Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

3 cách để chống rửa tiền thông qua bất động sản

Thứ tư, 11/09/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Trên thế giới, mua bất động sản là một phương thức được nhiều kẻ tham nhũng lựa chọn để rửa những khoản tiền có được từ các hành vi phạm pháp.

Ảnh: Transparency.org

Các quốc gia giàu có thường là đích đến

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), khi các quan chức nhận những khoản hối lộ, biển thủ lớn từ công quỹ, họ thường phải làm sạch các khoản tiền trước khi có thể thụ hưởng. 

Tài sản được mua bằng tiền “bẩn” có thể được bán, ngụy trang một cách hiệu quả để che đậy nguồn gốc tham nhũng của số tiền bị lấy ra từ ngân sách. Đặc biệt, ở một số nơi, rất dễ để che giấu chủ sở hữu thực sự của một tài sản. Tại đó tồn tại các công ty ẩn danh có thể được sử dụng để mua bất động sản. Điều này có nghĩa, ngay cả những người thực thi pháp luật cũng không biết người sở hữu ngôi nhà ở kế bên.

Các quốc gia giàu có thường là đích đến những các khoản đầu tư bất hợp pháp. 

Theo nghiên cứu của TI, ở Anh, ít nhất có số bất động sản trị giá 4,4 tỷ bảng Anh (5,5 tỷ USD) đã được mua với sự giàu có đáng ngờ. 

Ở Đức, tính riêng trong năm 2017, khoảng 30 tỷ USD tiền có nguồn gốc không rõ ràng đã bước chân vào thị trường bất động sản nước này. 

Còn tại Canada, ít nhất 20 tỷ đô la Canada (khoảng 15 tỷ USD) đã tham gia vào thị trường nhà ở tại khu vực Greater Toronto trong hơn 10 năm qua mà không có sự giám sát của các cơ quan chống rửa tiền.

Các ví dụ từ châu Phi

Các nhà báo điều tra và lực lượng điều tra thực thi pháp luật đã chỉ ra cách thức mà quan chức tham nhũng lợi dụng sự điều hành lỏng lẻo của thị trường bất động sản.

Các nước Tây Phi cho chúng ta những ví dụ nổi bật gây sốc. Năm 2017, Teodorín Obiang, Phó Tổng thống Guinea Xích đạo, một trong những nơi có tỷ lệ nghèo đói cao nhất châu Phi, đã có căn biệt thự trị giá 107 triệu Euro (118 triệu USD) ở Thủ đô Paris của nước Pháp bị tịch thu sau khi một tòa án ở Pháp phát hiện ông có hành vi rửa tiền và tham ô.

Trong khi đó, Tổng thống Guinea Xích đạo Obiang (cha của Phó Tổng thống Teodorin), đang đón tiếp ông Yahya Jammeh - cựu Tổng thống lưu vong của Gambia - người cùng với các cộng sự của mình đánh cắp gần 1 tỷ USD từ ngân sách Nhà nước trong thời gian nắm quyền. Ông Jammeh và Tổng thống Obiang có điểm chung là đều sở hữu các biệt thự sang trọng nằm cạnh nhau ở Maryland, Mỹ.

Một trường hợp khác, James Ibori, cựu Thống đốc bang Delta của Nigeria từ năm 1999 - 2007, đã bị kết án 13 năm tù sau khi thừa nhận gian lận gần 50 triệu bảng (66 triệu USD). Thẩm phán trong vụ án nói rằng, con số này thấp đến mức lố bịch và số tiền thực tế có thể vượt quá 200 triệu bảng (245 triệu USD). Ibori đã sử dụng các công ty “ma” trong nhiều khu vực pháp lý bí mật để di chuyển các quỹ, và sau đó, điểm hoàn thành của dòng tiền bẩn này là đất đai, nhà cửa và hàng hóa xa xỉ nằm rải khắp thế giới.

Những biệt thự hào nhoáng ở nước ngoài của các Tổng thống và quan chức quyền lực cao có thể là tiêu điểm của câu chuyện rửa tiền, tham nhũng, nhưng đó không phải là toàn bộ thực tế. Ở Zambia - một quốc gia Cộng hòa thuộc miền Nam châu Phi, có câu chuyện đầy bí ẩn xung quanh quyền sở hữu 48 căn hộ tại Thủ đô Lusaka. Có những nghi ngờ cho rằng, số bất động sản này đang được sử dụng để che giấu số tiền bị đánh cắp thông qua các hoạt động tham nhũng.

Tuy nhiên, theo TI, chúng ta hoàn toàn có những biện pháp cụ thể để khiến cho kẻ tham nhũng gặp khó khăn hơn trong việc cất giấu tiền bẩn của họ dưới dạng nhà cửa, đất đai. TI đưa ra 3 cách như sau:

1. Kê khai tài sản

Kê khai tài sản giúp minh bạch hơn những gì các quan chức Nhà nước sở hữu, từ đó khiến họ khó có thể bí mật tích lũy sự giàu có từ nơi làm việc thông qua các hành vi tham nhũng. Ít nhất, điều này cho phép các nhà hoạt động và giới truyền thông đặt câu hỏi: “Làm thế nào ông/bà có đủ khả năng để sở hữu biệt thự đó bằng tiền lương của mình?”.

Kê khai tài sản trước và sau khi các quan chức giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước nên được thực hiện trên toàn thế giới. Ở Sri Lanka, TI đã làm việc với các thành viên của Quốc hội để thực hiện các bước đi mang tính lịch sử, hướng tới việc kê khai như vậy trở thành một quy tắc.

2. Điều chỉnh người giám sát

Giao dịch bất động sản hiếm khi chỉ có giữa người mua và người bán. Các đại lý, ngân hàng và môi giới đều có vai trò trong các giao dịch và họ hoàn toàn có cơ hội để ngăn chặn tiền tham nhũng vào thị trường bất động sản. 

Trong vụ việc của cựu Thống đốc bang Delta (Nigeria) Ibori, luật sư của ông tại London đã giúp đỡ trong việc thiết lập công ty có cấu trúc phức tạp, cho phép ông rút tiền ra khỏi Kho bạc Nhà nước.

Rửa tiền thông qua bất động sản sẽ bị kiềm chế khi các ngành nghề này hoạt động với sự liêm chính và được yêu cầu tiến hành kiểm tra đối với chủ sở hữu thực sự cũng như nguồn gốc của các tài khoản. Họ nên được cấp quyền truy cập vào tất cả các thông tin cần thiết cũng như phải chịu trách nhiệm về hậu quả của các giao dịch nếu như không gắn cờ cảnh báo giao dịch đáng ngờ.

3. Đăng ký đất đai

Cuối cùng, một trung tâm đăng ký trực tuyến dễ dàng cho thấy ai sở hữu tài sản nào sẽ mang tính lưu trữ lâu dài, tạo trách nhiệm giải trình lớn hơn đối với nguồn gốc của tiền đổ vào thị trường bất động sản. Điều này sẽ làm cho các cuộc điều tra của các nhà báo và các nhà điều tra xã hội dân sự dễ dàng hơn nhiều và cũng giúp cơ quan thực thi pháp luật trong điều tra các vụ án.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm