Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 08/04/2017 - 08:34
3 ngày sau khi bị tấn công nghi bằng khí độc, thị trấn Khan Sheikhoun ở miền bắc Syria chìm trong cảnh hoang tàn, đường phố vắng lặng, chỉ có người sống sót đang khóc trong những căn lều.
Các nạn nhân được cấp cứu khí oxy sau vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun, Syria, hôm 4/4. Ảnh: Reuters
Hơn 80 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào thị trấn do phe đối lập kiểm soát hôm 4/4. Mỹ cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ việc, trong khi Nga bác bỏ và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cũng khẳng định không bao giờ dùng vũ khí hóa học.
Người dân và các bác sĩ cho hay nhiều người bỏ chạy khỏi đây vẫn chưa dám quay về do lo sợ hít phải khí độc còn sót lại hoặc phải hứng chịu thêm một vụ tấn công khác. Những người thiệt mạng được chôn cất ở các rãnh hào.
Là một trong vài người may mắn thoát chết ở một ngôi nhà gần trung tâm của vụ tấn công, những hình ảnh về người em họ và người cô đã thiệt mạng cứ bủa vây lấy tâm trí Fatima Alyousef.
Cô òa khóc khi nhớ lại cảnh tượng đưa người cô đang thở hấp hối lên mái ngôi nhà hai tầng của họ để tránh khói. Vì không thể dìu người cô lên cầu thang, Fatima đã gọi chú xuống giúp đỡ nhưng ông cũng ngã khuỵu ngay bên cạnh người chị gái.
"Tôi cố gắng dìu cô ấy nhưng không thể. Tôi yếu quá", cô kể.
Cô đã đưa người em họ 17 tuổi vào phòng tắm để rửa mặt bằng nước nhưng cũng chẳng ích gì. Cô bé cũng qua đời trong vòng tay của Fatima.
Khi vụ tấn công kết thúc, có tới 25 người trong đại gia đình của cô gái 24 tuổi đã thiệt mạng.
Fatima hiện sống cùng một gia đình xa lạ, cách xa vùng bị nhiễm độc. Cô vẫn mệt mỏi trong người nhưng cơ sở y tế duy nhất của thị trấn đã bị phá hủy vào ngày hôm đó trong một cuộc không kích khác.
Mẹ và ba em của cô đã bất chấp nguy hiểm vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Đức trước đó.
"Tôi hy sinh cuộc đời mình và ở lại đây để họ sang Đức vì không đủ tiền cho tất cả chúng tôi cùng đi", cô nức nở trong nước mắt. "Bây giờ, nếu tôi không đoàn tụ cùng gia đình, tôi sẽ chết".
3 ngày sau vụ tấn công, thị lực của Alaa Alyousef, một người sống sót khác, vẫn còn mờ mờ và bị cơn mất ngủ giày vò. Anh biết mình may mắn mới thoát nạn nhưng rất lo lắng về hậu quả lâu dài của vụ tấn công.
"Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Ảnh hưởng của nó đã chấm dứt chưa? Những đứa trẻ liệu có ổn không?", Alaa nói.
Chàng trai 27 tuổi kể rằng người anh họ Abdel Hameed đang chịu đựng cơn đau thần kinh hàng đêm và cũng gặp vấn đề về thị lực sau khi mất vợ và hai đứa con song sinh 9 tháng tuổi.
"Tình trạng của anh ấy rất, rất tệ", Alaa nói.
Bản thân anh còn bị ám ảnh bởi ký ức về những người thân đã thiệt mạng, những nụ cười của họ. Những người anh em họ của Alaa đã chết gần một sân bóng nơi họ hay chơi đùa và ở lại cả đêm.
"Bây giờ nó trở thành cánh đồng của những thi thể", anh nói.
Mohammed Abdel Moein đang ở Bab al-Hawa, một thị trấn Syria sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ thì các nạn nhân bất ngờ chạy tới, trong đó có người chú Jalal của cậu.
"Khi ông ấy đến được đây, ông ấy không còn nhìn thấy gì. Ông ấy mất hết trí óc vì khí hóa học. Tạ ơn Chúa vì ông ấy đã đến và nói được một chút", chàng trai 19 tuổi kể tại một bệnh viện ở Hatay, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi anh đang ngồi bên người chú.
Ông Jalal nhớ lại rằng mình đã bị đánh bật khỏi giường bởi một vụ nổ thổi bay cả các cánh cửa nhà ông. Chuyện này từng xảy ra nhiều lần trước đây, khi quân đội chính phủ tiến hành không kích, và sau nhiều sau năm chiến tranh, người dân trở nên quen với việc chạy xuống hầm ẩn náu.
Tuy nhiên, lần này thì khác.
"Đầu tôi đột ngột đau nhức và tôi nhận ra rằng vụ tấn công này chứa một hóa chất rất độc", ông nói.
Vì thế, ông đã chạy lên mái nhà để trốn. Tuy nhiên, sau đó ông nhận ra rằng nơi này thậm chí cũng không đủ an toàn. Người thân của ông từ nhà bên cạnh ùa sang và ông giục mọi người lên xe ôtô.
"Khi gia đình tôi vào trong xe, tôi bắt đầu nôn. Tôi nói với mọi người rằng nếu chúng ta không chết, chúng ta sẽ đến được bệnh viện và tôi bắt đầu lái xe", ông kể.
Bác sĩ phẫu thuật Osama Abo Elezz, quê ở Khan Sheikhoun nhưng hiện cư ngụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã băng qua biên giới và trở về quê nhà ngay khi biết tin về vụ tấn công. Lúc đó các máy bay vẫn còn lượn trên đầu ông.
"Đó là một thị trấn ma", ông nói.
Những cuộc gọi cấp cứu liên tiếp đổ chuông khi các nhân viên y tế tức tốc tới khu vực bị ảnh hưởng để di chuyển những thi thể khỏi các hầm ẩn nấp hoặc cung cấp oxy cho những người ban đầu dường như vẫn bình thường nhưng sau đó xuất hiện các triệu chứng.
Một gia đình có 6 trẻ em đã được chuyển tới chỗ ông ngay sau khi ông có mặt tại thị trấn. Tuy nhiên, tất cả đều không qua khỏi.
"Nước bọt sủi trên mép họ, mắt họ đỏ ngầu và máu mũi chảy ra", ông kể.
Những con chim và mèo cũng bị chết trong vụ tấn công. Ông Elezz và các bác sĩ, nhân viên cứu hộ đã thu thập bằng chứng tại hiện trường để cung cấp cho các cơ quan quốc tế điều tra vụ việc.
"Giết người bằng khí hóa học tàn nhẫn không kém gì bom thùng, bom chân không hay giết người trong những trại giam", người bác sĩ nói. "Có nhiều nguyên nhân gây tử vong, nhưng rút cuộc, người Syria vẫn đang ngày càng thiệt mạng nhiều hơn mà cộng đồng quốc tế không quan tâm".
Theo Anh Ngọc/VnExpress
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên