Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bề "chìm" của cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu

Thứ sáu, 28/10/2011 - 20:57

Tuần qua Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã cảnh báo “để đồng Euro bị tiêu diệt là để châu Âu bị tiêu diệt”. Vậy cuộc khủng hoảng kéo dài từ nhiều năm nay ở châu Âu là những gì mà nguyên thủ của một cường quốc châu Âu phải đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng như vậy?

Theo các nhà tư vấn kinh tế, hiểu được sự rắc rối của vấn đề này là một điều khó vì mọi vấn đề đều liên quan tới nhau, thậm chí là có quan hệ hữu cơ vì nằm trong cơ cấu. Lời cảnh báo của Tổng thống Pháp không phải là một sự dọa nạt mà đi vào cốt lõi của vấn đề, đó là sự tồn tại của một cộng đồng các quốc gia từng dẫn đầu thế giới 500 năm qua.

Đây là kết quả của nhiều sự hiểu lầm tích lũy từ lâu. Ban đầu, người ta tưởng châu Âu rơi vào khủng hoảng ngân hàng năm 2008 là do hậu quả của khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ. Các chính trị gia và cả chủ ngân hàng đã gây ra ấn tượng sai lệch đó. Kế tiếp là vụ khủng hoảng về công trái của Hy Lạp, rồi một chuỗi quốc gia nằm ở vùng biên của châu Âu. Sau đó là khả năng ứng phó của một cơ chế chính trị và hành chính quốc tế không có thực quyền lồng trong những tính toán cục bộ về quyền lợi quốc gia. Tất cả các vấn đề này kết tụ vào số phận của đồng euro, nhưng đó chỉ là bề nổi. Sâu xa hơn là cả dự án hội nhập của Liên minh châu Âu (EU).

Tháng trước, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagard đã cảnh báo rằng các ngân hàng cần tái cấp vốn thì mới có khả năng đương đầu với các khó khăn hiện nay. Lập tức bà bị dư luận và nhiều chính quyền châu Âu cho là quá bi quan và “vơ đũa cả nắm"… Tuy nhiên theo các nhà tư vấn, các ngân hàng châu Âu đã bị khủng hoảng từ rất lâu. Năm 2009, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho các ngân hàng vay 450 tỷ Euro (hơn 540 tỷ USD) trong một năm để vượt qua sóng gió, Một năm sau (2010), tình trạng không được cải thiện và ngày càng thêm nguy ngập. Lý do của những khó khăn này rất nhiều.

Thứ nhất, do sự ra đời của đồng Euro vào năm 1999 và khả năng đi vay rất rẻ nhờ xương sống của đồng Euro là kinh tế Đức, các ngân hàng đã ào ạt bơm tín dụng và thổi lên trái bóng địa ốc còn lớn hơn trái bóng tại Hoa Kỳ.

Thứ hai, một số quốc gia lạc quan đem tiền từ nơi có lãi suất rẻ đầu tư vào nơi có lãi suất cao hơn. Nhờ vậy mà đồng Euro và đồng Franc Thụy Sĩ tràn vào các nước Đông Âu và Trung Âu. Thứ ba, hiện tượng “hồ hởi với Đông Âu” khiến nhiều ngân hàng của các nước tầm cỡ trung bình cũng trút tiền vào các dự án ở miền Đông và bị đọng vốn ở đó. Thứ tư, đây mới là lúc cơn bệnh châu Âu bị làn gió độc từ vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ thổi tới. Sau cùng, cũng phải nói đến yếu tố khách quan là nạn già hóa dân số với hậu quả kinh tế là yêu cầu về nhà ở không còn gia tăng mạnh như trước. Các hoạt động kinh tế vì vậy cũng đình trệ hơn.

Theo các nhà tư vấn, khủng hoảng tài chính châu Âu trầm trọng còn do một đặc tính khác với hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Xuất phát từ các quốc gia chia cách về địa lý, thậm chí đối nghịch về quyền lợi, ngân hàng châu Âu trở thành công cụ tư bản của từng những quốc gia có thế mạnh. Khi EU được thành lập và nay có 27 thành viên, trên nguyên tắc thì luồng vốn phải giao dịch tự do qua mọi biên giới. Nhưng trên thực tế, nước nào cũng bảo vệ quyền lợi riêng trong lĩnh vực ngân hàng. Như vậy, các cơ chế của châu Âu thống nhất, kể cả Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng không có khả năng phối hợp và điều tiết hệ thống ngân hàng vốn có quá nhiều khác biệt.

Bộ máy hành chính của EU tại Brussels có các quy định tỉ mỉ về từng vụ mua bán hợp pháp hay phi pháp nhưng vẫn không có thực quyền: khối quốc gia này thống nhất về kinh tế mà không thống nhất về chính trị. Khi cần bảo vệ quyền lợi riêng thì quốc gia nào cũng có quyền phủ quyết nên rất dễ gây ra ách tắc.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng thế, có thể bơm tiền cho các ngân hàng vay để mua trái phiếu chính phủ cho chính quyền từng nước tài trợ các mục chi tiêu công của mình, nhưng lại không có thẩm quyền cần thiết để ép các ngân hàng vì mọi quy định phải có sự đồng ý của tất cả. Và trên cùng, chẳng ai có thẩm quyền can dự vào chế độ ngân sách hay thuế khóa của mỗi nước.

Hậu quả là khi lập ra đồng Euro, từng quốc gia có thể trục lợi trong luồng trao đổi và vay mượn được thanh toán bằng một đồng tiền chung. Nhưng khi gặp khó khăn, như trường hợp Hy Lạp, thì các nước khác bị vạ lây mà không có khả năng cưỡng chế. Chính vì lý do đó mà nay đồng Euro bị khủng hoảng.

Như thế, có thể coi khủng hoảng tài chính châu Âu là một hình tháp có 3 mặt - khủng hoảng đồng Euro, khủng hoảng công trái và khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, điểm cốt lõi và căn bản nhất chính là khủng hoảng chính trị vì mâu thuẫn quyền lợi giữa các nước.

Ngân hàng của châu Âu không là những "cái hộp biệt lập" trong từng nước hay từng nhóm quốc gia có liên hệ về địa lý hay kinh tế mà là một tập thể kinh doanh có những quan hệ đầu tư chằng chịt với nhau. Chính vì vậy mà sự sụp đổ của ngân hàng này lại gieo họa cho một ngân hàng ở nước khác.

Khác với Hoa Kỳ, nơi doanh nghiệp chủ động tìm vốn trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp châu Âu lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Nếu ngân hàng sụp đổ thì nhiều doanh nghiệp khốn đốn và kinh tế châu Âu không có thể bị suy thoái.

Như vậy đây là một mạng lưới chằng chịt những quan hệ về đầu tư và tín dụng. Và quan hệ ấy không chỉ thu hẹp giữa 17 nước của khối Euro hay 27 nước của EU mà lan ra cả toàn cầu.

(Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm