(Thanh tra) - Hôm nay (7/4), bắt đầu diễn ra cuộc bầu cử tại Ấn Độ. Kết quả của hầu hết các cuộc thăm dò dư luận từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay đều nghiêng về Liên minh dân chủ Quốc gia (NDA) đối lập, do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, với chiến dịch tranh cử ấn tượng của ứng cử viên Narendra Modi, Thủ hiến bang Gujarat.
Dân số Ấn Độ vào khoảng 1,2 tỷ người, xấp xỉ bằng tổng dân số của Mỹ và Liên minh châu Âu gộp lại. Tuy nhiên, 2/3 số người dân nước này có mức thu nhập trung bình thấp, vào khoảng 2 đô la Mỹ/ngày.
Theo các quan chức Ấn Độ, cuộc bầu cử năm nay có 815 triệu cử tri có đủ điều kiện để bỏ phiếu, quyết định chọn 543 nhà lập pháp cho đất nước (tăng gần 100 triệu cử tri so với cuộc bầu cử năm 2009). Theo dự kiến, cuộc bầu cử chia thành 9 giai đoạn, được tổ chức trong vòng 5 tuần, khu vực mở màn là bang Assam.
Tiến trình bầu cử tại Ấn Độ rất phức tạp và kéo dài. Riêng tại bang Assam, việc bầu chọn chỉ có 14 Hạ Nghị sỹ cũng phải chia làm 3 giai đoạn, vào các ngày 7/4 ở 5 khu vực gồm Tezpur, Kaliabor, Jorhat, Dibrugarh và Lakhimpur; các khu vực còn lại sẽ tiến hành bầu cử trong 2 giai đoạn tiếp theo vào ngày 12/4 và 24/4. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 16/5 tới.
Đảng nào giành được đa số tối thiểu 272 ghế mới được đứng ra thành lập Chính phủ độc lập, nếu không, các đảng phải thiết lập liên minh hoặc tranh thủ sự ủng hộ của một đảng cho đủ số ghế theo quy định mới được phép thành lập Chính phủ.
Những tuần gần đây, giá cổ phiếu và tiền tệ của Ấn Độ tăng mạnh do triển vọng tương lai với mục tiêu ổn định và phục hồi nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á do Đảng Bharatiya Janata Modi đưa ra. Phần lớn người dân Ấn Độ đều cho rằng, Đảng cầm quyền - Đảng Quốc đại đã khiến cho đất nước thụt lùi với tình trạng hối lộ phổ biến, cũng như tỷ lệ lạm phát đang ở mức độ báo động khi đứng ở vị trí số 1 châu Á, khiến cho nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Các nhà phân tích nhận định việc “thay mới” Chính phủ sẽ mang lại “lợi ích tốt nhất” cho người dân. Nhà kinh tế học đến từ Ngân hàng HSBC Holding Plc hy vọng rằng, những thách thức tăng trưởng lạm phát mà Chính phủ mới phải đối mặt sẽ khiến các nhà lập pháp thay đổi những điều cần thiết để cải thiện nền kinh tế.
Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông tại New Delhi, Ấn Độ, đây sẽ là cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước này, với chi phí mà các Đảng chính trị cùng các ứng cử viên phải bỏ ra, lên đến 300 tỷ rupe (5 tỷ USD). Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử chi cho mỗi ứng cử viên tham gia khoảng 7 triệu rupe, một số tiền quá nhỏ và thường không đủ chi.
Hôm nay (7/4), cuộc bỏ phiếu bắt đầu diễn ra tại các bang Đông Bắc Assam và Tripura. Việc thu thập phiếu tại quốc gia có diện tích lớn đứng thứ 7 thế giới không phải là điều dễ dàng. Ủy ban Bầu cử phải đi qua rừng, sa mạc, biển để đến những điểm bỏ phiếu (cứ 1,2km là có 1 điểm bỏ phiếu). Tại Tripura, một tiểu bang giáp biên giới Bangladesh, 10.000 nhân viên an ninh đã được huy động để bảo vệ 1.605 điểm bỏ phiếu.
Trong khi đó, tại Arunachal Pradesh, một bang phía Bắc giáp Trung Quốc cũng đang tiến hành bỏ phiếu trong 2 ngày, với tình hình khá khó khăn. Được biết, Ủy ban Bầu cử địa phương đã phải cho mang theo thiết bị điện tử đến một ngôi làng miền núi thuộc tiểu bang, để thiết lập một trạm bỏ phiếu dành cho cử tri địa phương. 7 nhân viên Chính phủ sẽ giám sát quá trình bỏ phiếu tại làng miền núi này.
Theo Ủy ban Bầu cử Ấn Độ, tổng cộng có 919.000 điểm bỏ phiếu được thiết lập và 3,6 triệu máy bỏ phiếu điện tử sẽ được phục vụ cho cuộc bầu cử lần này. Con số trên cao hơn nhiều so với con số thống kê năm 2009, với 800.000 điểm bỏ phiếu và 2 triệu máy bỏ phiếu.
Ông Narendra Modi, 63 tuổi, được biết đến là một chính trị gia với những chính sách quyết đoán, cứng rắn, góp phần quan trọng vào sự thành công tăng trưởng kinh tế vượt bậc tại bang Gujarat, nơi ông làm Thủ hiến từ năm 2001. Bang Gujarat đã đạt mức tăng trưởng GDP hai con số liên tục trong thập niên qua, trở thành bang đầu tàu trong nền kinh tế Ấn Độ. Thành tích này đã góp phần không nhỏ nâng uy tín của ông Modi và BJP được lợi khi chọn ông làm ứng cử viên Thủ tướng để dẫn dắt chiến dịch tranh cử của BJP nói riêng và của NDA nói chung.
Bên cạnh đó, BJP cũng gặp thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài do bất đồng nội bộ và sự nổi lên của các đảng khu vực. Ông Narendra Modi không được lòng người Hồi giáo do cuộc bạo loạn tại bang Gujarat chống người Hồi giáo năm 2002 làm hàng trăm người thương vong. Chính vì vậy, ông đã chọn địa điểm tranh cử tại Varanasi để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Hindu.
Trong khi đó, Đảng Quốc đại, do bà Sonia Gandhi đứng đầu, đã tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Hồi giáo. Trong cương lĩnh tranh cử, Đảng Quốc đại đã cam kết sẽ có kế hoạch phát triển toàn diện, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giảm nghèo đói, triển khai các chương trình chăm sóc y tế, chế độ hưu bổng và các sáng kiến khác có lợi cho người dân; tăng chi phí y tế lên tương đương 3% GDP; cam kết nâng tăng trưởng kinh tế lên 8% trong 3 năm tới, tạo 100 triệu việc làm, triển khai các biện pháp kiên quyết nhằm kiềm chế lạm phát, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài,…
Tuy nhiên, những điều được nêu trong cương lĩnh tranh cử của Đảng Quốc đại không được đánh giá cao, vì đa số người dân không tin vào “lời nói suông” của bà Sonia Gandhi sau khi chứng kiến sự đi xuống trầm trọng trong mọi lĩnh vực của Ấn Độ những năm gần đây.
Minh Việt