Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 08/01/2012 - 12:35
(Thanh tra)- 2011 là năm xảy ra nhiều biến cố chấn động địa cầu, với hàng loạt các vụ thiên tai, làn sóng biểu tình phản đối và các cuộc khủng hoảng đe dọa nhấn chìm kinh tế thế giới.
1 - Thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân tại Nhật Bản
Thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân ngày 11/3 ở miền Đông bắc Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.000 người. Hơn 12.000 người khác mất tích. Đây là thảm họa tồi tệ nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1923, với trận động đất tại Kano khiến hơn 142.000 người thiệt mạng.
Động đất sóng thần cũng gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima chưa từng có ở Nhật Bản (chỉ đứng sau thảm họa Chernobyl) thiệt hại ước tính lên đến 235 tỷ USD, tương đương 4% GDP.
2 - Khủng hoảng nợ ở Eurozone
Cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone hiện đang ở mức báo động đỏ. Cơn lốc khủng hoảng đã cuốn trôi 6 vị Thủ tướng (Ireland, Bồ Đào Nha, Slovakia, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha) và đe dọa lật đổ nhiều Chính phủ khác trong Eurozone.
Cuộc khủng hoảng này cũng đã khiến Thủ tướng Silvio Berlusconi, một chính khách lão luyện ở Italy, phải từ chức, sau 17 năm thống trị chính trường. Cuộc khủng hoảng đang chia rẽ châu Âu một cách sâu rộng và có nguy cơ kéo kinh tế thế giới sa vào vòng xoáy suy thoái mới.
3 - Nạn đói hoành hành ở vùng Sừng châu Phi
Tháng 7/2011, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố nạn đói tại phần lớn khu vực phía Nam Somalia.
Có tới 12 triệu người ở vùng Sừng châu Phi, hàng trăm nghìn người đói ăn ở Somalia đã chạy đến các trại tị nạn ở biên giới Kenya. Các nỗ lực cứu trợ tại miền Nam Somalia trở nên phức tạp bởi nhóm al-Shabab, một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ đến al-Qaeda. Theo một số ước tính, số người chết đói có thể lên đến hàng chục nghìn người.
4 - Vấn đề Biển Đông đã được “quốc tế hóa”
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á ngày 19/11/2011 ở Bali, Indonesia, vấn đề Biển Đông đã lại được “quốc tế hóa”, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Ngoài Tổng thống Mỹ và nhiều nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đề cập vấn đề Biển Đông một cách thẳng thừng trong cuộc gặp người đồng nhiệm Trung Quốc. Còn Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thì thúc đẩy vấn đề bảo đảm “an ninh hàng hải” ở Biển Đông) trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN.
5 - Phong trào “Chiếm Wall Street” lan rộng trên thế giới
Các cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào "Chiếm Wall Street” (Ocupy Wall Street) nổ ra từ ngày 17/9 ở New York đã lan đến nhiều nước ở châu Âu, châu Á, châu Đại Dương và Mỹ Latinh, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người phản đối sự tham lam của giới tài phiệt ngân hàng, tình trạng phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng kinh tế.
6 - Lũ lụt chưa từng có tàn phá Đông Nam Á
Lũ lụt đã tàn phá nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó Thái Lan và Campuchia là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp các nước Đông Nam Á. Diện tích lúa bị mất trắng là 12,5% ở Thái Lan, 12% ở Campuchia, Lào khoảng 7,5%, 6% ở Philippines và ở Việt Nam khoảng 0,4%. Nước lũ còn cuốn trôi hoặc hủy hoại nhiều kho lương thực.
Thiên tai lũ lụt ở Bangkok đã gióng hồi chuông báo động, các nước châu Á cần đưa chức năng phòng chống lũ lụt vào trong quy hoạch phát triển đô thị.
7 - Tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 01/5/2001 chính thức thông báo Osama bin Laden - thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã bị tiêu diệt.
Cái chết của Bin Laden đánh dấu thành quả to lớn nhất trong nỗ lực chống al-Qaeda của nước Mỹ, song chưa thể đặt dấu chấm hết cho hoạt động khủng bố của mạng lưới này.
8 - “Mùa xuân Arập”
Cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Ben Ali ở Tunisia trong tháng 01/2011 đã kích động phong trào “Mùa xuân Arập”, một làn sóng các cuộc biểu tình đòi dân chủ và thay đổi chế độ tại các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak cũng đã bị lật đổ tháng 02/2011 sau hơn bốn mươi năm “tham quyền cố vị”. “Mùa xuân Arập” dẫn đến sự sụp đổ của nhiều vị tổng thống thân phương Tây và sự trỗi dậy của các đảng phái Hồi giáo ở Bắc Phi.
9 - Sự kiện Libya
Bốn thập kỷ cầm quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi kết thúc với cái chết bi đát ngày 20/10/2011, trong một cuộc chiến đẫm máu “sặc mùi dầu lửa”.
Vào đầu tháng 3/2011, cuộc nổi dậy tại Libya trở thành một cuộc nội chiến toàn diện. Một số đồng minh và tướng lãnh dưới quyền ông Gaddafi đã đào tẩu để tham gia cuộc nổi dậy.
Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết vào tháng 3, hợp pháp hóa sự can thiệp của nước ngoài. Các chiến dịch của NATO chính thức bắt đầu vào đầu tháng 4 và các máy bay chiến đấu NATO đã trở thành “không quân của phe nổi dậy”. Chiến cuộc đã khiến 20.000 - 40.000 người Libya thiệt mạng.
10 - Các vụ cuồng sát ở châu Âu
Sau vụ đánh bom khủng bố ở sân bay quốc tế Mátxcơva, ngày 22/7, Na Uy trải qua một vụ thảm sát đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tại Oslo, một xe bom phát nổ gần các tòa nhà Chính phủ, làm thiệt mạng 8 người và gây ra nhiều cột khói bốc lên ở trung tâm thủ đô.
Sự việc càng trở nên kinh hoàng với vụ một tay súng bắn chết 69 người đang tham gia trại hè của giới trẻ do Đảng Lao động cầm quyền tổ chức trên đảo Utoeya.
Hung thủ duy nhất của cả hai vụ thảm sát này là Anders Behring Breivik, một kẻ cuồng tín cực hữu 32 tuổi. Breivik đã thừa nhận tội lỗi.
Làn sóng thảm sát đã lan sang Vương quốc Bỉ, với vụ ngày 13/12, gã đàn ông Nordine Amrani dùng lựu đạn và súng trường tấn công vào đám đông những người đang đi mua sắm ở khu chợ Giáng sinh trên quảng trường Trung tâm thành phố Liege, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 123 người bị thương.
Thủy Tiên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải
T.Thanh
Văn Thanh
Kim Thành
PV
Nam Dũng
Chu Tuấn
Trần Quý