Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ấn Độ: Tham nhũng vẫn là vấn nạn sau lệnh cấm tiền mặt

Thứ ba, 05/09/2017 - 06:35

(Thanh tra)- Gần 1 năm sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm tiền mặt mệnh giá cao nhằm giải quyết tham nhũng tràn lan, kết quả thu được không như mong đợi. Tham ô, hối lộ tiếp tục là vấn nạn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này. Đây cũng là cảnh báo từ một công ty quản lý rủi ro của Mỹ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ.

Ảnh: Bloomberg

Quà tặng là đất đai, nhà cửa, đồng hồ sang trọng hay các chuyến du lịch đắt tiền ở nước ngoài đang là hình thức hối lộ được ưa chuộng tại Ấn Độ trong bối cảnh các cơ quan thuế trong nước thực hiện việc hạn chế các giao dịch tiền mặt có trị giá cao. 

Đối với nền kinh tế "ngầm" lớn của Ấn Độ mà Công ty Tư vấn quản lý quốc tế McKinsey & Co ước tính chiếm 1/4 nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỉ USD, lệnh cấm tiền mặt hầu như không mang lại hiệu quả.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Mumbai, Tarun Bhatia, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Kroll Inc. (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn M&A toàn cầu) ở Ấn Độ cho rằng: "Tính minh bạch, thực hiện hủy bỏ tiền tệ đã khiến tình hình được cải thiện đôi chút, nhưng tôi không chắc điều này có thể giảm được tham nhũng. Tất nhiên, hiện người dân đã chuyển sang dùng thẻ tín dụng nhiều hơn trước đây, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tiền bẩn không còn. Tiền bẩn có thể bị cản trở phần nào nhưng thực tế nền kinh tế đã không có sự phát triển tốt hơn".

Trước lập luận này, Jagdish Thakkar, Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng không đưa ra bình luận gì.

Trong khi việc sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và giao dịch công nghệ số tăng lên kể từ ngày lệnh cấm lưu hành tiền mặt mệnh giá cao, đa số người dân Ấn Độ cho biết, vẫn thích dùng tiền mặt hơn trong các giao dịch hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người Ấn Độ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với các tài khoản ngân hàng hoặc bị hạn chế trong việc truy cập Internet, tiếp cận công nghệ cao... Điều này khiến cho việc thanh toán kỹ thuật số trở nên bất tiện.

Tập đoàn Kroll có trụ sở tại New York, Mỹ, có kinh nghiệm 40 năm giúp đỡ các khách hàng trong việc thực hiện các quyết định về quản lý rủi ro về con người, tài sản, các hoạt động và an ninh. Cuộc khảo sát có phạm vi toàn cầu gần đây của Kroll cho thấy, các công ty trên toàn thế giới đang ngày càng gia tăng biện pháp chống lại tham nhũng, hối lộ.

"Phần lớn chuyên gia kinh tế nhận định, nguy cơ tham nhũng, hối lộ hoặc không được cải thiện, hoặc sẽ rơi vào tình trạng xấu đi trong năm 2017. Nguồn lực của họ không đủ để thực hiện các nỗ lực chống tham nhũng, hối lộ và giờ đây, bản thân đang phải chịu trách nhiệm về những vi phạm mà họ mắc phải", Báo cáo "Đánh giá tình hình chống tham nhũng, hối lộ" của Kroll cho biết.

Bhatia cho rằng, Ấn Độ nằm trong số quốc gia có rủi ro cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài, một phần do tham nhũng. Các nhà đầu tư đã tìm kiếm cách để thoát khỏi đất nước này, chấm dứt việc kinh doanh với mức phiền hà thấp nhất. Họ cũng thận trọng cao với các công ty "vỏ bọc", công ty "ma", thường được lập ra với mục đích rửa tiền. Mặc dù Chính phủ Ấn độ phát hiện khoảng 300.000 công ty "ma" và mới đây đưa ra được Bộ luật Phá sản, nhưng thực tế hệ thống luật pháp của quốc gia này đầy rẫy những lỗ hổng, khiến cho doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ xếp thứ 130 về sự dễ dàng trong hoạt động kinh doanh. Kể từ khi nhậm chức cách đây 3 năm, Thủ tướng Narendra Modi, trong các chuyến công du nước ngoài cũng đã nỗ lực trong việc nâng cao hình ảnh của đất nước như là một điểm đến thân thiện với hoạt động kinh doanh. Và, trong một cuộc cải cách lớn, Chính phủ của ông đã áp dụng cách tính thuế thống nhất về hàng hóa, dịch vụ trong cả nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, Chính phủ của ông Modi cần phải hành động nhiều hơn nữa.

Nhà cầm quyền Ấn Độ vẫn rất lạc quan với các quyết định của mình. Mới đây, trong bài diễn văn nhân Ngày Độc lập 15/8 tại Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi cho biết, hơn 2.000 tỉ rupee đã đổ về ngân hàng sau khi Chính phủ khai tử các loại tiền mệnh giá cao hồi tháng 11 năm ngoái khỏi lưu thông và khoảng 1,75 nghìn tỉ rupee tiền gửi đang được kiểm tra kỹ lưỡng. Việc áp dụng thuế doanh thu lịch sử vào ngày 1/7, theo ông Modi, sẽ thúc đẩy tính minh bạch. Thủ tướng Ấn Độ cũng cam kết tiếp tục mạnh tay với các khoản "tiền đen”.

Ngày 8/11/2016, Chính phủ Ấn Độ ra quyết định thu hồi loại tiền giấy mệnh giá cao 500 rupee và 1.000 rupee. Hơn 23 tỉ rupee tiền giấy, tương đương 80% tiền mặt ở Ấn Độ trở thành vô giá trị.

Ấn Độ là quốc gia có tới 90% giao dịch sử dụng tiền mặt. Nhiều người nghèo ở nước này không thể tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.


Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm