Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Singapore phạt 13 triệu SGD đối với thương vụ sáp nhập của Uber và Grab

Thứ hai, 24/09/2018 - 19:52

(Thanh tra)- Truyền thông Singapore ngày 24/9 đưa tin Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng Singapore (CCCS) đã ra quyết định phạt số tiền lên tới 13 triệu SGD (tương đương 9,5 triệu USD) đối với thương vụ sáp nhập của hai công ty Grab và Uber.

CCCS cho biết các hình phạt được đưa ra nhằm ngăn chặn các hoạt động sáp nhập gây tổn hại đến sức cạnh tranh. Cụ thể, Uber sẽ bị phạt số tiền là 6,58 triệu SGD, còn Grab bị phạt 6,42 triệu SGD. Mức phạt mà CCCS áp dụng dựa trên doanh thu của hai công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.

Kết quả điều tra của CCCS cho thấy Grab đã tăng giá sau khi loại bỏ đối thủ là Uber. Cụ thể, mức giá đã tăng 10-15% sau khi có thỏa thuận sáp nhập. Cơ quan này cũng nhận được "rất nhiều khiếu nại" từ cả khách hàng và tài xế về giá cước và hoa hồng của Grab.

CCCS cũng nhận thấy Grab hiện nắm khoảng 80% thị phần và thống lĩnh thị trường khiến các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khó mở rộng quy mô và thị trường. Đặc biệt khi Grab áp đặt các nghĩa vụ độc quyền đối với các công ty taxi, các đối tác có xe.

Cơ quan này cũng thông báo về các biện pháp tiếp theo để giải quyết các vấn đề cạnh tranh và giảm bớt tác động của thỏa thuận đối với tài xế và khách hàng. Theo đó, CCCS yêu cầu Grab xóa bỏ các quy định mang tính áp đặt một chiều đối với tài xế, duy trì thuật toán định giá và tỷ lệ hoa hồng trước thời điểm sáp nhập.

Mặt khác, cơ quan này cũng yêu cầu Uber bán xe cho bất kỳ đối thủ tiềm năng nào "đưa ra một đề nghị hợp lý dựa trên giá trị thị trường" thông qua công ty cho thuê xe Lion City Rentals, đồng thời cấm Uber bán những chiếc xe đó cho Grab mà không có sự chấp thuận theo quy định của CCCS.

Ngay sau phán quyết của CCCS, Grab đã phát đi thông cáo cho biết mặc dù không bị Chính phủ Singapore yêu cầu hủy giao dịch, song công ty không đồng tình với quyết định của CCCS về việc xử phạt cũng như lập luận của cơ quan này cho rằng thị trường bị giảm tính cạnh tranh sau thương vụ sáp nhập. Theo đại diện của Grab, công ty không cố tình hoặc vi phạm luật cạnh tranh "một cách cẩu thả" đồng thời nhất trí cho rằng việc giữ cho thị trường mở và có thể cạnh tranh tốt nhất cho người tiêu dùng và người lái xe.

Hãng này cho biết hành khách được tự do lựa chọn giữa taxi đường phố và xe thuê riêng. Và thực tế là thu nhập của người thuê ô tô tư nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cạnh tranh khốc liệt với taxi đường phố.

Trên cơ sở đó, Grab cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với CCCS và Bộ Giao thông Vận tải Singapore để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Grab cũng cam kết định giá hợp lý và chưa tăng giá cước kể từ sau thương vụ với Uber, cũng như tiếp tục tuân thủ mô hình định giá trước giao dịch.

Như vậy, kể từ sau thương vụ mua lại các hoạt động tại khu vực Đông Nam Á của Uber từ cuối tháng 3/2018, Grab liên tục bị các cơ quan cạnh tranh của nhiều nước trong khu vực đưa vào "tầm ngắm", trong đó ngoài Singapore còn có Malaysia và Việt Nam.

Mỹ Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm