Giai đoạn 2015 - 2020, Sở GD&ĐT Đồng Tháp làm chủ đầu tư 4 dự án tương ứng với 77 gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục cho 4 cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các phòng, đơn vị thuộc sở.

Theo thông báo kết luận thanh tra, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị GD&ĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, việc quyết toán nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở GD&ĐT chưa gửi Sở Tài chính phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định.

Sở GD&ĐT chưa báo cáo quyết toán chi phí quản lý dự án riêng, chưa xây dựng, ban hành quy chế, định mức chi tiêu chi phí quản lý dự án theo Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 6/1/2014 và Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính.

Đối với nguồn kinh phí từ tiền bán hồ sơ mời thầu, Sở GD&ĐT chưa lập dự toán thu, chi và báo cáo quyết toán thu chi, chưa ban hành quy định, định mức chi tiêu, sử dụng tiền bán hồ sơ mời thầu để chi các mục thuộc chi phí quản lý dự án, chi tiền làm thêm giờ cho các cá nhân hơn 109 triệu đồng chưa đúng quy định.

Kết quả thanh tra cho thấy, Sở GD&ĐT tự quản lý dự án chưa đủ năng lực theo quy định; thành viên thuộc tổ điều hành dự án chưa đủ điều kiện năng lực quản lý dự án, chưa có giấy chứng nhận bồi dưỡng quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ đầu tư tự giám sát thi công khi chưa đủ điều kiện năng lực, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung giám sát thi công, lắp đặt thiết bị theo quy định.

Về trình tự, thủ tục, hồ sơ thẩm định giá, thiếu báo cáo thẩm định giá của đơn vị tư vấn; chứng thư thẩm định giá một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục, báo cáo kết quả thẩm định giá không nêu năm sản xuất của hàng hóa theo quy định.

Công tác mua sắm trang thiết bị GD&ĐT đã đáp ứng yêu cầu, đạt kết quả trong việc dạy và học trên địa bàn. Tuy nhiên, một số gói thầu khi đầu tư mua sắm chưa dựa trên nhu cầu sử dụng của các trường, việc cung cấp chủ yếu do phân bổ nên hiệu quả sử dụng còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ.

Đặc biệt, đối với các phần mềm dạy và học tiếng Anh ở các cấp học hiệu quả sử dụng chưa cao. Riêng phần mềm quản lý thiết bị trường học chưa phát huy hết chức năng. Sở GD&ĐT chưa triển khai đầy đủ các cấp học theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 325/UBND-KGVX ngày 8/11/2016…

Đoàn thanh tra xác định, Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực của Sở GD&ĐT (giai đoạn 2015 - 2020) chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành về những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót qua thanh tra đã chỉ ra.

Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính và công chức, nhân viên thuộc sở chịu trách nhiệm các nội dung có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tiền chi phí quản lý dự án, tiền bán hồ sơ mời thầu.

Thanh tra tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý theo quy định đối với Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực của Sở GD&ĐT có liên quan (giai đoạn 2015 - 2020) để xảy ra những hạn chế, khuyết điểm qua thanh tra chỉ ra.

Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá ưu, khuyết điểm các đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc sở và xem xét, xử lý trách nhiệm theo đúng quy định. Đồng thời, chấn chỉnh ngay những bất cập, thiếu sót, nhất là về trình tự, thủ tục và việc thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, nhiệm vụ quản lý dự án…

Ngày 29/4/2022, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Công văn số 160/VPUBND-KT về việc thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kiến nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại kết luận thanh tra toàn diện công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị GD&ĐT trên địa bàn.

Nhật Huyền