Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bê bối chất lượng tại doanh nghiệp thép lớn thứ 3 Nhật Bản

Thứ ba, 24/10/2017 - 08:20

(Thanh tra)- Trong bối cảnh nền công nghiệp đang cạnh tranh gay gắt thì vụ bê bối tại hãng Kobe Steel (nhà sản xuất thép lớn thứ ba tại Nhật Bản) đã làm rung chuyển ngành công nghiệp thép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng về chất lượng sản phẩm mà các hãng Nhật Bản luôn được ví như những nhà sản xuất chất lượng hàng đầu thế giới.

Hiroya Kawasaki, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Kobe Steel, cúi đầu xin lỗi trước khi rời khỏi cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Shiho Fukada/Bloomberg

Một lần nữa, hình ảnh chủ doanh nghiệp Nhật Bản cúi đầu xin lỗi trên trang nhất các trang báo đã dấy lên mối lo ngại về đạo đức kinh doanh ngày nay tại Nhật.

Giám đốc hãng Kobe Steel thừa nhận công ty đã làm sai lệch dữ liệu vật liệu (đồng, nhôm, bột sắt), không đáp ứng được yêu cầu khoảng 500 khách hàng trong nhiều năm qua. Theo JFE Steel Corp (một hãng sản xuất khác), bột quặng sắt chủ yếu được sử dụng trong sản xuất động cơ, bánh lái, cũng như hệ thống phanh, hệ thống treo và hệ thống truyền động. Đặc biệt, có thông tin về những bộ phận kém chất lượng được sử dụng trong tàu điện ngầm cao tốc ‘Shinkansen’ của Nhật Bản đã khắc thêm vết nhơ lên biểu tượng chất lượng ‘Made in Japan’.

Vụ tiết lộ này là đòn giáng mạnh vào uy tín các công ty trong ngành thép Nhật Bản, và dù hãng Kobe Steel vẫn khẳng định vào sự an toàn của sản phẩm, nhưng phát ngôn viên của hãng Yoshitsugu Nishimura đã xác nhận với Bloomberg rằng cổ phiếu của hãng đã sụt giảm 15% tại Tokyo, kéo giá trị thị trường Kobe Steel giảm khoảng 1,5 tỷ USD.

Giáo sư danh dự Koji Morioka tại Đại học Kansai cho biết: ‘Trước đây, chất lượng sản phẩm Nhật Bản luôn có uy tín trên toàn cầu. Nhưng giờ, mọi thứ đã thay đổi khi nhà máy thì xây dựng ở nước ngoài, quá trình sản xuất lại được thực hiện bởi nhân công nước ngoài…’.

Các chuyên gia nhận xét vụ việc xảy ra khi nền công nghiệp toàn cầu đang trải qua những biến đổi sâu rộng, và những tai tiếng tương tự không chỉ xảy ra với doanh nghiệp Nhật Bản mà còn ở quốc gia láng giềng Hàn Quốc.

Cuối tuần trước, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics và Giám đốc điều hành Kwon Oh-hyn đã từ chức trong phiên tòa xét xử tham nhũng xoay quanh ban lãnh đạo tập đoàn. Mặc dù báo cáo sơ bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Samsung tăng gấp 3 lần, đạt mức kỷ lục là 12,8 tỷ USD vào cuối quý 3, nhưng theo ông Kwon: ‘Tập đoàn hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nội bộ chưa từng có và tôi tin rằng đã đến lúc phải xây dựng lại hình ảnh mới trẻ trung hơn, đáp ứng tốt hơn với thách thức phát sinh từ ngành công nghiệp công nghệ thông tin’.

Tháng 8/2017, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics là Jay Y. Lee (Thái tử Lee) đã bị kết án 5 năm tù vì tội hối lộ. Thái tử Lee đã kháng cáo và phủ nhận mọi cáo buộc. Vụ bắt giữ khiến Lee đã bỏ lỡ sự ra mắt của 2 chiếc điện thoại mới, 3 kỷ lục doanh thu trong quý gần nhất (từ tháng 7 - 9/2017) và kỷ lục doanh thu dự tính quý 4, vì có thể ông sẽ phải ngồi tù ít nhất đến phiên tòa phúc thẩm tháng 2/2018. Lượng cổ phần của ông này tại Samsung mặc dù chỉ chiếm dưới 1% nhưng trị giá đến 2 tỷ USD. Ông Lee cũng nhận ít nhất 10,5 triệu USD cổ tức từ Samsung trong suốt thời gian bị giam giữ và 837 triệu won (khoảng 740 nghìn USD) trong nửa đầu năm 2017. Ngoài ra, ông này còn nắm giữ cổ phần tại các công ty con khác của Samsung.

Giáo sư Koji Morioka nhấn mạnh: ‘Việc tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu và động lực cắt giảm chi phí đã khiến tình hình sản xuất ở các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi quá trình toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra, các nền kinh tế mới nổi dần trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn’. 

Lực lượng lao động Nhật Bản đang đối mặt với lực lượng lao động giá rẻ ở các thị trường mới nổi. Người lao động có kinh nghiệm cùng với những bản hợp đồng dài hạn thay bằng bản hợp đồng ngắn hạn với lực lượng tập sự tạm thời trong bối cảnh chỉ đòi hỏi tăng cao năng suất. Việc này dẫn đến hệ lụy là doanh nghiệp mới chiếm dần thị phần từ các doanh nghiệp truyền thống. Ví dụ, trong ngành sản xuất thép, các đối thủ đến từ Ấn Độ và Trung Quốc đang dần mở rộng thị trường, gây áp lực cho doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, các tập đoàn sản xuất ô tô của Nhật Bản mở rộng sản xuất ở nước ngoài nhiều hơn là sản xuất trong nước. 

Vụ tai tiếng của Kobe Steel chỉ là vụ việc mới nhất, nối dài thêm chuỗi tiêu cực của ngành công nghiệp đã từng là biểu tượng không chỉ tại Nhật Bản.

Năm 2017, hãng sản xuất túi khí Takata phá sản sau nhiều năm liên tiếp đối phó với các sản phẩm lỗi liên quan đến 16 ca tử vong và nhiều người bị thương trên toàn thế giới. 

Năm 2016, Mitsubishi Motors thừa nhận gian dối trong kết quả kiểm tra nhiên liệu, làm thay đổi dữ liệu quãng đường đi trong các bài kiểm tra thực nghiệm cho kết quả tiêu hao nhiên liệu tốt hơn so với thực tế. Vụ bê bối khiến hãng này phải đền bù khoảng 50 tỷ Yên (khoảng 440 triệu USD) cho chủ nhân của những chiếc xe nội địa bị bóp méo số liệu tiêu thụ nhiên liệu. 

Sadyuki Sakakibara, Chủ tịch các cuộc vận động hành lang kinh tế Keidanren nói rằng: ‘Niềm tin của toàn thế giới vào ngành sản xuất Nhật Bản dựa trên chất lượng vượt trội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng với những sự vụ như thế này’.

Các vụ bê bối như trên không chỉ xảy ra tại châu Á. Năm 2015, Volkswagen (Đức) từng bị phanh phui vì sử dụng phần mềm gian lận mức khí thải thực tế so với các bài kiểm tra của cơ quan chức năng khiến cho ngành công nghiệp xe hơi của Đức điêu đứng. Số tiền nộp phạt riêng ở thị trường Mỹ cho sự vụ này lên tới 18 tỷ USD, chưa kể chi phí triệu hồi xe khoảng 8 tỷ USD. Hậu quả nặng nề kéo theo là Giám đốc điều hành cùa Volkswagen mất chức, bị điều tra và doanh số Volkswagen sụt giảm, nhường lại vị trí cao nhất thế giới cho Toyota chỉ sau 3 tháng nắm giữ.

Năm 2014, General Motors thu hồi hàng triệu phương tiện do lỗi liên quan đến 124 ca tử vong, sau khi che giấu hàng loạt các vấn đề liên quan trong hơn 10 năm.

Trớ trêu thay, giới phân tích lại chỉ ra rằng, việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt ở Nhật Bản có thể chính là cội rễ của vấn đề. Vụ bê bối của Nissan dấy lên quan ngại về các bài kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với thị trường trong nước nhưng lại không áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu.

Nobuo Gohara, luật sư phân công hỗ trợ việc vực lại doanh nghiệp sau bê bối cho biết: ‘Những vụ việc trên bắt nguồn từ các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt hoặc an toàn quá mức ở Nhật. Người lao động cho rằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn trên chỉ mang tính hình thức chứ không phải là yêu cầu thực tế bắt buộc và bắt đầu hành vi gian lận từ các cuộc kiểm tra nội bộ. Lối suy nghĩ này giống như một lối mòn và ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong nội bộ hãng đó và nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng này, sai phạm sẽ diễn ra ở hầu hết các hãng sản xuất tại Nhật Bản’.

Lao động trẻ Nhật Bản có xu hướng nhạy cảm hơn với các cuộc điều tra nhân viên tiến hành bởi các chuyên gia đánh giá ngoài. Điều này có thể khuyến khích họ tố giác sai phạm nhưng việc tố giác sẽ không như mong đợi, khi các hành vi sai phạm diễn ra thường xuyên, tiến hành một cách có hệ thống bởi nhiều người, bao gồm cả bản thân những người tố giác. Thêm vào đó, những người tố giác ở Nhật Bản không được bảo vệ một cách chính thức và nền văn hóa tôn trọng về thứ bậc, địa vị đã ngăn cản những phát ngôn từ phía người lao động.

Võ Như Uyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm