Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra phục vụ cho phát triển, duy trì kỷ cương, phép nước

Hương Giang

Thứ tư, 01/01/2025 - 06:02

(Thanh tra) - 2025 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng. Với bề dày truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy, ngành Thanh tra được kỳ vọng tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, góp phần tích cực đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tham dự hội nghị tổng kết ngành công tác của ngành Thanh tra vào ngày cuối tháng 12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình báo tin vui, chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội đặt ra. Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, nhiều công trình trọng điểm quốc gia hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử có bước tiến dài. Đời sống của Nhân dân không ngừng tăng lên…

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: V.Điệp

“Đây là những thành tựu lớn của đất nước, trong đó có những đóng góp rất lớn của hệ thống thanh tra”, lãnh đạo Chính phủ nói và tin tưởng với bề dày truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy của cán bộ ngành Thanh tra, trong năm 2025 và thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân đã tin tưởng, giao phó, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, góp phần tích cực để đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển hùng cường và thịnh vượng".

Ở thời khắc chào đón năm mới, chúng ta cùng kiểm đếm công việc, nhìn lại những kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong năm 2024, với rất nhiều “điểm sáng”.

Đầu tiên là công tác thanh tra được tăng cường. Số liệu cho thấy, trong năm 2024, toàn ngành phát hiện vi phạm về kinh tế trên 157.000 tỷ đồng, 245 ha đất. Từ đó, kiến nghị xử lý và thu hồi khối lượng tài sản lớn cho Nhà nước, xử nghiêm vi phạm, cũng như chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

Ngành Thanh tra cũng thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung, làm tốt công tác xây dựng thể chế, nhất là thể chế chuyên ngành.

Điểm sáng nữa là công tác phòng, chống lãng phí, bên cạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Lãng phí hậu quả rất lớn. Chúng ta lãng phí rất nhiều về nguồn lực, nhân lực, thời gian. Tình trạng này đang rất nghiêm trọng”, Phó Thủ tướng nhận định.

Vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra nhiệm vụ là phải chống lãng phí. Theo Tổng Bí thư, đấu tranh phòng, chống lãng phí, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Với chức năng của mình, Thanh tra Chính phủ, cùng các bộ, ngành, với sự chỉ đạo của Chính phủ đã thực hiện 2 việc: Một là, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, TP. Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án năng lượng tái tạo. Việc tháo gỡ này, sẽ khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, các Phó Tổng Thanh tra và lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Đức Tài

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều đổi mới và đây là điểm sáng tiếp theo trong năm 2024. Tổng kết cho thấy, số đoàn đông người giảm trên 23%. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 25.823 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4%. 

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước gần 34 tỷ đồng, trên 19ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân trên 106 tỷ đồng, 1,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 26 tổ chức, 2.235 cá nhân.

Nhìn lại những kết quả đạt được, ngành Thanh tra phân tích sâu sắc những tồn tại, hạn chế. Đó là, tỷ lệ xử lý, thu hồi sau thanh tra chưa cao; việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo kết luận thanh tra còn chậm; công tác tiếp công dân, khiếu nại tố cáo chưa triệt để.

Cạnh đó, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 80 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam.

Nhiều nhiệm vụ chủ yếu được ngành Thanh tra đề ra để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao. Trong đó, theo Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, năm 2025, cần tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật và có tính khả thi. 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Đ.X

“Ngành Thanh tra sẽ thực hiện nghiêm Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.  Tập thể, cá nhân có vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chúng ta phải nhìn nhận, xác định và rút kinh nghiệm từ bài học xương máu của một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong những năm trước đây”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Thanh tra cho hay, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, với chế tài cụ thể để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm của cán bộ.

Nhiệm vụ nữa tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

“Các giải pháp, nhiệm vụ đề ra rất toàn diện, chính xác, tôi hoàn toàn đồng tình”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết. Chia sẻ thêm, lãnh đạo Chính phủ gợi ý ngành Thanh tra cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, xác định kỹ hơn chức năng nhiệm vụ của mình. 

Bên cạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, theo Phó Thủ tướng, qua công tác thanh tra phải phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách. 

“Chúng ta xác định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, “đột phá của đột phá”, thì thanh tra phải tích cực tham gia xây dựng thể chế. Muốn làm được việc này thì thanh tra phải rất giỏi”, Phó Thủ tướng gửi gắm, “thanh tra phải phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, không trở thành lực cản của quá trình phát triển. Rất nghiêm nhưng phải rất sát thực tế, hỗ trợ cho quá trình phát triển”.

Thêm nữa, phải thanh tra phải góp phần trong việc đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống, giúp Đảng có cái nhìn đúng hơn về đội ngũ cán bộ, chỉ ra, “anh này có đáng khen, có đáng bổ nhiệm không”. “Mục tiêu cao nhất của thanh tra là duy trì kỷ cương, phép nước, duy trì trật tự pháp luật trong đời sống xã hội, chứ không phải chỉ xử lý vi phạm”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Từ đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kết luận thanh tra phải “thấu tình, đạt lý”; phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với phòng, chống lãng phí.

“Cuộc sống đang chờ đợi thanh tra hướng dẫn cho cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí và phải tập trung như thế nào để phòng, chống, xử lý lãng phí”, Phó Thủ tướng nói gợi ý, trong chương trình thanh tra năm 2025, nên chọn thanh tra một vụ việc để từ đó tổng kết lại, trở thành hướng dẫn chung. 

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho hay, thời gian tới, ngành Thanh tra khẩn trương thực hiện đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo phương án phê duyệt của cấp có thẩm quyền, đảm bảo liên tục, không gián đoạn công việc và sau sắp xếp phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Bên cạnh tinh gọn bộ máy, theo Tổng Thanh tra, là lựa chọn được cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nhất là thực hiện nghiêm quy định cấm sách nhiễu, phiền hà, nhận tiền, quà, giao lưu, ăn uống dưới mọi hình thức với đối tượng thanh tra; cấm bỏ lọt, bỏ sót sai phạm phát hiện qua thanh tra”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh, cần thực hiện tốt chế độ, chính sách để cán bộ thanh tra yên tâm công tác và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Từ những sự việc vừa qua, chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn, kỹ hơn về quản lý, giáo dục, kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực xảy ra trong nội bộ”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, “nghe đồng chí bị xử lý ở các cấp trong hệ thống, mình nhói trong tim”.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý, “bộ máy có tinh gọn, khoa học bao nhiêu mà con người không chất lượng thì bộ máy cũng không phát huy được”.

Thêm nữa, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương rất mạnh mẽ. Theo đó, địa phương được phê duyệt quy mô dự án giá trị rất cao, thẩm quyền quyết định rất cao. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: V.Điệp

“Giao cho địa phương quyết mà không làm tốt công tác thanh tra thì sẽ như thả gà ra đuổi, nguy cơ sai phạm sẽ rất cao”, lãnh đạo Chính phủ nói, không có cách nào khác là phải tăng cường thanh tra. Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ xem đây là “điểm rơi” thích hợp để nghiên cứu bài bản khoa học, để đề xuất cấp có thẩm quyền về tổ chức bộ máy thanh tra để làm sao hiệu lực, hiệu quả. 

Về công tác cán bộ, Trung ương giao trách nhiệm trực tiếp cho cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm trong đánh giá cán bộ. “Chúng ta phải đánh giá cán bộ cho đúng, làm sao hiền tài, những người có tâm, đức, có năng lực giữ lại trong đội ngũ thanh tra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ VI, Tổng Thanh tra phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Thanh tra năm 2025 với chủ đề “Đoàn kết thống nhất, kỷ cương trách nhiệm, tuân thủ luật pháp, linh hoạt hiệu quả”.

“Tôi kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Thanh tra phát huy truyền thống 80 năm xây dựng và phát triển; quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần nâng cao nhận thức, ổn định tâm lý người dân, làm tăng sự tin tưởng của người dân về Đảng, chính quyền.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết ngành công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra. Ảnh: V.Điệp

“Có trường hợp người dân đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước để làm dự án mở đường, xây dựng trường học. Nhiều trường hợp sau khi được tuyên truyền, giải thích đã chủ động rút đơn khiếu nại, tố cáo”, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiều lãnh đạo các địa phương đã góp ý, hiến kế với Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số.

Theo ông Tuấn, cần xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến, phản ánh hiện trường để cơ quan có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo giải quyết những vụ việc dân sinh bức xúc ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng” đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về giải quyết tố cáo với trường hợp vụ việc đã được giải quyết theo thẩm quyền về giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai nhưng người khiếu nại chuyển sang tố cáo về cùng nội dung đã được giải quyết.

“Cần có những quy định cụ thể về xử lý với người tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo; những trường hợp gửi đơn nhiều, vượt cấp do không đạt được mục đích cá nhân; bồi thường thiệt hại về tài sản, danh dự do hành vi tố cáo sai sự thật gây ra”, ông Tuấn góp ý.

Từ tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đề xuất, với các vụ việc đã được tỉnh giải quyết đúng quy định, hết thẩm quyền và đã có ý kiến thống nhất kết quả giải quyết của Thanh tra Chính phủ hoặc bộ, ngành Trung ương, khi công dân gửi đơn đến các cơ quan Trung ương thì bộ phận tiếp nhận đơn, thư tham mưu có văn bản trả lời “nội dung yêu cầu của công dân không có cơ sở xem xét, đề nghị công dân chấp hành và chấm dứt việc khiếu kiện không đúng quy định”.

“Trường hợp công dân không chấp hành, có hành vi gây mất an ninh, trật tự thì cơ quan chức năng tại địa phương nơi công dân có hành vi vi phạm xử lý theo quy định pháp luật nhằm mang tính răn đe. Hạn chế thấp nhất việc yêu cầu địa phương đi rước công dân khiếu nại tại các cơ quan Trung ương trở về địa phương, vì địa phương đã giải quyết dứt điểm, việc đi rước sẽ tạo thành tiền lệ và tâm lý, tư tưởng không tốt cho công dân là sẽ được giải quyết tiếp và gây tốn kém thời gian, kinh phí Nhà nước đi rước công dân nhưng không có kết quả giải quyết gì khác”, ông Lê Văn Hẳn nhấn mạnh.

Với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện hệ thống văn bản chưa cụ thể hóa hết các nội dung về kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tham nhũng. Thêm nữa, hiện chưa có quy định về thẩm quyền của các cơ quan thanh tra với thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Trong kiểm soát tài sản, thu nhập, theo ông Hải, luật quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ở địa phương chỉ có Thanh tra cấp tỉnh. Trong khi, Quy định 56 của Bộ Chính trị thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập gồm: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, quận, huyện ủy, và quy định về đối tượng được kiểm soát tài sản, thu nhập khác với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Từ đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm thể chế hoá đầy đủ các nội dung về kiểm soát quyền lực để phòng, ngừa tham nhũng thành quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; ban hành thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong đó, theo ông Hải, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, người ra quyết định kiểm soát tài sản, thu nhập, tổ trưởng, thành viên tổ kiểm soát tài sản, thu nhập.

“Cần có quy định xác định cụ thể đối với từng hành vi không trung thực, hành vi kê khai không đầy đủ trong việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ phối hợp hoặc không phối hợp, gây khó khăn với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc cung cấp thông tin, tài liệu xác minh...”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh góp ý. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm
//