Từ năm 1945 đến 1954, ngành Thanh tra đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn kháng chiến, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sẽ góp phần tạo ra mối liên hệ giữa trên và dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng nhằm đảm bảo tính chất chính quyền của dân, do dân và vì dân. Cùng với vai trò đó, công tác thanh tra còn bảo đảm ngăn chặn mọi tệ nạn thường xuyên có khả năng xảy ra như quan liêu, lãng phí, tham ô.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Đây là một trong những tư tưởng đầu tiên của Hồ Chủ tịch về công tác thanh tra. Tư tưởng đó soi sáng mọi hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt, đồng thời đặt cơ sở, nền móng cho việc xây dựng hệ thống tư tưởng, tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra sau này.
Có thể nói, hoạt động thanh tra trong thời kỳ này mặc dù tổ chức bộ máy còn đơn sơ, lực lượng thanh tra còn kiêm nhiệm, chưa có luật pháp hoàn chỉnh, nhưng công tác thanh tra đã có nhiều đóng góp vào thắng lợi vẻ vang của công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoạt động thanh tra đã phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực như: thanh tra việc thực hiện chính sách cải cách ruộng đất và sửa sai; thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân…
Bên cạnh đó là thanh tra các lĩnh vực: Thực hiện hợp tác hóa, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng công nghiệp; bình ổn vật giá, phục vụ sản xuất; kiểm tra tình hình học tập chủ trương “chấn chỉnh tổ chức, giảm nhẹ biên chế, chuyển người về sản xuất”; tìm hiểu tình hình tham ô, lãng phí…
Công tác xét giải quyết đơn tư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thời gian này cũng được xem trọng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra miền Bắc tháng 4 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thanh tra là công tác quan trọng, trực tiếp đối với việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, giữ gìn pháp luật của Nhà nước; và câu nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới” đã trở thành khẩu hiệu, phương châm hoạt động của ngành.
Nhìn chung, trong giai đoạn này, hệ thống tổ chức ngành Thanh tra từng bước ổn định. Nội dung hoạt động thanh tra bám sát việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ đã góp phần khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Các tổ chức thanh tra được thành lập ở các tỉnh, thành miền Nam, hệ thống tổ chức thanh tra từ Trung ương tới địa phương. Ban Thanh tra Nhân dân được thành lập ở phần lớn các xã, phường, ở nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và đơn vị sự nghiệp.
Hoạt động thanh tra ở miền Bắc tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, chấn chỉnh và cải tiến quản lý trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp… ở miền Nam, tập trung vào việc xây dựng củng cố chính quyền Nhân dân và thực hiện các chủ trương, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Kết quả thanh tra, bên cạnh việc thu hồi sai phạm về kinh tế, kiến nghị xử lý cán bộ, ngành Thanh tra đã có nhiều kiến nghị với Trung ương, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp… những biện pháp chấn chỉnh quản lý kinh tế, xã hội. Đồng thời, qua thanh tra đã phát hiện những nhân tố mới, những điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thời kỳ từ năm 1986-2010 là giai đoạn Đảng và Nhà nước ta quyết định tiến hành đổi mới trong bối cảnh có nhiều biến động trên thế giới.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Thanh tra đã có những định hướng trong từng năm, từng thời kỳ để tập trung hoạt động thanh tra nhằm khắc phục những khuyết thiếu của nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, sau khi Pháp lệnh Thanh tra được ban hành năm 1990 đã xác định “thanh tra là một chức năng thiết yếu của quản lý Nhà nước”; xác định rõ về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Thanh tra, của thanh tra viên và Luật Thanh tra được ban hành năm 2004. Hoạt động thanh tra đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm: quản lý vốn Nhà nước, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai, việc thu hồi đất để mở mang đô thị, xây dựng các khu công nghiệp; về tài chính, ngân hàng; về nông nghiệp, nông thôn… để kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các ngành kịp thời điều chỉnh chế độ, chính sách, nhằm khắc phục những khuyết thiếu khi chuyển nền kinh tế từ tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tiếp tục công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, giai đoạn 2010-2019, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra Việt Nam tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, đoàn kết nhất trí, nỗ lực hết mình, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác.
Công tác thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực, dự án trọng điểm, nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực tham nhũng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, kịp thời kiến nghị chấn chỉnh những sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp phòng ngừa.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tập trung vào công tác tiếp dân tại cơ sở, giải quyết các vụ việc tồn đọng phức tạp, đông người, kéo dài, thu được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong bối cảnh nước ta có nhiều thuận lợi từ kết quả đạt được trong năm trước, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường ứng dụng công nghệ, thực hiện nhiều biện pháp đổi mới trong tổ chức và hoạt động thanh tra. Các hội nghị quán triệt, phổ biến; các cuộc họp được tổ chức linh hoạt, dưới nhiều hình thức, tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, vừa đảm bảo giãn cách, vừa bảo đảm hiệu quả công tác.
Việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra được tính toán kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để tránh chồng chéo, đồng thời đảm bảo không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu nhiệm vụ.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra vẫn được tiến hành dưới hình thức trực tuyến.
Công tác tiếp công dân vẫn đảm bảo triển khai, nhưng được bố trí lại để đảm bảo thực hiện nghiêm 5K. Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vẫn được triển khai theo hướng ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, giảm bớt làm việc tiếp xúc trực tiếp… nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.
Trong 2 năm 2020-2021, ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần phục vụ có hiệu quả cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc ở lần thứ XIII của Đảng; những ngày lễ lớn của đất nước và kỷ niệm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11) hàng năm, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế của đất nước.
Tiếp nối truyền thống 79 năm xây dựng và trưởng thành, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ thanh tra, trong các năm 2022, 2023 và 2024, hoạt động của ngành Thanh tra vẫn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, xử lý vi phạm và giải quyết các bức xúc của Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong rất nhiều cuộc họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra một cách chủ động. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ổn định tình hình an ninh, trật tự để phát triển kinh tế.
Trong năm 2024, kết quả 9 tháng của năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 5.675 cuộc thanh tra hành chính và 74.195 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm 106.672 tỷ đồng, 296 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 71.155 tỷ đồng và 25 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 35.517 tỷ đồng, 271 ha đất; ban hành 58.338 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.269 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.398 tập thể và 5.502 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 154 vụ, 125 đối tượng.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ tiến hành 35 cuộc thanh tra, ban hành 8 kết luận thanh tra, phát hiện sau phạm về kinh tế trên 2.283,1 tỷ đồng; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 357,9 tỷ đồng; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 1.925,2 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 42 tổ chức, 5 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định 8 vụ việc…
Trong công tác phòng chống tham nhũng, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 tiếp tục có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Có 25 vụ việc (35 người) tham nhũng bị phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các mặt công tác khác cũng được tiến hành đồng bộ và hoạt động hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu.
Năm 2025, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV cũng là năm ngành Thanh tra kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI.
Do đó, trong thời gian tới, ngành Thanh tra tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, nhất là thực hiện nghiêm Quy định số 131 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định chính trị - xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, giải quyết cơ bản dứt điểm các vụ việc tồn đọng, đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thứ tư, hoàn thành việc sơ kết 5 năm Luật Phòng chống tham nhũng, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế thuộc chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ, ban hành các thông tư nghiệp vụ theo thẩm quyền.
Thứ năm, ngành Thanh tra tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy theo vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; quyết tâm lập thành tích hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam.