Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 24/06/2011 - 10:50
(Thanh tra)- Với công suất 18.200 MW, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử là dự án (D.A) thủy điện lớn nhất thế giới được Trung Quốc hoàn thành xây dựng vào năm 2008. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm đưa vào hoạt động, Chính phủ Trung Quốc đã phải thừa nhận D.A này gây ra những tác động xã hội, môi trường và địa chất hết sức nghiêm trọng. Sự thừa nhận này đã khiến Campuchia - quốc gia đang có nhiều D.A thủy điện do giới đầu tư Trung Quốc thực hiện phải cân nhắc.
Cửa xả của Thủy điện Tam Hiệp
Từng là Giám đốc Chính sách của Tổ chức Sông ngòi Thế giới, giám sát đập Tam Hiệp từ những năm 1990, tác giả Peter Boshard vừa có bài viết đăng trên tờ Thời báo Phnompenh (ngày 17/6/2011) chỉ rõ sai lầm cùng cái giá phải trả quá đắt từ thủy điện Tam Hiệp.
Theo Peter Boshard, 1/2 đập thủy điện lớn của thế giới hiện nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Trong vòng 10 năm qua, các Cty Trung Quốc đã chinh phục thành công thị trường thế giới về các D.A đập thủy điện. Với đập Kamchay và 5 đập khác đang trong quá trình xây dựng, các Cty Trung Quốc đang thống trị lĩnh vực thủy điện ở Campuchia.
Rất nhiều Cty xây dựng đập của Trung Quốc đã mua lại công nghệ trong D.A đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông Dương Tử, bởi nó được coi như một minh chứng cho sự xuất sắc về mặt kỹ thuật. Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng ca ngợi D.A Tam Hiệp khi ông tới thăm vào năm 2004. Tuy thế, bài học cho Campuchia vẫn được Peter Boshard tóm tắt một cách xác đáng dưới góc nhìn của “người trong cuộc”.
Đập Tam Hiệp đã phủ kín 13 TP, 140 thị trấn, 1.350 làng và làm 1,2 triệu người mất nhà cửa. Rất nhiều người dân phải tái định cư đã mất luôn cả tiền bồi thường và không nhận được công việc mới hay đất đai. Dù một số thị trấn mới được xây dựng thay thế chỗ ở cũ, nhưng vẫn có nhiều người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, nghèo đói… Theo Peter Boshard, việc xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp được chuẩn bị trước để đối mặt với những vấn đề xã hội và môi trường, nhưng không được chuẩn bị cho các tác động địa chất rộng rãi. Sự thay đổi thất thường của mực nước tại các hồ chứa nước của đập làm mất ổn định độ dốc của thung lũng Dương Tử, kích hoạt những trận lở đất thường xuyên, xói mòn ảnh hưởng tới một nửa diện tích hồ chứa khiến hơn 300.000 người phải “tái định cư” thêm 1 lần nữa để ổn định cuộc sống ngay bờ hồ chứa.
Sông Dương Tử lưu chuyển hơn 500 tấn phù sa xuống các hồ chứa mỗi năm. Hầu hết lượng phù sa bị giữ lại tại các khu vực hạ lưu và đặc biệt là đồng bằng Dương Tử. Hậu quả là, lên tới 4km2 vùng đầm lầy rìa bờ biển bị xói mòn hàng năm. Đồng bằng đang chìm dần, trong khi nước biển thì dâng ngược xâm lấn vào sông, ảnh hưởng tới nông nghiệp và nước uống. Vì thiếu chất dinh dưỡng, các ngư trường hiện nay đang phải gánh chịu hậu quả.
Đập Tam Hiệp là minh chứng cho sự thay đổi thất thường của biến đổi khí hậu, tạo ra những rủi ro mới cho các D.A thủy điện. Những người vận hành đập lập kế hoạch tích nước đầy hồ chứa lần đầu tiên vào năm 2009, nhưng họ đã không thể làm vậy vì không có đủ mưa. Lượng mưa thất thường hơn bao giờ hết đặt một dấu hỏi lớn đằng sau những lợi ích kinh tế của đập Tam Hiệp.
Chi phí chính thức cho đập sông Dương Tử là 27 tỷ USD. Cộng cả những “chi phí ẩn”, giá trị thực của con đập sẽ lên tới 88 tỷ USD. Nếu sản xuất điện và thay thế phương pháp đốt than tạo điện bằng các phương pháp khác thì sẽ rẻ hơn. Theo Tổ chức Năng lượng Mỹ: “Nếu Trung Quốc đầu tư vào hiệu suất năng lượng, thì năng lượng của nước này sẽ rẻ hơn, sạch hơn và hiệu quả cao hơn”.
Tháng 5/2011, dù thừa nhận các vấn đề nghiêm trọng của đập như: “Đã gây ra những vấn đề khẩn cấp về mặt bảo vệ môi trường, ngăn ngừa các thảm họa địa chất và phúc lợi của các cộng đồng tái định cư”, Chính phủ Trung Quốc vẫn bảo vệ những gì mà họ cho là đúng. Theo đó, “D.A này có lợi ích to lớn trong việc ngăn lũ, sản xuất điện, giao thông đường sông và sử dụng nguồn nước”.
D.A đập Tam Hiệp đang được coi là một hình mẫu về xây dựng đập cho các D.A ở Campuchia và rất nhiều nước khác. Vậy, các bài học từ D.A đập Tam Hiệp khi Campuchia cân nhắc chiến lược phát triển thủy điện trong tương lai là gì? Đầu tiên, đập sông Dương Tử cho thấy các con đập lớn trên sông chính là tác nhân can thiệp vào các hệ sinh thái có mức độ đa dạng cao. Các tác động của chúng có thể xảy ra cách xa hàng ngàn km và nhiều năm sau khi công trình hoàn thành. Một đánh giá môi trường chiến lược được chuẩn bị cho Ủy hội Sông Mê Kông dự đoán rằng, xây đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông sẽ gây thiệt hại cho các ngư trường đánh bắt cá ven sông và ven biển, làm giảm sản lượng nông nghiệp tại vùng đầm lầy Biển Hồ và đồng bằng sông Cửu Long, làm xói mòn đường bờ biển của đồng bằng và đường bờ biển. Tất cả những tác động này đã xảy ra và được minh chứng trong D.A đập Tam Hiệp, Peter Boshard nhận định.
Thanh Tùng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền