Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ VI: Nào, mình cùng mua... vũ khí

Thứ tư, 25/07/2012 - 06:58

(Thanh tra) - Quân đội vùng lãnh thổ Đài Loan thuộc loại đông nếu so với dân số (275.000 quân trong tổng số 23 triệu dân) do nhiều thập kỷ căng thẳng với Trung Quốc. Từ lâu Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng tái chiếm bằng vũ lực.

Đài Loan tiến hành cuộc tập trận Hán Quang. Ảnh: Reuters

>> Kỳ V: Ấn Độ không ngồi yên
>> Kỳ IV: Philippines trả đũa
>> Kỳ III: Nước Nga kiêu hãnh
>> Kỳ II: Hành động của Trung Quốc
>> Kỳ I: Mỹ chuyển hướng chiến lược

Nhật Bản mua máy bay tàng hình

Hồi tháng 12/2011, Thủ tướng Yoshihiko Noda thông báo Nhật Bản đã đặt mua 42 máy bay tàng hình F-35 của Hãng Lockheed Martin (Mỹ) để thay thế các máy bay F-4 làm chủ lực cho lực lượng không quân.

F-35 được xem là 1 trong 2 loại máy bay hiện đại nhất thuộc thế hệ thứ 5, với những công nghệ ưu việt, đặc biệt là khả năng tàng hình. (Loại máy bay hiện đại còn lại là F-22 được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 2005 và bị Quốc hội Mỹ cấm xuất khẩu).

Theo Le Monde, việc chọn lựa F-35 cho thấy những lo âu của Nhật Bản về vấn đề an ninh. “Chúng ta đang đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ về an ninh trong khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa thừa nhận và tin tưởng loạt chiến đấu cơ F-35 sắp mua “có khả năng đối phó được các thay đổi sẽ xảy ra”.

Ngoài đe dọa từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Nhật Bản cũng e ngại sự lớn mạnh không ngừng của quân đội Trung Quốc và Nga. Theo kế hoạch, năm 2018 Bắc Kinh sẽ đưa vào sử dụng loại máy bay tàng hình J-20 còn Moscow thì dùng loại tối tân Sukhoi vào năm 2015.

4 chiếc đầu tiên dự tính sẽ được Hãng Lockheed Martin giao cho Nhật Bản vào năm 2016 với giá khoảng 97 triệu euro/chiếc. Giá những chiếc còn lại sẽ được thương thảo từ nay đến năm 2016.

Đáng chú ý, Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận cho phép việc lắp ráp tiến hành trên lãnh thổ Nhật Bản và ngành công nghiệp nước này sẽ đảm nhận sản xuất 40% linh kiện liên quan.

Báo chí Pháp nhận định, việc mua máy bay này giúp tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản - hai nước thường xuyên tiến hành tập trận chung trong khu vực.

Ảnh: Reuters


Với Mỹ, hợp đồng sẽ mang lại thu nhập lớn (tổng trị giá lên tới 8 tỷ USD) cho Hãng Lockheed Martin, vốn bị chỉ trích nhiều vì chương trình F-35 quá tốn kém mà lại chậm trễ. Về phía Nhật Bản, thỏa thuận mua bán máy bay F-35 sẽ giúp khắc phục sự xuống dốc của ngành Công nghiệp Quốc phòng vốn bị hạn chế do lệnh cấm xuất khẩu công nghệ quân sự và cấm tham gia vào các chương trình phát triển quân sự với nước khác. Theo Le Monde, Nhật Bản có thể sẽ thoát khỏi lệnh cấm này và sẽ xuất khẩu các loại F-35 được lấp ráp ngay trên lãnh thổ của mình.

Giới phân tích đánh giá, sau Nhật Bản, có thể các quốc gia khác, trong đó có Hàn Quốc, sẽ đặt hàng để nâng cấp phi đội của mình.

