Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bà Le Pen và giấc mơ trở thành Tổng thống Pháp còn dang dở của cha

Thứ hai, 24/04/2017 - 14:33

Nếu trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Pháp, bà Marine Le Pen sẽ hiện thực hóa được giấc mơ còn dang dở của người cha 15 năm về trước.

Bà Marie Le Pen. Ảnh: AFP

Trưởng thành từ bi kịch gia đình

Tuổi thơ sóng gió đã hình thành lên một Marine Le Pen hết sức cứng rắn và kiên cường. Năm bà lên 8 tuổi, một quả bom nổ ngay tại khu chung cư nơi gia đình bà sinh sống. May mắn là gia đình bà không có ai bị thương.

Tám năm sau, mẹ của bà, bà Pierrette ly dị chồng và bỏ lại 3 cô con gái cho chồng chăm sóc. Không lâu sau đó, bà Pierrette khiến cả gia đình bị sốc khi chụp ảnh khỏa thân cho tạp chí Playboy. “Đó là một cú sốc rất lớn đối với chúng tôi”, bà Le Pen chia sẻ trên truyền hình Pháp năm 2016 và cho biết, trong suốt 15 năm qua, bà chưa từng gặp lại mẹ mình.

Tuy nhiên, cũng như mẹ mình, bà Le Pen cũng đã ly dị chồng. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ sai lầm của người mẹ, bà Le Pen đã kiên quyết giành quyền chăm sóc cả 3 người con của mình.

Thậm chí, để tránh con cái của mình có thể bị tổn thương vì chuyện tình cảm của mình với người tình là ông Luis Aliot- Phó Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia- bà Le Pen cũng hạn chế tối đa việc hình ảnh của bà và ông Aliot cùng xuất hiện trên mặt báo.

Giấc mơ có tiếp tục dang dở?

Năm 2002, cha bà, ông Jean-Marie Le Pen đã thất bại trong vòng đua cuối cùng để trở thành Tổng thống Pháp. Bà Marie Le Pen lúc đó đã “gạt nước mắt” và thề rằng, bi kịch đó sẽ không lặp lại với mình.

Kết quả bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra ngày 23/4/2017 cho thấy bà đã phần nào đạt được mục tiêu của mình. Tuy vậy, nỗi đau thất bại của người cha vẫn ám ảnh khi bà Marie Le Pen dù vào được vòng 2 nhưng vẫn phải chấp nhận đứng sau ông Emmanuel Macron với 2 điểm phần trăm (kết quả vòng 1: Emmanuel Macron 23,7%- Marie Le Pen 21,7%).

Đáng lo hơn nữa, chính những người ủng hộ bà Le Pen cũng thừa nhận rằng, bà đang phải đối mặt với một “đối thủ cứng cựa”. Ông Emmanuel Macron- một người trẻ trung hơn so với bà Le Pen- đang thu hút được sự ủng hộ ngày càng gia tăng của cử tri Pháp.

Những người ủng hộ bà Le Pen thích một kịch bản khác hơn là việc bà Le Pen chỉ về thứ 2. Hơn nữa, theo những người này, tốt nhất là bà Le Pen có thể tránh được việc phải đối mặt với ông Macron- một người mà họ cho rằng “hết sức khó lường”.

Không chỉ có vậy, bà Le Pen bước vào “trận đánh cuối cùng” khi Đảng Mặt trận Quốc gia của bà đang đứng trước khả năng bị điều tra và bản thân bà Le Pen cũng dính vào bê bối trong quá trình gây quỹ vận động tranh cử.

“Donald Trump của nước Pháp”

Trong 6 năm qua, bà Le Pen đã dày công biến Mặt trận Quốc gia trở thành đảng tiên phong trong các phong trào chống toàn cầu hóa và chống lại các giá trị cốt lõi về kinh tế, chính trị và xã hội của phương Tây. Mặt trận Quốc gia cũng là đảng công khai ủng hộ việc Anh rời khỏi EU (Brexit) và hoan nghênh việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.

Bản thân Le Pen cũng dự đoán EU “rồi cũng chết mà thôi” và cam kết sẽ đưa nước Pháp rời khỏi EU (Frexit) bất chấp những lo ngại của người dân rằng việc quay trở lại dùng đồng franc sẽ khiến nền kinh tế Pháp rơi vào hỗn loạn.

Ngoài ra, cũng giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Le Pen là một người ủng hộ việc thắt chặt nhập cư và chống IS mạnh mẽ nhất sau thảm kịch khủng bố ở Paris hồi năm 2015 khiến 239 người thiệt mạng cũng như vụ tấn công gần đây nhất tại Đại lộ Champs Elysees khiến một sĩ quan cảnh sát Pháp bị bắn chết chỉ 3 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.

“Tôi sẽ không để những kẻ khủng bố nhập cư vào Pháp và gây ra một vụ Bataclan thứ 2 (ám chỉ vụ tấn công khủng bố làm rung chuyển Paris năm 2015)”, bà Le Pen tuyên bố.

Chính sách “đặt nước Pháp lên hàng đầu”

Kể từ khi thành lập năm 1972, Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp- nơi tập trung những người phản đối việc Pháp trao quyền độc lập cho Algeria- đã tiến những bước hết sức mạnh mẽ trên chính trường Pháp.

Dưới sự lãnh đạo của bà Le Pen, Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp cũng gặt hái được nhiều thành công khi lên tiếng ủng hộ những chính trị gia công khai tuyên bố mình đồng tính.

Tuy nhiên, Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp cũng hứng chịu không ít búa rìu dư luận khi một vài trợ lý của bà Le Pen từng cùng những nhóm sinh viên tham gia các cuộc biểu tình bạo lực theo chủ nghĩa dân tộc tại Pháp.

Hơn thế nữa, khẩu hiệu “Đây là đất nước của chúng ta” mà những người ủng hộ Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp hô vang mỗi khi đi tuần hành bị cho là chỉ để thu hút những kẻ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cứng rắn chống lại việc nhập cư.

Cũng như ông Trump, bà Le Pen từng cam kết sẽ khôi phục được “ánh sáng vinh quang” cho nước Pháp với chính sách “kinh tế ái quốc”. Theo đó, không chỉ đề xuất rút khỏi EU, bà Le Pen còn thúc đẩy chính sách “đặt nước Pháp lên hàng đầu” trong vấn đề việc làm và nhà ở. Ngoài ra, bà cũng đề xuất đánh thuế tới 35% đối với các công ty của Pháp làm ăn ở nước ngoài và thuê nhân công là người nước ngoài./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm