Ông Sáu cho biết, sau khi TTCP ban hành Kết luận thanh tra số 1782/KL-TTCP về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị được TTCP nêu trong kết luận thanh tra và đã có báo cáo bằng văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và TTCP.

Sau khi TTCP ban hành kết luận thanh tra, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu các tập thể, cá nhân liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến công tác lập, thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung cấp vật liệu phục vụ dự án.

Các tập thể, cá nhân đã có bản tự kiểm điểm, trong đó phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những sai sót và tự nhận hình thức xử lý trách nhiệm. “Theo thẩm quyền, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã họp và thống nhất hình thức kiểm điểm đối với tập thể phòng và cá nhân thuộc ban. Kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc (trách nhiệm người đứng đầu) và Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách dự án” - Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết.

leftcenterrightdel
Dự án Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,35km, điểm đầu ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và điểm cuối ở La Sơn (Thừa Thiên Huế). Ảnh: TQ 

Đối với các tổ chức, cá nhân thuộc các đơn vị tư vấn thiết kế: Cty CP Tư vấn xây dựng CTGT5; Cty CP Tấn Phát; Cty CP Xây dựng VNC và Cty CP Tư vấn Trường Sơn đều đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có văn bản báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Đối với nội dung phối hợp trong việc tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của dự án, báo cáo Bộ GTVT xem xét, xử lý theo quy định, thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng dự án, trong đó tập trung vào các gói thầu xây lắp bị chậm tiến độ không liên quan đến vật liệu đất đắp nền đường; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu thi công cầm chừng, không đảm bảo tiến độ được phê duyệt.

Theo ông Lê Văn Sáu, đối với nội dung này, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát các gói thầu chậm tiến độ (tổng thể dự án được gia hạn tiến độ 5 lần).

Kết quả kiểm tra của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho thấy, nguyên nhân khách quan của các lần gia hạn tiến độ là do công tác bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục, thời tiết mưa lớn bất thường gây ngập lụt diện rộng, chia cắt đường tiếp cận, ảnh hưởng đến công trình phải điều chỉnh một số hạng mục kỹ thuật, phát sinh bền vững hóa; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn trong việc huy động nhân lực, vận chuyển trang thiết bị, vật tư…

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan như: Do năng lực tài chính của nhà thầu bị ảnh hưởng do giá cả vật liệu tăng cao, tình hình dịch bệnh kéo dài, việc huy động nhân lực, máy móc chậm…

Đối với nội dung xử lý các nhà thầu thi công cầm chừng, không đảm bảo tiến độ được phê duyệt, theo Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, ban đã có các văn bản cảnh cáo các nhà thầu thi công chậm tiến độ; thay thế, điều chỉnh khối lượng các nhà thầu khi đã cảnh báo nhưng không có chuyển biến.

leftcenterrightdel
 Dự án Cam Lộ - La Sơn được khánh thành, thông xe vào sáng 31/12/2022. Ảnh: TQ

Trước đó, qua thanh tra, TTCP đã chỉ ra một số thiếu sót, vi phạm như: Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn) thực hiện công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị chưa thực hiện triệt để Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về ưu tiên trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cao tốc Cam Lộ - La Sơn…

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên đến việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung cấp vật liệu (khối lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật) phục vụ dự án, dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp nền đường trong quá trình thi công.

Xử lý nghiêm các Ban QLDA, đơn vị tư vấn đã để xảy ra sai sót trong công tác điều tra, khảo sát nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của dự án để xử lý theo quy định, thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng dự án, trong đó tập trung vào các gói thầu xây lắp bị chậm tiến độ không liên quan đến vật liệu đất đắp nền đường; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu thi công cầm chừng không đảm bảo tiến độ được phê duyệt…

Trần Quý