Indonesia mua tàu ngầm và xe tăng

Trong thông cáo báo chí công bố ngày 21/12/2011, Tập đoàn Đóng tàu và Công trình biển Daewoo (DSME) của Hàn Quốc cho biết, đã ký kết thỏa thuận bán cho Indonesia 3 chiếc tàu ngầm trị giá 1,1 tỷ USD. Đây là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Theo hợp đồng đã ký kết với Jakarta, tàu ngầm có thể chở 40 thủy thủ và sẽ được trang bị 8 ống phóng vũ khí để có thể bắn cả ngư lôi lẫn tên lửa được dẫn đường. Mỗi tàu ngầm nặng 1.400 tấn, sẽ lần lượt được Hàn Quốc giao cho Indonesia đến giữa năm 2018.

Trước đó, vào tháng 5/2011, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) đã đồng ý bán cho Jakarta 16 máy bay phản lực huấn luyện siêu thanh loại T-50 Golden Eagle, trị giá 400 triệu USD.

Bất chấp những ý kiến phản đối trong Quốc hội, Bộ Quốc phòng Indonesia vẫn đang nỗ lực triển khai kế hoạch mua 100 xe tăng Leopard 2A6 cũ từ Hà Lan, trong khuôn khổ thực hiện mục tiêu bảo đảm tự cung 70% nhu cầu vũ khí cho quân đội trước năm 2024.

Trung tuần tháng 2 năm nay, Thiếu tướng Puguh Santoso, Tổng cục Trưởng Tổng cục Chiến lược Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng nhấn mạnh việc các nghị sỹ chỉ trích thương vụ mua xe tăng đồng thời cho rằng, loại xe tăng 62 tấn không phù hợp với địa hình Indonesia chưa kể vụ mua bán sẽ khiến Jakarta phụ thuộc nhiều vào châu Âu trong việc cung cấp phụ tùng và bảo trì trong tương lai là không có căn cứ.


Thiếu tướng Puguh Santoso khẳng định: Chuyển giao công nghệ là một trong những điều kiện tiên quyết trong các hợp đồng mua sắm thiết bị quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng Indonesia và Đức sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo Leopard 2A6 cho Jakarta. Ngoài ra, việc chọn loại xe tăng này được đưa ra trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng các tính năng ưu việt của nó, cũng như các yêu cầu của quân đội. Leopard 2A6 có thể hoạt động trên mọi địa hình, có thể đi ngầm 4m dưới mặt nước và đáp ứng nhu cầu thực sự trước mắt cần xe tăng hạng nặng của quân đội Indonesia.

Chưa hết, dẫn nguồn từ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin, Hãng tin Antara ngày 9/2/2012 cho biết, Jakarta có kế hoạch mua 8 máy bay trực thăng Apache AH-64 của Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội. (Kế hoạch mua sắm này đã được thông qua).

AH-64 Apache là loại máy bay trực thăng tiến tiến, được trang bị hỏa lực mạnh và tên lửa, có khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu cả vào ban đêm. Ở khu vực Đông Nam Á, mới chỉ có duy nhất quân đội Singapore được trang bị loại máy bay này.

Mỹ xem xét bán chiến đấu cơ F16 cho Đài Loan

Ngày 27/4/2012, Nhà Trắng đã lên tiếng khẳng định “hỗ trợ Đài Loan” và “nghiêm túc xem xét khả năng bán chiến đấu cơ F16 loại mới cho Đài Bắc”.
 
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp cho biết, theo một bộ luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1979, Washington có trách nhiệm cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan.

Tháng 9/2011, Tổng thống Barack Obama đã thông qua ngân sách 5,85 tỷ USD để giúp Đài Bắc hiện đại hóa hệ thống phòng không. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của đảng đối lập - Đảng Cộng hòa vì rằng, chính sách phòng thủ của Đài Loan sẽ “hiệu quả hơn” nếu như Đài Bắc được cung cấp chiến đấu cơ F16 đời mới. Theo Đảng Cộng hòa, việc bán trang thiết bị tân tiến cho Đài Loan sẽ đem lại việc làm cho người dân Mỹ, cho dù quyết định này sẽ làm phật lòng Bắc Kinh.

* Đầu năm nay, Anh đã ký kết với MBDA (Matra BAE Dynamics Alenia) - Tập đoàn hàng đầu châu Âu về nghiên cứu và sản xuất hệ thống tên lửa, hợp đồng trị giá 483 triệu bảng Anh (tương đương 760 triệu USD) để sản xuất hệ thống tên lửa mới cho Hải quân Hoàng gia.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Anh, hợp đồng sản xuất hệ thống Sea Ceptor được tiến hành trong vòng 5 năm. Dự kiến, hệ thống mới sẽ được cài đặt trên tàu khu trục mẫu 23 và sẽ thay thế hệ thống Sea Wolf  hiện có vào năm 2016.

Về mặt ngoại giao, Washington chỉ công nhận Bắc Kinh, nhưng Hoa Kỳ vẫn là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đài Loan và đây là vấn đề thường gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Hãng Thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 26/9/2011, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xem xét lại quyết định nâng cấp các chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan. Theo ông Dương Khiết Trì, với quyết định nói trên “Washington đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại an ninh của Trung Quốc”.

Trước đó, ngày 22/4/2012, báo chí Đài Loan đưa tin, trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, hòn đảo này dự định mua thêm 4 chiến hạm của Hoa Kỳ. Nếu hợp đồng này được thực hiện, hải quân Đài Loan sẽ có tất cả 12 chiến hạm. 4 chiến hạm định mua của Washington được đóng từ thập niên 80 của thế kỷ XX vừa được đưa ra khỏi hạm đội Mỹ.

Còn vào ngày 16/4/2012, Đài Loan đã tiến hành cuộc tập trận liên quân kéo dài 5 ngày nhằm bảo vệ Đài Bắc trong trường hợp bị xâm lăng. Nhiều nghìn quân dự bị đã được huy động để tham gia cuộc tập trận lớn mang tên Hán Quang lần thứ 28.

Đáng nói là, sau nhiều năm cố gắng tìm mua từ Mỹ và Đức mà không được, Đài Loan đã quyết định tự chế tạo tàu ngầm tấn công. Theo tiết lộ ngày 7/4/2012 của mạng thông tin WorldNetDaily tại Mỹ, mới đây, chính quyền Đài Bắc đã đạt được đồng thuận chính trị nội bộ để sản xuất tàu ngầm riêng của mình.

Chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel đầu tiên, được cho là thuộc lớp 1.500 tấn, dự kiến sẽ được đóng trong thời hạn 5 năm. Theo các nguồn tin khu vực, thiết kế chiếc tàu này được dựa trên công nghệ loại tàu lớp Kilo của Nga. (Vào tháng 10/2010, Nga đã đồng ý trợ giúp Đài Loan về mặt kỹ thuật để xây dựng thân tàu ngầm). Ngoài ra, Đài Loan cũng dựa vào cấu trúc kiểu tàu ngầm 209 của Đức.

Được biết, vào tháng 11/2011, quân đội Đài Loan đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống radar cảnh báo hiện đại trị giá hàng tỷ USD, có khả năng báo động về các cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía Trung Quốc sớm hơn trước 6 phút.

Khi đó, trả lời trước Quốc hội, Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Triệu Thế Chương cho biết, việc lắp đặt hệ thống radar tầm xa do Tập đoàn Raytheon của Mỹ cung cấp đang trong giai đoạn hoàn tất. Hệ thống này đã trải qua cuộc thử nghiệm đầu tiên cách đó không lâu và kết quả cho thấy đã kết nối thành công đơn vị chống tên lửa Patriot với trung tâm chỉ huy quân sự khẩn cấp Hoành Sơn ở Đài Bắc.

Mỹ dự định bán cho Đài Loan chiến đấu cơ F16 kiểu mới. Ảnh: Reuters


Nào đã hết, báo chí phương Tây còn dẫn lời một nghị sĩ Đài Loan ngày 6/9/2011 cho biết, vùng lãnh thổ này sẽ sản xuất tên lửa mang tên Vạn Kiếm sớm hơn 4 năm theo kế hoạch ban đầu - vào năm 2014 thay vì 2018 - để trang bị hệ thống mới cho các chiến đấu cơ phản lực sản xuất nội địa.

Tên lửa Vạn Kiếm được thiết kế để bắn vào các mục tiêu như bến cảng, căn cứ tên lửa và radar cũng như nhắm vào những khu tập trung quân của nước ngoài trước khi xâm lăng Đài Loan. Mỗi tên lửa Vạn Kiếm mang theo trên 100 đầu đạn có thể gây hư hại nặng nề cho các đường băng sân bay.

Vẫn chưa hết, vài ngày sau khi Bắc Kinh cho thử nghiệm chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình, ngày 14/8/2011 chính quyền Đài Bắc đã lên tiếng xác nhận đang phát triển loại tên lửa chống mẫu hạm. Đây là dạng thức di động của loại tên lửa bay nhanh hơn tốc độ âm thanh sẵn có, vốn được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.

Một lãnh đạo cao cấp thuộc Ủy ban Quốc phòng Đài Loan được dẫn lời cho biết, Đài Loan đang nghiên cứu việc cải tiến tên lửa Hùng Phong III (Hsiungfeng III) theo hướng mở rộng tầm hoạt động và tăng cường khả năng mang theo một đầu đạn có sức công phá mạnh hơn. Loại tên lửa này sẽ được đặt trên các giàn phóng di động, để tránh bị phát hiện trong trường hợp bị tấn công.

Theo Hãng Thông tấn Pháp AFP, tên lửa Hùng Phong III đã được Đài Loan trang bị cho các hộ tống hạm, có tốc độ lý thuyết là mach 2, tức là gấp 2 lần vận tốc âm thanh, với tầm hoạt động khoảng 130 cây số.

Xin nói thêm, quân đội Đài Loan thuộc loại đông nếu so với dân số (275.000 quân trong tổng số 23 triệu dân) do nhiều thập kỷ căng thẳng với Trung Quốc. Từ lâu Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng tái chiếm bằng vũ lực. Từ khi ông Mã Anh Cửu lên cầm quyền vào năm 2008, quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã được cải thiện nhờ chính sách hòa giải với Bắc Kinh. Quân đội Đài Loan loan báo giảm thời gian đi nghĩa vụ quân sự từ 1 năm xuống còn 4 tháng. Ông Mã Anh Cửu đã tái đắc cử Tổng thống vào tháng 1 năm nay với nhiệm kỳ 4 năm.

Tháng 4/2011, Hải quân Thái Lan cho biết ý định mua 6 tàu ngầm cũ của Đức với tổng trị giá gần 8 tỷ baht (267 triệu USD) để bảo vệ “quyền lợi biển”.

Chỉ huy Trưởng Hải quân Thái Lan, Đô đốc Kamthorn Poomhiran, nói rằng, tàu ngầm Type U206A đã qua sử dụng là phù hợp với nhu cầu của nước này hơn cả. Báo Thái Lan dẫn lời Đô đốc Kamthorn Poomhiran cho biết, lý do là vì loại tàu này nhỏ, nhẹ, với tải trọng chỉ có 450 tấn. Thêm vào đó, các tàu này khá vừa túi tiền của Băng Cốc. “Bỏ 7,7 tỷ baht để mua 6 chiếc Type U206A là phù hợp để bảo vệ lợi ích biển trị giá chừng 900 tỷ baht mỗi năm”.

Theo Chỉ huy Trưởng Hải quân Thái Lan, các tàu ngầm này có thể được sử dụng hơn 10 năm và nếu tính về hiệu quả thì chắc chắn hơn loại U209 định mua từ Hàn Quốc. (Tàu ngầm Type U209 là loại Hàn Quốc cũng mua từ Đức nhưng có cải biến. Giá của loại tàu ngầm Type U209 là 13 tỷ baht/2 chiếc, đắt hơn nhiều).

Trọng Nghĩa - Thanh Phương
(Tổng hợp)

Kỳ VII: Sôi sục thị trường vũ khí châu Á

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm