một cơ chế miễn thị thực đi lại cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo TI, hiện chưa biết Chính phủ mới của Thổ Nhĩ Kỳ có cam kết thực hiện kế hoạch này hay không.

Trả lời phỏng vấn Báo Al-Monitor, luật sư Oya Ozarslan - người đứng đầu nhóm tư pháp trong Kkế hoạch chống tham nhũng cho biết, họ giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nhưng thất bại trong việc đảm bảo tính minh bạch trong cách làm việc của Chính phủ theo như kế hoạch hành động năm 2010.

“Không ai có bất kỳ ý kiến nào về những gì đang xảy ra. Các nhiệm vụ tất nhiên đã được đặt ra, nhưng không có sự phối hợp và không có thông tin gì được công bố về các đề xuất đã được thực hiện chưa... Mặc dù chúng tôi đã lên tiếng, nhưng mọi thứ vẫn diễn ra trong bí ẩn", bà Ozarslan nói.

Theo đánh giá của bà Ozarslan, “chống tham nhũng dường như không còn là một khu vực của những nỗ lực thực sự" của Chính phủ. Các quan chức có liên quan tới AKP thích một sự miễn trừ trong trách nhiệm. "Ví dụ như, chúng ta không bao giờ nghe về việc điều tra hay các thông báo trên phương tiện truyền thông về tham nhũng có liên quan đến các cá nhân thuộc đảng cầm quyền AKP... trong khi hầu như tất cả các đảng đối lập phải đối mặt với các cáo buộc như vậy", bà Ozarslan nói thêm.

Một vấn đề lớn nữa, theo bà Ozarslan, là tình trạng xấu đi của một nền tư pháp độc lập. "Chống tham nhũng đòi hỏi một nền tư pháp mạnh mẽ, độc lập và vô tư mà tất cả mọi người đều đặt niềm tin vào. Tương tự, các phương tiện truyền thông phải được thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Hiện nay, tham nhũng trở thành một từ "hiếm thấy" trên phương tiện truyền thông chính thống", bà Ozarslan nói.

Tình trạng hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ cần thiết phải huy động toàn lực để chống tham nhũng. Luật sư Ozarslan kêu gọi: "Số tiền đã bị đánh cắp là tiền từ túi của mọi người. Nếu chúng ta muốn có một chính quyền trong sạch, chúng ta cần chống tham nhũng".

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm