Kiểm tra Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) của tỉnh về việc chi tiền DVMTR từ năm 2013 - 2016 cho Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Cty Cà phê 15) với diện tích 332,2ha, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 280,8ha, UBND xã Quảng Sơn 51,3ha là không đúng đối tượng. Nguyên nhân là toàn bộ diện tích rừng này đều do Cty Cà phê 15 đứng tên kê khai, cả 3 đơn vị trên cũng không cung cấp được các quyết định thu hồi, bàn giao đất rừng của cơ quan chức năng.

Tại Quỹ BVPTR tỉnh, từ 2014 - 2016, các đơn vị, tổ chức kê khai diện tích rừng cung ứng DVMTR không đúng, cao hơn diện tích rừng thực tế và được nghiệm thu thanh toán với 12.686ha; giá trị tương ứng DVMTR chi trả sai quy định hơn 2,93 tỷ đồng.

Trong đó, 7 đơn vị gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Tà Đùng, Ban Quản lý Bảo vệ rừng phòng hộ Cát Tiên, Trạm Thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng (Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); Trung đoàn 725 (Binh đoàn 16); Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn - Cty Cà phê 15 và Cty Cao su Phú Riềng có diện tích rừng kê khai không đúng là 2.372,5ha, tương ứng với số tiền DVMTR chi trả sai quy định là 806,3 triệu đồng.

5 đơn vị gồm: Cty Lâm nghiệp Đức Hòa, Đăk N'tao, Đăk Măng, Nam Tây Nguyên và Cty Cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai trong giai đoạn 2014 - 2016, đã kê khai, quyết toán tiền DVMTR với diện tích 10.310ha; tương ứng với số tiền 2,13 tỷ đồng. Trừ Cty Đăk Măng đã giải thể, 4 đơn vị còn lại phải nộp 1,87 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán tiền DVMTR hằng năm cũng bộc lộ nhiều thiếu sót, vi phạm. Từ năm 2013 - 2018, có 18 đơn vị mắc khuyết điểm, vi phạm về chế độ, định mức, quy định tài chính, hóa đơn chứng từ, thuế... với tổng số tiền lên hơn 3,84 tỷ đồng.

Trong đó, chi không đúng chế độ, định mức là 330 triệu đồng, chi không đúng đối tượng 568,3 triệu đồng; thanh toán chưa đầy đủ thủ tục, hóa đơn chứng từ, chi không hợp lệ 1,25 tỷ đồng. Đồng thời, có 8 đơn vị không thực hiện kê khai, kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp từ tiền DVMTR năm 2018 với số tiền 1,68 tỷ đồng.

Còn lại 5,36 tỷ đồng được liệt vào các dạng sai phạm khác như: Thanh quyết toán tiền giao khoán cho các hộ nhận khoán QLBVR chưa sát với quyết định giao nguồn DVMTR, một số hộ dân chưa được chi trả đủ nhưng một số hộ chi trả tiền DVMTR vượt mức quy định.

Hạch toán kế toán chưa đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, không đúng quy định của Luật Kế toán với hơn 6,6 tỷ đồng. Hạch toán không đúng chi phí hình thành tài sản cố định, không đúng các khoản phúc lợi. UBND các xã không thực hiện quản lý, sử dụng tiền DVMTR như là Quỹ BVPTR cấp xã theo quy định...

Thanh tra việc trồng rừng thay thế từ 2015 - 2018, tại 19 đơn vị với diện tích trồng theo kế hoạch là 5.052ha, diện tích thiết kế là 2.904ha; đã triển khai trồng 2.534ha; diện tích đã nghiệm thu thanh toán là 2.484,8ha.

Thực tế cho thấy, diện tích lập hồ sơ thiết kế dự án trồng rừng thay thế đạt hơn 57% so với kế hoạch; nhiều đơn vị được giao kế hoạch nhưng diện tích thiết kế, lập dự án trồng rừng thấp do không còn quỹ đất để trồng rừng.

14 đơn vị, tổ chức có diện tích rừng trồng thực tế giảm so với diện tích đã nghiệm thu thanh toán vì cây trồng bị chết, cháy với tổng diện tích là 281,9ha, tương ứng với giá trị đã được thanh toán hơn 10,5 tỷ đồng.

Trong quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí trồng rừng thay thế từ 2015 - 2018, trên địa bàn Đăk Nông có 11 đơn vị, tổ chức vi phạm về nghiệm thu, thanh toán tiền trồng rừng, chăm sóc rừng trồng từ năm nhất đến năm thứ 3 đối với diện tích rừng trồng giảm... với số tiền hơn 6,45 tỷ đồng.

Thanh toán kinh phí trồng rừng thay thế không đúng đối tượng, chế độ, định mức là 482 triệu đồng; không đảm bảo hóa đơn, chứng từ, hồ sơ theo quy định là 708,7 triệu đồng...

Về sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ trồng rừng tại các doanh nghiệp cũng xảy ra nhiều vi phạm. Cty Bảo Lâm, Cty Khải Vy và Cty Cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai đã để mất 136,4ha rừng trồng với tổng giá trị vốn vay hỗ trợ từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế đã giải ngân hơn 4,1 tỷ đồng; trong đó có 3,97 tỷ đồng UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi tại Công văn số 3451/UBND-KTN ngày 28/5/2019, nhưng đến nay 3 doanh nghiệp trên vẫn chưa hoàn trả lại cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.

Từ những sai phạm nghiêm trọng trên, Thanh tra tỉnh Đăk Nông xử lý về kinh tế với tổng số tiền 13,1 tỷ đồng, bao gồm: Quyết định thu hồi từ 16 đơn vị, tổ chức liên quan 5,44 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước; thu hồi vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh chờ xử lý 2,68 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi số vốn vay hỗ trợ trồng rừng thay thế 4,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị giảm trừ thanh toán các khoản là 850 triệu đồng...

Tiến hành kiểm điểm nhiều lãnh đạo đơn vị, tổ chức liên quan từ tỉnh xuống cơ sở về công tác quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn chi trả DVMTR, công tác trồng rừng trên địa bàn đã xảy ra nhiều sai phạm.

UBND tỉnh Đăk Nông vừa có chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức, Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn - Cty Cà phê 15, Trung đoàn 726 cùng các đơn vị chủ rừng có liên quan triển khai thực hiện nội dung nghiêm kiến nghị của Thanh tra tỉnh.

UBND tỉnh Đăk Nông giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc kê khai không đúng diện tích rừng để hưởng tiền DVMTR tại Cty Lâm nghiệp Đức Hòa, Đăk N'tao, Đăk Măng, Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và Cty Cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai trong giai đoạn 2014 - 2016, với tổng số tiền sai phạm hơn 2,13 tỷ đồng. 

Ngọc Phó