+ Thưa ông, luôn dành sự quan tâm đến các mặt công tác của ngành Thanh tra, vì sao ông cho rằng đây là một “giai đoạn đặc biệt”?

- Hẳn các bạn đã hiểu ý tôi muốn nói là giai đoạn đặc biệt là vì sao. Đối với quốc gia, đất nước, đây là giai đoạn đặc biệt khi chúng ta có chung một loại “giặc” là dịch bệnh Covid-19. Trong 2 năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đều trên dưới một lòng “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ quốc gia dân tộc và từng người dân từ biên giới đất nước “không bỏ ai lại phía sau”. Không một tiếng súng nhưng không kém phần căng thẳng, vất vả, thậm chí cả mất mát, hi sinh đối với nhân dân, với tuyến đầu chống dịch.

Và, kết quả của lời hiệu triệu triệu người một ý chí chống giặc đó là sức khỏe của nhân dân được bảo vệ, nền kinh tế, chính trị, xã hội ổn định; trong đó kinh tế phát triển tăng trưởng và thành tựu chống dịch của nước ta khiến nhiều bạn bè quốc tế quan tâm. Trong muôn vàn cái khó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nước ta đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu ra Ban Chấp hành mới đại diện cho trí tuệ và tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” của đất nước. Trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt đó của quốc gia, ngành Thanh tra cũng đạt được những thành tựu đặc biệt, có thể gọi đây là “giai đoạn vàng” về cán bộ của ngành Thanh tra.

+ Xin ông nói rõ hơn về điều này?

- Có thể nói, năm 2021 để lại dấu ấn rất đậm nét về sự trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ ngành Thanh tra. Sự thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng gắn với sự trưởng thành của nhiều cán bộ của ngành như: Đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái được Đại hội tín nhiệm, bầu vào Ban Bí thư rồi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều người từng công tác trong ngành Thanh tra cũng được Đảng và Nhà nước tín nhiệm cao như đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa được bầu vào Ban Bí thư, từng là Chánh Thanh tra thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định); đồng chí Lê Thị Thủy tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam từng là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Phan Việt Cường, tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từng là Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam; hay đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên từng là Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng Nhà nước...

Trong năm 2021, nhiều cán bộ đang công tác trong Cơ quan Thanh tra Chính phủ được tin tưởng bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng như: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sĩ Bảy, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đặng Khánh Toàn, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Đức Toàn… Sự trưởng thành đó của các cán bộ ngành Thanh tra chính là góp thêm những trang vàng lịch sử ngành Thanh tra những trang vàng thành tựu.

Qua theo dõi Báo Thanh tra tôi cũng được biết rằng, sự thành công của Đại hội Đảng ở các địa phương cũng cho thấy sự trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ ngành Thanh tra. Nhiều đồng chí Chánh Thanh tra huyện, tỉnh, sở được tin cậy bầu vào giữ các vị trí trọng trách của địa phương; tiếp tục đóng góp phần trí tuệ không nhỏ vào sự phát triển của địa phương, đất nước.

Hay ở Cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng vậy. Năm 2021, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt, đảm nhiệm các vị trí vụ trưởng, phó vụ trưởng, trưởng, phó phòng. Đây chính là đội ngũ cán bộ, là hạt nhân chủ lực góp phần tăng nhiệt huyết, trí tuệ, tâm, tầm, tài vào để viết tiếp các trang sử vàng ngành Thanh tra.

Với những lý do trên, tôi tin rằng nhiều người có cùng quan điểm với tôi khi nhận định năm 2021 có một dấu ấn đặc biệt để tự hào trong suốt chiều dài hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra. Tôi còn cho rằng, đội ngũ cán bộ được tôi luyện đã góp phần quan trọng để ngành Thanh tra thích ứng với những đòi hỏi của thực tiễn đã và đang đặt ra để xứng đáng với niềm tin của Đảng, sự kỳ vọng của nhân dân.

+ Thưa ông, ý ông muốn nói đến sự thích ứng của công tác thanh tra trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh?

- Như chúng ta đã biết, trong lịch sử, ngành Thanh tra luôn thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, chấn chỉnh quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với kinh nghiệm gắn bó của tôi trong ngành, để làm được điều đó, cán bộ ngành Thanh tra ngoài tri thức, kinh nghiệm, nhiều khi còn phải “sắm” nhiều vai khác nhau để đi tìm sự thật. Tôi biết, có đồng chí hiện đang đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Thanh tra khi đi đoàn còn phải đi xe ôm xuống thực tiễn, đóng giả là người mua hàng để biết được giá thực của cây cảnh, tài sản của nhân dân, đối chiếu với báo cáo của UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng đúng thực tiễn, tránh thiệt thòi cho nhân dân. Đối chiếu thực tiễn, làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, thậm chí phải làm việc nhiều lần để đối chiếu hồ sơ, chứng cớ ở nhiều dạng khác nhau mới có thể có được những kết luận và kiến nghị chính xác, hiệu quả, mang tính thực thi. Đó là phương pháp thanh tra truyền thống, góp phần bảo đảm sự chắc chắn, trung thực của hồ sơ thanh tra được sử dụng trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, qua theo dõi báo chí, đặc biệt là Báo Thanh tra, tôi rất mừng là hoạt động thanh tra không bị “tê liệt” như nhiều người lo ngại trước ảnh hưởng toàn diện, mọi mặt của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sự hạn chế tiếp xúc, giãn cách… Ngành Thanh tra đã thích ứng với yêu cầu của thực tiễn, đổi mới phương pháp làm việc, trong đó có việc tiến hành thanh tra không tiếp xúc, không phiền hà đến đối tượng thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra được tổ chức trực tuyến, hạn chế tối đa việc di chuyển của đoàn; tiếp nhận hồ sơ thanh tra qua email, scan và gửi bằng bưu điện. Hay khi cần trao đổi thì liên hệ bằng họp trực tuyến video call…  Tôi cho rằng, đây là những phương pháp mới, ít có, thậm chí chưa có trong tiền lệ. Điều đó không chỉ đảm bảo công tác thanh tra được liền mạch, không đứt quãng mà còn cho thấy ý thức trách nhiệm và trình độ, khả năng làm chủ công nghệ và hội nhập 4.0 của cán bộ ngành Thanh tra. Điều đó rất đáng phấn khởi, tin tưởng và tự hào.

Chưa hết, việc đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn còn thể hiện ở sự điều hành sáng tạo, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo ngành Thanh tra. Theo dõi các phiên họp Quốc hội, chúng tôi rất mừng khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Đây là sự vào cuộc rất kịp thời và cần thiết của ngành, giúp Chính phủ tăng cường quản lý Nhà nước, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm nếu có và thực hiện đúng nguyên tắc ở đâu có quản lý Nhà nước, ở đó có thanh tra.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Trúc