Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chicago tiếp tục là thành phố tham nhũng nhất nước Mỹ

Hoài Phương

Thứ sáu, 13/05/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Năm thứ ba liên tiếp, Chicago là thành phố tham nhũng nhất của Mỹ và Illinois là bang xếp thứ 3 về tham nhũng, theo một báo cáo hàng năm của Đại học Illinois tại Chicago.

Ảnh minh họa: GETTY IMAGES

Theo đồng tác giả là giáo sư của Đại học Illinois tại Chicago và cố vấn chính trị Dick Simpson, báo cáo dựa trên phân tích số liệu thống kê tham nhũng khu vực công do Bộ Tư pháp Mỹ công bố.

Báo cáo sử dụng công thức so sánh số vụ án tham nhũng của từng khu vực với dân số của khu vực đó để tạo ra hệ thống xếp hạng, kết hợp dữ liệu từ năm 1976 đến năm 2020.

“Số liệu cụ thể và tầm cỡ chính trị của các quan chức dân cử Illinois và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người bị liên đới, truy tố hoặc bị kết tội vào năm 2020 là đáng kinh ngạc", ông Simpson nói.

Theo báo cáo năm 2020, Illinois có 31 trường hợp bị kết án tham nhũng khu vực công. Trong đó, 22 vụ ở phía Bắc của Illinois (bao gồm toàn bộ thành phố Chicago) - giảm nhẹ so với 26 vụ được ghi nhận vào năm 2019. Tại các khu vực còn lại của bang Illinois ghi nhận thêm 9 vụ tham nhũng được kết án.

Mặc dù thực tế, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới nước Mỹ, khiến các tòa án tiểu bang và liên bang phải tạm đóng, nhưng năm 2020 vẫn là thời gian “quan trọng” nhất trong “câu chuyện đáng kinh ngạc về tham nhũng chính trị và khu vực công ở Chicago cũng như Illinois”, ông Simpson nhận định và nhắc mọi người nhớ về năm 1983, khi cuộc điều tra Chiến dịch Greylord của liên bang lần đầu tiên được tiết lộ.

“Và có khả năng, tác động của [tham nhũng] năm 2020 đối với chính trị và chính quyền Illinois sẽ sớm đến hơn so với năm 2003, khi cựu Thống đốc George Ryan bị truy tố vì tội gian lận và cản trở công lý; năm 2008, lúc cựu Thống đốc Rod Blagojevich bị truy tố; hay thậm chí là năm 2009, khi Blagojevich bị luận tội và cách chức”, theo ông Simpson.

Đây là 2 vụ việc từng gây chấn động Illinois nói riêng và cả nước Mỹ nói chung.

Vụ thứ nhất, George Ryan (Thống đốc Illinois từ 1999 đến 2003, từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2005), bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ và gian lận khi chuyển những hợp đồng béo bở của tiểu bang cho Warner (nhà vận động hành lang) và bạn bè, người thân khác.

Ông Ryan bị tố chi tiêu vô tội vạ tiền của, nhân lực của bang trong chiến dịch tranh cử; nhận tiền, quà, các “khoản vay” khi ở ngôi vị cao nhất trong bang, cũng như việc ngăn chặn cuộc điều tra cấp tiểu bang liên quan đến việc hối lộ để lấy bằng lái xe.

Cuối năm 2005, vụ việc được đưa ra xét xử và tòa đã có phán quyết vào tháng 4/2006 với bản án 6 năm rưỡi tù giam cho Ryan về tội tham nhũng.

Vụ thứ 2, ông Rod Blagojevich, cựu Thống đốc bang Illinois, bị tuyên 14 năm tù giam vì tội tham nhũng, trong đó có tội định bán chiếc ghế Thượng Nghị sỹ Illinois bỏ trống sau khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống tháng 11/2008.

Ảnh minh họa

Tại báo cáo của Đại học Illinois tại Chicago lần này, nhiều vụ án tham nhũng đã được trình bày chi tiết, trong đó phải kể tới 2 cuộc điều tra kéo dài khiến hàng chục chính trị gia bị bắt giữ. Đó là: Cuộc điều tra mối quan hệ của Commonwealth Edison (công ty điện lực lớn nhất Illinois) với hoạt động chính trị của cựu Chủ tịch Hạ viện bang Illinois Michael Madigan và cuộc điều tra Safe Speed (một công ty lắp đặt camera tại các điểm đèn đỏ khắp thành phố và ngoại ô) hối lộ các quan chức dân cử.

Vào tháng 7/2020, Commonwealth Edison thừa nhận rằng, các lãnh đạo của công ty đã sắp xếp công việc, hợp đồng và những khoản hối lộ cho các cộng sự của ông Michael Madigan để giành được sự ủng hộ của nhà lập pháp quyền lực nhất bang.

Với sự ủng hộ của Madigan, các nhà lập pháp bang đã thông qua luật cho phép Commonwealth Edison tăng giá điện.

Là một phần của thỏa thuận hoãn truy tố, công ty đã chấp nhận trả khoản tiền phạt 200 triệu USD để giải quyết các cáo buộc tham nhũng.

Vào tháng 11/2020, cựu Giám đốc Điều hành Commonwealth Edison, Anne Pramaggiore, và 3 nhà vận động hành lang là Michael McClain, John Hooker và Jay Doherty bị buộc tội âm mưu hối lộ Michael Madigan. Cả bốn đều không nhận tội và sẽ bị xét xử vào tháng 9.

Ông Madigan bị truy tố vào tháng 4 vừa qua với 22 tội danh. Cáo trạng cho thấy, ông đã lãnh đạo một doanh nghiệp tội phạm với mục đích nâng cao quyền lực chính trị và phúc lợi tài chính của mình trong gần một thập kỷ. Tuy nhiên, Madigan đã không nhận tội.

Trong cuộc điều tra liên quan đến camera tại các điểm đèn đỏ, cựu Thượng nghị sĩ bang Martin Sandoval đã nhận tội vào tháng 1/2020 với một tội danh hối lộ và đồng ý hợp tác với các công tố viên. Sandoval qua đời vào tháng 12/2020 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19.

Ông Sandoval thừa nhận đã nhận hơn 70.000 USD tiền hối lộ để đổi lấy việc thay mặt công ty làm việc và ngăn chặn quy định pháp luật mà công ty phản đối.

Vào tháng 9/2020, cựu Ủy viên quận Cook, Jeff Tobolski, đã nhận tội nhận hơn 250.000 USD tiền hối lộ và từ chức khỏi Hội đồng quận cũng như Thị trưởng khu ngoại ô McCook.

Ngoài ra, các công tố viên liên bang đã buộc tội trợ lý của ông Tobolski tại Hội đồng quận, Patrick Doherty, với 3 tội danh hối lộ liên quan đến vị trí đại lý bán hàng cho công ty Safe Speed của Doherty.

Tiếp đó, tháng 4/2022, cựu Thị trưởng Crestwood Lou Presta đã nhận tội nhận hối lộ 5.000 USD từ một giám đốc điều hành của Safe Speed và bị kết án một năm một ngày tù.

Ông Simpson nhấn mạnh, hiện nay, Cơ quan Tư pháp Mỹ sẵn sàng và có thể triển khai các nguồn lực khổng lồ để truy tố các chính trị gia ở cấp cao nhất cũng như các doanh nhân nổi tiếng tham gia hối lộ cả trực tiếp và gián tiếp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm