Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều tra tham nhũng cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ

Thứ sáu, 09/10/2015 - 06:30

(Thanh tra)- John Ashe - cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2013 - 2014, vừa bị cảnh sát Mỹ bắt giữ để phục vụ cho cuộc điều tra về cáo buộc nhận hối lộ hơn 1 triệu USD.

Ông John Ashe khi còn đương chức Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, năm 2013. Ảnh: Reuters

Theo thông tin từ cơ quan tư pháp Mỹ, John Ashe, 61 tuổi, cựu Đại sứ Antigua và Barbuda (quốc đảo ở phía Đông biển Caribe, thuộc Khối Liên hiệp Anh) tại LHQ, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (nhiệm kỳ 9/2013 - 9/2014), bị cáo buộc trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2014 đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 1,3 triệu USD từ 1 tập đoàn nước ngoài, để trợ giúp dễ dàng giành được gói thầu xây dựng Trung tâm Hội nghị ở Macao (Trung Quốc), do LHQ tài trợ, có tổng trị giá lên tới nhiều tỷ USD. Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của John Ashe, tập đoàn xây dựng này cũng giành được nhiều hợp đồng xây dựng các dự án bất động sản ở quốc đảo Antigua và Barbuda.

Cụ thể, đầu năm 2011, nhận lời mời của Francis Lorenzo -  Phó Đại sứ Cộng hòa Dominique tại LHQ, ông John Ashe đã có chuyến công du sang Macao. Tại đây, Francis Lorenzo đã bố trí để ông John Ashe có cuộc gặp riêng với tỷ phú, đại gia bất động sản Macao Lap Seng. Trong cuộc gặp này, tỷ phú Lap Seng đã tìm cách mua chuộc, nhờ ông John Ashe tác động để LHQ đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị tại Macao. Đây được cho là khu phức hợp rất lớn, với vốn đầu tư lên tới nhiều tỷ USD.

Sau cuộc gặp gỡ, được sự hỗ trợ từ Francis Lorenzo, ông John Ashe đã đệ trình lên Tổng Thư ký LHQ kế hoạch cấp thiết về việc xây dựng 1 trung tâm hội nghị tại Macao. Theo thông tin chính thức từ LHQ, kế hoạch này được “trình” đủ các ban bệ trong nội bộ LHQ, và đã được đại diện nhiều quốc gia ở LHQ đồng ý thông qua, nhưng kỳ lạ thay, chưa từng xuất hiện trong phòng lưu trữ của Đại hội đồng LHQ cũng như trên bàn làm việc của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Ngoài nhận hối lộ bằng tiền trị giá hơn 1,3 triệu USD, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ còn bị cáo buộc đã nhận của tỷ phú Macao Lap Seng 1 chiếc siêu xe, 2 đồng hồ cao cấp Rolex và nhiều bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền.

Bên cạnh đó, tỷ phú Macao Lap Seng được cho là đã hỗ trợ xây dựng miễn phí 1 sân bóng rổ ngay trong khuôn viên khu biệt thự riêng của ông John Ashe ở thị trấn Dobbs Ferry, ngoại ô TP New York.

Liên quan đến vụ bê bối này, cơ quan tư pháp Mỹ cho biết, ngoài ông John Ashe, còn có 5 người khác liên quan, gồm: Francis Lorenzo - Phó Đại sứ Cộng hòa Dominique tại LHQ, chủ tịch danh dự của 1 tổ chức phi Chính phủ (tổ chức này là đơn vị trung gian chuyển số tiền “trích” từ dự án xây dựng trung tâm hội nghị tại Macao của LHQ cho các cá nhân có liên quan); 1 doanh nhân quốc tịch Trung Quốc có tên là Lap Seng (chuyên kinh doanh bất động sản ở Macao, có mối quan hệ với nhiều quan chức chính quyền cũng như với các băng đảng mafia, đã bị cảnh sát Mỹ cáo buộc vận chuyển bất hợp pháp vào Mỹ số tiền mặt trị giá khoảng 4,5 triệu USD); 1 doanh nhân người gốc Trung Quốc; 1 chủ tịch điều hành của tổ chức phi Chính phủ nói trên; và 1 giám đốc tài chính của tổ chức phi Chính phủ này. Cả 5 người này hiện đã bị giám sát và phải có mặt tại Tòa án Liên bang khi có yêu cầu.

Ngoài ra, cũng có thêm 2 người khác đang bị cơ quan điều tra Mỹ đưa vào “tầm ngắm” vì liên quan tới vụ bê bối này.

Cơ quan tư pháp Mỹ cho rằng có dấu hiệu của “nhóm lợi ích” trong nội bộ LHQ. Vì thế, sẽ còn có thêm nhiều cuộc khám xét khác, nhiều cuộc thẩm vấn và bắt giữ khác nhằm tìm kiếm thêm bằng chứng về khả năng “tham nhũng đã và đang tồn tại ngay trong nội bộ LHQ”.

Liên quan đến vụ bắt giữ cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bảy tỏ mình “rất sốc” và không ngờ “có những sai phạm tày trời đang xảy ra tại LHQ”.
Stéphane Dujarric - Phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ tuyên bố, cơ quan này cũng vừa được biết thông tin về vụ bê bối qua cơ quan truyền thông, chứ cơ quan tư pháp Mỹ chưa có văn bản chính thức gửi LHQ. “Thật bất ngờ khi trong nội bộ LHQ lại xảy ra vụ bê bối này. Nhưng chắc chắn, tham nhũng không thể là “1 hệ thống” trong nội bộ LHQ”, Phát ngôn viên Stéphane Dujarric khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên, LHQ để xảy ra tham nhũng.

Trong những năm 1990 của thế kỷ trước, LHQ từng bị “rúng động” bởi vụ bê bối tham nhũng xảy ra trong chương trình “đổi dầu lấy lương thực” mà LHQ thực hiện tại Iraq.

Sau khi vụ bê bối này bị phanh phui, quan chức chịu trách nhiệm chính về chương trình “đổi dầu lấy lương thực” của LHQ Benon Sevan đã bị xử lý.

Ngoài ra, Tổng Thư ký LHQ thời kỳ này là ông Kofi Annan cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi con trai ông - Kojo, bị nghi ngờ “có xung đột lợi ích”, bởi khi đó Kojo điều hành Công ty Cotecna - đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các loại hàng hóa đưa vào Iraq để phục vụ cho chương trình “đổi dầu lấy lương thực”.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm