Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bắt đầu tấn công giới quyền lực

Chủ nhật, 04/12/2016 - 06:35

(Thanh tra)- Tòa án Hình sự chống tham nhũng Afghanistan mấy ngày nay đang ngập trong “núi” công việc bởi phải chuẩn bị hồ sơ cho những phiên xét xử công khai đầu tiên nhằm vào các đối tượng bị cáo buộc tham nhũng, biển thủ. Đây cũng là bước khởi đầu cho một chặng đường dài chống tham nhũng, làm trong sạch Chính phủ của một trong những quốc gia luôn bị xếp hạng là tham nhũng nhất thế giới.

Thẩm phán Mohamed Alif Urfani. Ảnh: AFP

Trung tâm Tư pháp hình sự chống tham nhũng, trực thuộc Ủy ban Phòng ngừa tham nhũng Afghanistan, được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Ashraf Ghani, có nhiệm vụ điều tra và xét xử công khai những đối tượng có chức có quyền nhưng lại có hành vi tham nhũng, hoặc điều tra và xét xử những vụ tham nhũng lớn. "Đây là thời điểm rất quan trọng, đánh dấu sự chấm dứt cho cái gọi là "thiếu sự trừng phạt". Giờ đây, mọi người hãy tin rằng, cơ quan phòng, chống tham nhũng Afghanistan sẽ điều tra và xét xử công khai những đối tượng tham nhũng ở cấp cao nhất, kể cả những cựu bộ trưởng, những nhân vật quan trọng mà từ trước đến nay chưa bị "sờ" đến, thì nay sẽ phải ra hầu tòa nếu bị điều tra và kết luận là có hành vi hoặc dính líu tới các hành vi tham nhũng", Yama Torabi - Chủ tịch Ủy ban Phòng ngừa tham nhũng Afghanistan (MEC - tổ chức chống tham nhũng độc lập) khẳng định.

Chủ tịch MEC Yama Torabi cho biết thêm, Trung tâm Tư pháp hình sự chống tham nhũng, do Mohamed Alif Urfani - thẩm phán rất giỏi và rất cương trực đứng đầu, sẽ chịu trách nhiệm điều tra và xét xử tất cả các vụ việc tham nhũng liên quan tới giới lãnh đạo cấp cao và những vụ việc tham nhũng lớn (nhiều cá nhân, tổ chức liên quan, gây thiệt hại nặng nề về tiền của).

Trung tâm tập hợp những chuyên gia chống tham nhũng ở mọi ngành nghề, gồm tòa án, kiểm sát, cảnh sát hình sự, hoạt động độc lập không phụ thuộc vào bộ nào, cũng không phụ thuộc vào Chính phủ. Ngay cả Tổng thống, người ra sắc lệnh thành lập Trung tâm Tư pháp hình sự chống tham nhũng, cũng không được can thiệp hay hủy bỏ các cuộc điều tra, các phiên xét xử chống tham nhũng do Trung tâm tiến hành.

Mohamed Alif Urfani, thẩm phán 32 tuổi, người đứng đầu Trung tâm Tư pháp hình sự chống tham nhũng, cùng đội ngũ nhân viên đang miệt mài chuẩn bị hồ sơ cho những phiên xét xử đầu tiên các nhân vật quyền lực tham nhũng. Để công việc được tiến triển tốt và không chịu áp lực cũng như các mối đe dọa, toàn bộ Trung tâm được đặt trong một tòa nhà xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, xung quanh là một đội quân bảo vệ được trang bị "tận răng" với những loại thiết bị tối tân nhất.

Theo ông Mohamed Alif Urfani, có 2 mối đe dọa lớn nhất đối với công việc xét xử chống tham nhũng mà ông và các cộng sự đang theo đuổi. Thứ nhất, đó là những quan chức Chính phủ. Họ sợ những phiên xét xử tham nhũng sẽ động chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ hoặc đến người thân của họ. Thứ hai, đó là phiến quân Taliban. Họ không sợ những phiên xét xử, mà sợ những phiên xét xử sẽ loại bỏ đi những quan chức biến chất (rất dễ bị Taliban mua chuộc), sẽ làm trong sạch bộ máy Chính phủ, sẽ làm Chính phủ ngày càng mạnh lên. "Bản thân tôi và gia đình cũng đang được bảo vệ một cách an toàn nhất. Mặc dù tôi chưa nhận được lời đe dọa trực tiếp nào, nhưng tôi biết, công việc mà chúng tôi đang làm đang gây áp lực rất lớn đối với các quan chức biến chất. Họ có quyền, có tiền nên họ có thể làm mọi cách để ngăn chặn các cuộc điều tra, các phiên xét xử chống tham nhũng. Gần đây nhất, khi chúng tôi thực hiện lệnh bắt giữ một tướng 3 sao của Bộ Quốc phòng vì dính líu tới tham nhũng, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi mang tính chất đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ điều tra đến cùng và nếu vị tướng 3 sao này có tội, chúng tôi sẽ đưa ra xét xử công khai với mức án nghiêm khắc nhất", Thẩm phán Mohamed Alif Urfani cho biết.

Trung tâm gồm 35 người, trong đó có 14 thẩm phán. Trung tâm cũng có riêng một tòa án hình sự chuyên để xét xử các đối tượng tham nhũng. Tất cả nhân viên của Trung tâm đều được tuyển chọn kỹ lưỡng từ hồ sơ nhân thân cho đến năng lực nghiệp vụ và đặc biệt là phải có đức tính trung thực. Hiện nay, Trung tâm đang xử lý 55 vụ việc liên quan đến 31 đối tượng đang bị tạm giam, liên quan đến 5 bộ (trong đó có Bộ Phát triển Đô thị vì cáo buộc biển thủ khoảng 100 triệu USD), đến Ngân hàng Trung ương Afghanistan và đến đơn vị phụ trách cấp chứng minh thư cho người dân Afghanistan.

Thẩm phán Mohamed Alif Urfani cho rằng, người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế hiện rất mong ngóng những phiên xét xử đầu tiên đối với các quan chức tham nhũng. "Có những vụ việc rất phức tạp, việc điều tra và thu thập hồ sơ, chứng cứ, nhân chứng và vật chứng mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, để đưa được 1 bộ trưởng ra tòa, trước hết phải có được các bằng chứng xác thực và bắt giữ được những người liên quan. Đối tượng liên quan càng ở cấp cao, thì những nhân chứng càng sợ ra làm chứng, vì họ sợ những người thân của đối tượng liên quan trả thù. Nếu vội vàng, chúng ta sẽ mất tất cả", ông Alif Urfani chia sẻ về việc chậm chễ đưa các quan chức tham nhũng ra xét xử.

Việc đưa ra xét xử công khai các quan chức tham nhũng không chỉ nhận được sự quan tâm của người dân Afghanistan mà còn nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Thậm chí, một số Đại sứ quán tại Afghanistan như Mỹ, Anh, Hà Lan đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho Trung tâm Tư pháp hình sự chống tham nhũng để "yên tâm và công tâm hơn" trong những cuộc điều tra và những phiên xét xử chống tham nhũng. "Chúng tôi mong chờ những thay đổi thực sự trong phòng, chống tham nhũng ở Afghanistan. Tham nhũng giờ không còn là chuyện nhỏ ở quốc gia này. Hiện có rất nhiều công chức ở hầu hết các bộ, ngành, kể cả quân đội và công an có hành vi tham nhũng, đòi hối lộ, nhũng nhiễu không chỉ với cá nhân, tổ chức trong nước mà với cả cá nhân, tổ chức quốc tế. Thậm chí, có những công chức làm ở những đơn vị thụ hưởng tài trợ của cộng đồng quốc tế, nhưng họ vẫn "hạch sách" ngay cả với những cá nhân, tổ chức đã tài trợ cho chính họ", Franz Michael Mellbin - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Afghanistan chia sẻ.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm