Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 21/08/2019 - 06:32
(Thanh tra)- Cùng nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia, bao gồm cả các “con hổ” châu Á, là: Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ cuộc khủng hoảng trong mối liên hệ với tham nhũng?
Ảnh: Herald
Bài học là, các quốc gia bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng là những quốc gia tham nhũng nhất. Tham nhũng; cấu kết, thông đồng và chủ nghĩa thân hữu làm trầm trọng thêm các vấn đề của họ.
Những tác động tiêu cực của tham nhũng
Tham nhũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất làm chậm tiến độ để các nước đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.
Tham nhũng không phải hiện tượng mới. Bởi vậy, các quốc gia không cần phải tạo lập một bộ máy chống tham nhũng mới, mà cần phát huy vai trò của các bộ máy hiện có, tăng sức chiến đấu để đạt được thành công trong cuộc chiến đầy khó khăn này.
Tất cả chúng ta đều muốn một chính phủ tốt, trung thực, trong sạch và đáng tin cậy, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người. Những ảnh hưởng của tham nhũng đã được biết đến và ghi nhận dưới nhiều dạng thức, cả về kinh tế và xã hội. Hầu hết các học giả đồng ý rằng, mọi tác động của tham nhũng đều là tiêu cực.
Tham nhũng làm nền kinh tế trì trệ, tăng trưởng khó khăn và làm tăng bất bình đẳng giữa các công dân. Chính phủ trở nên rối loạn vì tham nhũng làm giảm doanh thu thuế. Do đó, hiệu quả của các chương trình khác nhau mà chính phủ đưa ra cũng bị giảm.
Xã hội nói chung bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tham nhũng, vì nó làm giảm niềm tin vào pháp luật và giáo dục. Chất lượng cuộc sống như tiếp cận cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe bị giảm. Do đó, điều quan trọng là phải tìm cách đối phó với tham nhũng.
Hoàn thiện luật chống tham nhũng
Trước tiên, cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tham nhũng.
Nguyên nhân phổ biến nhất của tham nhũng là những yếu tố môi trường chính trị và kinh tế. Bên cạnh đó là đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, thói quen, phong tục, truyền thống.
Singapore là một điểm sáng về chống tham nhũng. Ngay từ ban đầu, Singapore đã nhận thức được rằng, các quan chức quyền lực nhỏ có mức lương thấp, khiến họ không thể sống được bằng tiền lương là một khởi nguồn cho tham nhũng.
Theo ông Lý Quang Diệu, vị Thủ tướng đầu tiên (1959 - 1990) của Singapore, quốc đảo này đặc biệt chú ý đến các lĩnh vực mà quyền được tự do làm theo ý mình đã bị lợi dụng để trục lợi cá nhân. Những công cụ sắc bén đã được hình thành để có thể ngăn ngừa, phát hiện và cản trở các hành vi đó.
Cơ quan quan trọng được giao trách nhiệm nặng nề là Cục Điều tra tham nhũng (CPIB). Từ khi mới thành lập, CPIB đã tập trung vào những “con cá lớn”. Và, đối với những con cá nhỏ hơn, cơ quan này đã tiến hành đơn giản hóa các thủ tục và loại bỏ việc tự do làm theo ý mình bằng cách đưa ra các hướng dẫn công khai, rõ ràng, yêu cầu phải có giấy phép hoặc có sự phê duyệt trong các khu vực ít quan trọng hơn.
Một điểm khác cần phải học tập đó là luật chống tham nhũng. Ở Singapore, luật về chống tham nhũng được thắt chặt để bảo đảm các bản án được áp dụng, thực thi. Ví dụ, bằng cách mở rộng định nghĩa về “tiền thưởng thêm”, là bao gồm bất cứ thứ gì có giá trị; những sửa đổi về luật đã trao quyền rộng rãi cho các nhà điều tra như: được bắt giữ, tìm kiếm và truy cập vào tài khoản ngân hàng của nghi phạm, vợ, con cái, người đại diện của họ.
Một luật quan trọng khác được ban hành vào năm 1960, cho phép các tòa án được sử dụng bằng chứng cho thấy một người bị cáo buộc đang sống vượt quá khả năng của mình hoặc sở hữu tài sản vượt quá thu nhập của mình như bằng chứng chứng minh bị cáo đã nhận hối lộ. Trên hết, luật pháp bắt buộc các nhân chứng được CPIB triệu tập phải đến và đưa ra bằng chứng.
Thù lao tương xứng, bầu cử trong sạch
Trong việc làm trong sạch nền chính trị, Singapore đã tránh sử dụng tiền để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Điều này tránh được cái gọi là “nền dân chủ thương mại”.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã lưu ý, điều tiên quyết đối với một chính phủ trung thực là các ứng cử viên không cần phải có một khoản tiền lớn để được bầu, hoặc phải kích hoạt vòng quay tham nhũng, khi họ tìm cách để thu lại các khoản đã chi phí cho bầu cử.
Từ điều này có thể thấy rằng, một hệ thống bầu cử trong sạch và bầu cử không cần tiền bạc có thể giúp duy trì một chính phủ trung thực. Quan trọng nhất, một hệ thống như vậy chỉ có thể được duy trì nếu có những ứng viên trung thực và giàu năng lực sẵn sàng tham gia chính trị và đảm nhận chức vụ. Để đạt được điều đó, họ phải được trả lương tương xứng với những gì mà những người có phẩm chất, năng lực như họ nhận được trong khu vực tư nhân.
Còn nếu chúng ta trả lương thấp cho những người tài giỏi và liêm chính như vậy, thì thật khó để giữ chân họ ở lại. Và kết quả là, thực tế ở châu Á, những nơi mà các bộ trưởng, công chức bị trả lương thấp đã khiến chính phủ của họ bị thất bại.
Thù lao tương xứng là rất quan trọng. Singapore đã đưa ra một công thức để giải quyết vấn đề này. Họ đã chốt mức lương của các công chức và chính trị gia ngang bằng với những người tương tự như họ đang làm việc trong khu vực tư nhân.
Tăng sức mạnh cho cơ quan chống tham nhũng
Và, Singapore đã có thể vượt qua khủng hoảng tài chính năm 1997 nhờ không có tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Còn Indonesia, đất nước vốn bị thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng, đã sáng suốt khi thành lập Ủy ban Chống tham nhũng rất hùng mạnh với quyền hạn được bắt giữ, truy cập điện thoại của nghi phạm và truy tố họ.
Ủy ban này đã đạt được tỷ lệ kết án tới 98% và chủ yếu là nhằm vào “cá lớn”. Công việc của Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia được ghi nhận và ủng hộ, tới mức, các nhà lập pháp nước này luôn vấp phải sự bất hòa với công chúng mỗi khi họ cố gắng làm suy giảm sức mạnh của Ủy ban.
Cải cách toàn diện
Georgia - đất nước nằm tại giao giới của Tây Á và Đông Âu cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong chống tham nhũng. Để bảo đảm cải cách chống tham nhũng của Georgia là bền vững và tăng trách nhiệm giải trình, Georgia đã thực hiện cải cách hành chính công toàn diện. Qua đó, tăng cường giáo dục các công chức và công khai các nỗ lực chống tham nhũng trên toàn Chính phủ. Thực hiện và giám sát các chính sách chống tham nhũng quốc gia. Thêm vào đó, bảo đảm các cuộc điều tra diễn ra tích cực, độc lập và truy tố các vụ tham nhũng ở tất cả các cấp.
Nhờ những nỗ lực này, Georgia đã có thể thiết chặt luật pháp, buộc các công ty của Georgia phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ. Hay nói cách khác, Georgia đã có thể phát triển một chiến lược chống tham nhũng quốc gia mới, hình sự hóa hối lộ chủ động và thụ động; thực thi pháp luật hình sự; đàn áp tham nhũng trong khu vực công thông qua công khai, minh bạch tài sản của các quan chức; tăng cường bảo vệ người tố giác và cải thiện các biện pháp kiểm soát, mua sắm tài chính công.
Hoài Phương
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình