Chúng ta đang bước vào thời kì nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh đó, doanh nhân có một vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm, và thu nhập cho người lao động. Nhưng thời kì kinh tế mở, các yếu tố hội nhập, phát triển đã tạo ra một tình trạng cạnh tranh gay gắt. Cuộc chạy đua đó đã làm cho giới doanh nhân phải toan tính, nhiều khi rất mệt mỏi cho các yếu tố cạnh tranh và phát triển. Từ thực trạng và bối cảnh mới của nền kinh tế cũng đặt ra cho chúng ta nhiều khái niệm mới, đánh động tới suy nghĩ mà mấy chục năm trước, khi chưa mở cửa hội nhập, chúng ta chưa hề nghe thấy, như: Đạo đức doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội… Rồi các vấn đề khác như, phát triển bền vững, sản xuất sạch…

Những khái niệm mới trên cũng đặt cho chúng ta một thực trạng khác. Đó là việc thực hiện các hành vi “đạo đức” và “trách nhiệm” trong làm ăn như thế nào cho phù hợp, cho đúng với lương tâm cũng như mong mỏi của quốc gia và người dân lao động? Chủ đề này được đặt ra cấp thiết không phải vô cớ, nhất là khi hằng ngày chúng ta luôn phải nghe thấy những thông tin xấu như: Trốn thuế, không đóng bảo hiểm xã hội cho lao động, chậm lương công nhân, hay gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp cho các khu dân cư… Nếu chúng ta hiểu doanh nhân là những người kinh doanh và mưu cầu lợi nhuận, thì rõ ràng đường lối chiến lược, mục đích, của việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mỗi doanh nhân là rất khác nhau, đặc biệt là các chỉ báo về mặt đạo đức, trách nhiệm.

Vậy doanh nhân nói chung và doanh nhân Công giáo nói riêng có điểm gì giống và khác biệt? Dễ thấy họ đều có điểm chung là tổ sản xuất chức tạo ra sản phẩm hay cung ứng các dịch vụ cho xã hội, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như việc sử dụng lao động. Doanh nhân người Công giáo hay không phải Công giáo thường là người bỏ vốn đầu tư sản xuất (có thể hình thức góp vốn), họ đều tổ chức kinh doanh và tổ chức quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Khi chúng ta thấy hai chữ “Công giáo” gắn với “doanh nhân” điều đó còn có nghĩa là việc sản xuất được nhìn nhận và đặt định trong một mối tương quan nào đó với yếu tố “tôn giáo” trong con người của chính các ông chủ doanh nghiệp. Và  như vậy, ắt hẳn mối tương quan đó sẽ có những tác động nhất định tới cả đường lối tổ chức hoạt động của doanh nghiệp. Phải chăng đó chính là “đạo đức” và “trách nhiệm” doanh nghiệp với xã hội? Điều chúng ta nói đến rất nhiều, kì vọng nhiều nhưng vẫn luôn thiếu và yếu trong thời điểm hiện nay.

Mặt khác, khi đặt vấn đề “tôn giáo” với “kinh doanh” phải chăng có phần khiên cưỡng và phi lý? Bởi lẽ, kinh doanh là hoạt động trần thế của xã hội, nặng tiền bạc, thiên về tài sản, thị trường, chứa đựng cả những dục vọng của con người. Hơn thế, trong kinh doanh người ta nói cả tới yếu tố thủ đoạn, gian lận, trốn thuế…. Ngược lại, tôn giáo lại là yếu tố siêu nhiên, khó thực nghiệm, nói nhiều tới bác ái, lòng thương và đạo đức… Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ “phát triển bền vững” và phát triển “con người toàn diện”, xem ra việc đặt định như vậy không phải không có lý.

Vậy vai trò của doanh nhân Công giáo trong xây đựng đất nước chính là phát huy các giá trị đạo đức của tôn giáo vào trong tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho xã hội trên nền tảng “luân lý Kitô giáo”.

Ở đây, người doanh nhân Công giáo sẽ phải luôn cân nhắc giữa các yếu tố trách nhiệm xã hội của việc mình làm với đạo đức doanh nhân mà trong đó có một phần cốt yếu là “lương tâm Công giáo”, mà nguyên tắc đệ nhất của nó là “làm lành tránh dữ”.

Hơn nữa, “lương tâm” đó sẽ luôn đưa ra những cân nhắc và lựa chọn cần thiết cho “việc gì nên làm và việc gì không nên làm” trước khi đưa ra các quyết định liên đới với người lao động, với người tiêu dùng, với môi trường và với phần đóng góp thuế cho Nhà nước. Việc phát huy các “giá trị của Công giáo” đối với phát triển doanh nghiệp đôi lúc không công khai trong đường lối hoạt động sản xuất. Dù vậy, một cách “tự thân”, các giá trị đó đã kích đẩy các doanh nhân có một ý thức trách nhiệm hơn với xã hội và cộng đồng. Tất nhiên, chúng ta không thể cào bằng mọi doanh nhân Công giáo đều mang tôn chỉ tôn giáo vào trong hoạt động của doanh nghiệp.

Có một điều dễ nhận thấy là, khi khi họ thấm nhuần một “nền tảng tôn giáo tốt”, thì những nét như công bằng, bác ái, từ thiện… hiển hiện rất rõ trong hành xử hằng ngày trong cuộc sống của họ. Những việc làm tự thân đó, nó không phải là động cơ để giành lấy những vinh dự cá nhân bởi những tấm huy chương hay giải thưởng này nọ mang nặng dấu ấn thành tích, mà quan trong chính là  tác động của nó tới yếu tố “niềm tin của con người”, như một cam kết, một giá trị, một yếu tố bền vững quyết định “vốn xã hội” của các doanh nhân, cũng như doanh nghiệp mà họ quản trị.

Hiện nay, doanh nhân Công giáo đã là một đoàn thể của người Công giáo, có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây thực sự là một tổ chức hữu ích trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều thách thức. Các doanh nhân thường tổ chức các buổi sinh hoạt, gặp gỡ chia sẻ nhau trong kinh nghiệm kinh doanh và trách nhiệm với xã hội. Họ đã tham gia nhiều đóng góp hữu ích cho đất nước như: tài trợ học bổng cho các em học sinh nghèo, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ người cơ nhỡ, cứu tế các vùng thiên tai lũ lụt, vùng sâu, vùng xa…

Nhìn chung, bên cạnh việc kinh doanh, giới doanh nhân Công giáo còn thực hành mạnh mẽ trên khía cạnh bác ái của đời sống xã hội như trong nội dung mười điều răn mà Thiên chúa đã dạy họ là: Kính Chúa - yêu người.

TS Ngô Quốc Đông, Viện Nghiên cứu Tôn giáo