Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ VIII: Số phận của Tổng thống phạm tội ác chiến tranh

Thứ sáu, 27/07/2012 - 07:19

(Thanh tra) - Ngày 19/6/2012, Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone phát đi một thông cáo cho biết, các luật sư bào chữa của cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor đã nộp đơn thông báo ý định kháng án. Đáng nói là, không chỉ bên bị mà ngay cả bên công tố cũng dự kiến sẽ chống bản án của Tòa án Quốc tế ở La Haye.

Cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor tại một phiên tòa của Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone ở Leidschendam, Hà Lan hồi tháng 4/2012

>> Kỳ VII: Án chung thân cho ông Mubarak
>> Kỳ VI: Mất hết vì ngoại tình
>> Kỳ V: Nỗi lòng bà Gloria Arroyo
>> Kỳ IV: Đường tới song sắt của “nữ hoàng” cách mạng cam
>> Kỳ III: 7 năm tù cho cựu Tổng thống hiếp dâm
>> Kỳ II: Bê bối tình dục chấn động nước Pháp
>> Kỳ I: Thủ tướng với cáo buộc mua dâm vị thành niên

Trước đó, vào cuối tháng 5/2012, tòa án do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn (trong suốt gần 5 năm qua) đã tuyên phạt ông Taylor 50 năm tù giam vì hỗ trợ phiến quân ở Sierra Leone - lực lượng đã gây ra nhiều hành vi tàn ác trong cuộc nội chiến (kéo dài từ năm 1991 - 2002) ở nước này làm hàng chục nghìn người chết.

Mặc bộ đồ lớn màu xanh đậm và thắt cà vạt màu vàng, cựu lãnh đạo Liberia buồn rầu lắng nghe bản án được Chánh án Richard Lussick tuyên đọc: Ông Taylor, vì những lý do vừa kể, tòa đồng thanh tuyên phạt ông một án tù 50 năm cho tất cả các tội danh mà ông đã bị xét là can phạm.

Bản án tù mà ông Taylor phải nhận chưa đến mức 80 năm như các công tố đề nghị. Tuy nhiên, tòa cũng đã bác bỏ một số yếu tố biện hộ mà luật sư của bị can lập luận và coi đó là tình tiết giảm nhẹ liên quan đến địa vị đặc biệt của ông Taylor là một cựu nguyên thủ quốc gia.

“Tòa muốn nêu bật mức độ nghiêm trọng mà tòa gán cho việc ông Taylor phản bội sự tín nhiệm của dân chúng. Theo quan điểm của tòa, sự phản bội này nặng hơn những đặc điểm có liên quan đến mức độ trách nhiệm đã thảo luận ở trên”, Chánh án Richard Lussick nói.

Bình luận về phán quyết của tòa, Chính phủ Sierra Leone khẳng định: Công lý đã được thực thi phần nào.
 

Ông Taylor là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị Tòa án Quốc tế kết án kể từ phiên xử ở Nuremberg hồi năm 1946 đối với Karl Doenitz, người từng nắm quyền chớp nhoáng dưới thời Đức Quốc xã.

Bày tỏ sự đồng tình về bản án, bà Lisa Sherman - Nikolaus, nhà nghiên cứu về Sierra Leone của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng, điều quan trọng hơn cần ghi nhớ: Dù hôm nay ông Taylor đã phải lĩnh bản án tù 50 năm, nhưng đối với nhiều người sống sót trong cuộc chiến tranh ở Sierra Leone và Liberia, công lý vẫn chưa được hoàn tất. Ða số những người này vẫn còn đang phải chật vật để sống qua ngày. Chưa kể, “vẫn có một truyền thống về tính miễn trừ”, bà Lisa Sherman - Nikolaus cảnh báo.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2012, khi Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone đưa ra cáo buộc với ông Taylor, các tổ chức nhân quyền đã mô tả bản án là có tính lịch sử. “Đây là một quyết định vô cùng quan trọng. Hôm nay (26/4) là một thời điểm bước ngoặt” - Elise Keppler thuộc Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) nói với BBC.

Tổ chức Ân xá Quốc tế thì cho rằng, bản án đã gửi đi một thông điệp quan trọng tới tất cả các quan chức nhà nước cao cấp.

Liệt các tội ác ở Sierra Leone vào loại khủng khiếp nhất trong lịch sử và đồng cảm với nhận định của Chính phủ Sierra Leone cũng như nhà nghiên cứu về Sierra Leone đến từ Tổ chức Ân xá Quốc tế, Thẩm phán Lussick nhấn mạnh: “Ðối với những người sống sót sau các tội ác này, tác động dài hạn lên cuộc sống của họ thật là tai hại. Những người bị cụt tay nay phải sống nhờ sự bố thí bởi họ không làm việc được. Các thiếu nữ phải gánh chịu thành kiến của công chúng và sẽ không bao giờ phục hồi được sau những chấn động vì bị cưỡng hiếp hay lao động tính dục mà họ phải chịu đựng”.

Tháng 4/2012, Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone đã xét xử cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor phạm 11 tội trạng về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Thẩm phán chủ trì phiên xử Richard Lussick chỉ rõ, trong số các tội danh của ông Taylor có tội giết người, hãm hiếp, bắt làm nô lệ tình dục, tuyển mộ lính trẻ em và bắt làm nô lệ.

Các công tố viên nói rằng, ông Taylor là kẻ chủ mưu cuộc nội chiến Sierra Leone hồi thập niên 90 của thế kỷ XX, cung cấp vũ khí và trợ giúp cho các phiến quân để đổi lấy kim cương khai thác ở Sierra Leone, thường được gọi là “kim cương máu”. “Hỗ trợ quân sự do bị cáo cung cấp cho Mặt trận Cách mạng Thống nhất đã có tác động đáng kể tới việc thực thi các tội phạm”, Thẩm phán Lussick nói.
 

Cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor tại phiên tòa ở La Haye


Ngoài ra, ông Taylor cũng bị cáo buộc đã hỗ trợ và khuyến khích các vi phạm nhân quyền của các phiến quân trong cuộc nội chiến Sierra Leone.

Liên quan đến phiên xét xử mình, hồi giữa tháng 5/2012, cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor đã tự đứng ra bào chữa tại tòa trước cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Cựu Tổng thống Liberia cho rằng, Tòa án La Haye “không có hình ảnh đầy đủ và thích đáng” về trường hợp của ông khi đưa ra phán quyết hồi tháng 4/2012 buộc ông phạm 11 tội ác chống loài người. 

Ông Taylor còn tố cáo giới công tố đã mua chuộc nhân chứng để khai những thông tin chống lại ông.

Ngoài ra, cựu Tổng thống Liberia cũng tố cáo tòa án nằm trong một âm mưu của phương Tây chống lại ông và những người châu Phi da đen khác.

Trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, không chỉ bác bỏ đề nghị của bên công tố đòi tuyên phạt ông Taylor 80 năm tù tại một nhà tù ở Anh, các luật sư của cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor còn nhấn mạnh án phạt “có tính chất báo thù” đó là quá hà khắc và quy kết quá mức các vụ diệt chủng trong cuộc chiến tranh ở Sierra Leone lên ông Taylor.

Ở khía cạnh liên quan, ông Eric Koi Senessie, người Sierra Leone, đã bị kết tội hối lộ và gây ảnh hưởng lên các nhân chứng trong vụ xử cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor.

Theo Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone, ông Eric Koi Senessie có tội đối với 8 trong số 9 cáo trạng khinh mạn tòa án trong phán quyết công bố hôm 21/6/2012.

Thẩm phán Theresa Doherty cho biết, ông Senessie đã tìm cách làm cho nhân chứng của giới công tố rút lại lời khai.

Trong các văn kiện nộp cho tòa án hồi năm ngoái, các công tố viên cho rằng, ông Senessie đã hăm dọa ít nhất 3 nhân chứng bằng cách không ngớt liên lạc với họ khi họ ở nhà và đề nghị trả tiền cho họ.

Ông Senessie từng là thành viên của Mặt trận Cách mạng Thống nhất, một nhóm phiến quân trong cuộc nội chiến Sierra Leone nhận được vũ khí và tiền bạc của ông Taylor để đổi lấy kim cương thô.

Với cáo buộc của tòa án, ông Senessie giờ đây đối mặt với án tù tối đa là 7 năm và một khoản tiền phạt tương đương với 4.600 USD.
 

Mốc chính trong cuộc đời cựu Tổng thống Liberia Cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor Năm 1983: Ông Taylor chạy trốn khỏi Liberia sau khi bị tố cáo biển thủ ngân quĩ Chính phủ. Năm 1985: Ông Taylor trốn thoát khỏi nhà tù của Mỹ sau 1 năm bị giam giữ. Năm 1989: Ông Taylor tái xuất hiện ở Liberia, phát động phong trào nổi dậy. Năm 1991: Mặt trận Cách mạng Thống nhất từ Liberia tấn công các làng mạc của Sierra Leone. Năm 1997: Ông Taylor đắc cử Tổng thống Liberia. Năm 1999: Lực lượng phiến quân bắt đầu nổi dậy lật đổ ông Taylor. Năm 2003: Ông Taylor rời bỏ chức vụ Tổng thống và xin tỵ nạn chính trị tại Nigeria. Sự ra đi của ông là một phần của một thỏa hiệp do Nigeria cùng các nước khác trong vùng đứng ra làm môi giới nhằm dọn đường cho cuộc dàn xếp hoà bình có sự hậu thuẫn của LHQ. Cũng trong năm đó, cựu Tổng thống Liberia bị Tòa án Đặc biệt cho Sierra Leone truy tố (và Mỹ treo giải thưởng 2 triệu USD cho ai bắt được ông). Vào cuối năm, Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) phát lệnh truy nã ông Charles Taylor vì phạm tội ác chống lại loài người và vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva năm 1949. Năm 2006:  Ông Taylor bị bắt tại Nigeria (dù đã cố tìm cách trốn chạy khỏi nước này) và được giao cho Tòa án Quốc tế La Haye xét xử. Năm 2007: Tòa án Quốc tế xét xử tội ác chiến tranh tại La Haye, Hà Lan, mở phiên tòa xử tội ác chiến tranh đối với ông Taylor. Các thẩm phán đều do LHQ và Chính phủ Sierra Leone bổ nhiệm. Không giống như các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh tại Nam Tư (cũ) và Rwanda, LHQ không cung cấp tài chính cho tòa này. Tòa dựa vào hỗ trợ của các Chính phủ nước ngoài. Chính phủ Hà Lan đã đồng ý chủ trì phiên tòa xử ông Charles Taylor với điều kiện ông sẽ bị giam giữ tại nước khác nếu bị tuyên là có tội. Năm 2012: Ông Taylor bị kết tội tiếp tay và xúi giục gây chiến.

Bích Lan - Huy Hoàng (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm