Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Tài chính nỗ lực ngăn chặn tham nhũng trong thị trường bất động sản

Hoài Phương

Thứ hai, 25/04/2022 - 16:00

(Thanh tra) - Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đang tìm cách để nâng cao tính minh bạch của thị trường bất động sản thông qua thực thi luật pháp về minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp như một phần của nỗ lực ngăn chặn rửa tiền.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, sự thiếu minh bạch trong một số bộ phận của thị trường bất động sản là một lỗ hổng pháp lý đáng kể. Ảnh: jamaicaobserver

Young Lee, Giám đốc về minh bạch tài chính và chính sách pháp luật tại Văn phòng về tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính, thuộc Bộ Tài chính Mỹ, chỉ ra rằng, sự thiếu minh bạch trong một số bộ phận của thị trường bất động sản là một lỗ hổng pháp lý đáng kể.

“Một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ được công bố vào năm 2020 ước tính, khoảng 2,3 tỷ USD đã được rửa thông qua thị trường bất động sản Mỹ trong 5 năm trước đó", ông Young Lee cho biết và nhấn mạnh về sự thiếu minh bạch trong tất cả các giao dịch tiền mặt.

Cũng theo ông Lee, Bộ Tài chính Mỹ có thể giải quyết lỗ hổng này trong các giao dịch bất động sản, thông qua việc sử dụng các lệnh, yêu cầu các công ty bảo hiểm quyền sở hữu bất động sản phải tiết lộ thông tin sở hữu lợi ích đối với tất cả giao dịch mua bằng tiền mặt, được thực hiện bởi các pháp nhân .

“Tuy nhiên, đây chỉ là cơ quan có thẩm quyền tạm thời và do đó chỉ là giải pháp tạm thời cho vấn đề”, ông Lee chỉ ra và lưu ý rằng, một quy trình quản lý đã được khởi động vào tháng 12/2021 để lấy ý kiến cộng đồng về cách tiếp cận. Điều này "sẽ hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng một quy định nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường bất động sản trên toàn quốc và bảo vệ thị trường bất động sản Mỹ không bị lợi dụng bởi tội phạm và quan chức tham nhũng”, ông Lee nói.

Vào tháng 1/2021, Quốc hội Mỹ đã ban hành những cải cách lớn đối với Đạo luật Chống rửa tiền (AML) năm 2020.

Ông Lee lưu ý rằng, một trong những điều khoản quan trọng nhất của Đạo luật AML là Luật Minh bạch doanh nghiệp (CTA). Theo đó, bắt buộc chủ nhân của các công ty, tổ chức “bình phong” - thường được sử dụng để rửa tiền và trốn thuế - phải cung cấp danh tính.

Luật CTA quy định, chủ nhân của các công ty này phải khai báo danh tính với Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN), một cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ. FinCEN có trách nhiệm thu thập và phân tích thông tin về các giao dịch tài chính, nhằm chống nạn rửa tiền trong nước và quốc tế, chống tài trợ khủng bố và nhiều loại tội phạm tài chính khác. Theo điều chỉnh của đạo luật mới, chủ nhân của các công ty bình phong không khai báo danh tính có thể bị phạt tù đến 2 năm và bị phạt tiền 10.000 USD.

CTA cũng yêu cầu FinCEN xây dựng một cơ quan đăng ký trung tâm, mà tại đó, các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý và các đối tác quốc tế có thể truy cập thông tin trong một số trường hợp nhất định.

Ông Lee cho biết, FinCEN đang nhanh chóng thực hiện các yêu cầu của CTA và đã ban hành thông báo đề xuất xây dựng quy định về các yêu cầu báo cáo thông tin quyền sở hữu lợi ích. Theo ông Lee, các ý kiến mà Bộ Tài chính nhận được cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đối với việc xây dựng quy định này.

Bước tiếp theo trong quá trình xây dựng quy tắc CTA sẽ là việc FinCEN xuất bản các quy định được đề xuất về yêu cầu tiếp cận và công bố thông tin, dự kiến thực hiện vào cuối năm nay. Theo đó, sẽ xác định trường hợp mà các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính và những người khác có thể truy cập thông tin theo các giao thức thích hợp.

Bộ quy tắc cuối cùng sẽ là sửa đổi quy định thẩm định khách hàng của FinCEN. “Đó là quy định yêu cầu một số tổ chức tài chính ở Mỹ, như ngân hàng và đại lý môi giới chứng khoán, phải thu thập và xác minh thông tin về quyền sở hữu lợi ích khi các pháp nhân mở tài khoản mới tại các tổ chức của họ để tuân thủ các quy định phù hợp với khuôn khổ của CTA”, ông Lee giải thích.

Chính phủ Mỹ đã và đang thực hiện toàn bộ cách tiếp cận để thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng, được tổ chức theo 5 nhóm chính bao gồm: Hiện đại hóa, phối hợp và cung cấp nguồn lực cho các nỗ lực của Chính phủ Mỹ; kiềm chế tài chính bất hợp pháp; quy trách nhiệm cho các nhân tố tham nhũng; bảo tồn và củng cố cấu trúc đa phương chống tham nhũng; nâng cao cam kết ngoại giao và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ nước ngoài để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại chống tham nhũng.

Bộ Tài chính Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với cả 5 trụ cột nêu trên, trong đó tập trung vào kiềm chế tài chính bất hợp pháp, đặc biệt là hạn chế khả năng tội phạm che giấu danh tính đằng sau các cấu trúc doanh nghiệp và rửa tiền bất hợp pháp thông qua bất động sản.

“Mục tiêu bao trùm của chúng tôi là hạn chế một cách có ý nghĩa các hoạt động phá hoại và làm suy yếu sự quản lý tốt của Chính phủ, giảm các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của nước Mỹ", ông Lee nói và nhấn mạnh, việc sử dụng quy trình quản lý này nhằm phát triển một giải pháp mang tính hệ thống đối với việc sử dụng bất động sản sai mục đích trở thành một ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cam kết hợp tác với khu vực tư nhân trong các nỗ lực chống tham nhũng, bởi thành công của những đề xuất này phụ thuộc vào việc thực hiện, tuân thủ cũng như sự chủ động cảnh giác của khu vực tư nhân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm