Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đằng sau sự trì hoãn bổ nhiệm Giám đốc DNA của Bộ trưởng Tư pháp Romania

Thứ sáu, 03/08/2018 - 06:35

(Thanh tra)- Bộ trưởng Tư pháp Romania Tudorel Toader đang trì hoãn việc bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Chống tham nhũng (DNA), mục đích là để né tránh sự phản đối của Chính phủ.

Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader (phải ảnh) là người đã đề nghị cách chức Trưởng công tố đối với bà Laura Codruta Kovesi. Ảnh: Euronews

Bà Laura Kovesi đã bị cách chức Giám đốc DNA hồi đầu tháng 7, một quyết định gây nhiều tranh cãi.

Ngay lập tức, cuộc tìm kiếm người kế nhiệm nhanh chóng được bắt đầu, nhưng sau 4 đơn ứng cử, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận, quá trình bổ nhiệm sẽ được tái khởi động từ bây giờ.

Bianca Toma, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách châu Âu của Romania cho rằng, đây là một phần trong chiến thuật trì hoãn của người đứng đầu Bộ Tư pháp nước này. Khi mà cuối năm nay, một luật mới có khả năng được thông qua sẽ giảm quyền lực phủ quyết của Tổng thống Romania Klaus Iohannis.

“Một trong những mục tiêu của Bộ trưởng Tư pháp là trì hoãn càng lâu càng tốt để Tổng thống có thể đứng ngoài thủ tục bổ nhiệm... Việc đưa vai trò của Tổng thống ra ngoài đồng nghĩa với việc bổ nhiệm sẽ trở nên mang tính chính trị hơn, một vấn đề đã được xác định rõ ràng".

Tổng thống Klaus Iohannis ủng hộ DNA trong cuộc chiến chống tham nhũng trong nước, trong khi trái ngược lại, đầu năm nay, Bộ trưởng Tư pháp Toader lại kêu gọi người từng đứng đầu DNA là bà Kovesi từ chức. Tháng 2/2018, Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader đã đề nghị cách chức Trưởng công tố vì cho rằng bà Laura Codruta Kovesi vượt quá thẩm quyền và hủy hoại hình ảnh quốc gia ở nước ngoài. 

Theo luật pháp Romania hiện hành, Bộ trưởng Tư pháp được phép đề nghị cách chức Trưởng công tố, cơ quan giám sát tòa án cần thông qua đề nghị này và Tổng thống là người đưa ra quyết định cuối cùng cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết.

Romania được cho là một trong những quốc gia tham nhũng nhiều nhất EU, nhưng những năm gần đây đã được ghi nhận cho các nỗ lực trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Theo giới truyền thông, sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng công tố năm 2013, bà Laura Codruta Kovesi đã lãnh đạo, điều hành DNA. Nhờ đó, các vụ truy tố tham nhũng đã tăng đột biến, nhận được sự hoan nghênh của Liên minh châu Âu. 

Trong nhiệm kỳ của bà Kovesi, các công tố viên đã đưa ra hàng loạt cáo buộc chống lại các nghị sỹ, bộ trưởng và thị trưởng, từ đó phơi bày sự xung đột quyền lợi, sự lạm dụng quyền lực, gian lận và nhận hối lộ đổi lấy các hợp đồng của nhà nước.

Tháng 6 vừa qua, DNA đã bắt giữ ông Liviu Dragnea - chính trị gia quyền lực nhất của Romania, Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền PSD, đồng thời là Chủ tịch Hạ viện, vì tội tham nhũng.

Bà Kovesi sau đó đã bị sa thải vào đầu tháng 7, sau một yêu cầu từ Bộ trưởng Tư pháp Toader.

Cùng thời gian đó, các nghị sỹ của Romania đã bỏ phiếu cho việc gỡ tội cho một số tội danh tham nhũng - một sự thay đổi có thể giúp cho chính trị gia Liviu Dragnea.

Nhiều cuộc biểu tình trong nước bùng nổ, cùng với các sự kiện đang diễn ra xung quanh Cơ quan Chống tham nhũng nước này, nhà nghiên cứu Bianca Toma nhận định: “Đây là thời điểm tồi tệ nhất cho cuộc chiến chống tham nhũng tại Romania".

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm