Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kon Tum, trong giai đoạn này, nhiều công trình, dự án (DA) không nằm trong danh mục bổ sung, thu hồi đất; một số công trình đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất nhưng không thực hiện; các DA công bố phải thu hồi đất nhưng sau nhiều năm vẫn chưa có quyết định thu hồi…

Công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn cũng có nhiều sai phạm. Cụ thể: Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện được giao đất, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; cho thuê đất nông nghiệp với thời hạn cho thuê đất trồng cây lâu năm; tiếp nhận hồ sơ không theo quy trình; cho phép chuyển mục đích sử dụng không nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được phê duyệt; không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện cho các cá nhân…

Ngày 12/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ký Kết luận thanh tra số 2963, trong đó cũng chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại xã Đăk La.

Ông Phạm Văn Dương (trú phường Lê Lợi, TP Kon Tum) mua của ông Phạm Lưu Sơn diện tích 400m2 đất ở và 10.019m2 đất nông nghiệp. Sau đó, UBND huyện Đăk Hà lại cấp giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn tại vị trí đất được xác định là trồng cây công nghiệp lâu năm, không phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Đăk La, với tổng diện tích xây dựng là 885,6m2 đất.

Như vậy, qua nhiều đợt thanh tra của cơ quan chức năng, đã phát hiện và làm rõ nhiều dạng sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại huyện Đăk Hà. Tuy nhiên, sai phạm vẫn kéo dài và các cá nhân liên quan chưa bị hình thức kỷ luật tương ứng nào.

Đồng thời cho thấy, công tác thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Đăk Hà hằng năm chưa được chú trọng thường xuyên, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các dạng sai phạm xảy ra.

Từ năm 2017 - 2019, huyện Đăk Hà có 3 DA phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, có 2/3 DA không nằm trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm được phê duyệt. Công tác đấu giá đất tại các DA bộc lộ nhiều sai phạm, như: Định giá đất không chính xác, phương án và quyết định phê duyệt phương án đấu giá không đúng quy định; kết quả trúng đấu giá chỉ thuộc về một ít cá nhân, tạo điều kiện để các cá nhân này lợi dụng thâu tóm, đầu cơ đất đai để trục lợi…

UBND huyện Đăk Hà đã giao đất ở có thu tiền sử dụng đất vượt hạn mức quy định. Trong đó, năm 2017, giao đất ở cho 54 trường hợp thì có 44 trường hợp giao vượt hạn mức. Năm 2018, giao 32 trường hợp thì có 12 trường hợp vượt hạn mức. Kiểm tra ngẫu nhiên 4 hồ sơ thì tất cả đều không đủ điều kiện nhưng vẫn được giao đất ở, không tổ chức đấu giá theo quy định.

Nhiều công trình, DA không nằm trong danh mục thu hồi đất nhưng huyện vẫn ra quyết định thu hồi. Ngược lại, một số công trình đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất thì không thực hiện; một số DA phải thu hồi đất nhưng sau 3 năm vẫn chưa có quyết định thu hồi…

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại huyện Đăk Hà cũng thực hiện không đúng quy định. Điển hình: Việc thu hồi đất của Cty TNHH MTV Cà phê 734 được UBND tỉnh Kon Tum ban hành quyết định thu hồi từ năm 2012, nhưng UBND huyện Đăk Hà không có phương án sử dụng đất đối với diện tích đã thu hồi, không triển khai lập phương án bồi thường, hỗ trợ, để các hộ dân tiếp tục lấn chiếm canh tác trên diện tích đất này. Đến khi thực hiện bồi thường, thu hồi đất trên vào năm 2016, đã làm tăng chi phí bồi thường, gây thiệt hại ngân sách nghiêm trọng.

Từ những sai phạm trên, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND huyện Đăk Hà xây dựng kế hoạch khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra sau thanh tra; khẩn trương xử lý những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, rà soát, kiểm tra các hồ sơ chưa thanh tra để phát hiện, xử lý sai sót (nếu có) kịp thời; thu hồi, hủy các quyết định, văn bản, phương án ban hành không đúng quy định pháp luật. 

Cũng tại huyện Đăk Hà, Thanh tra tỉnh Kon Tum đã phát hiện nhiều sai phạm tại DA khai thác quỹ đất phía Tây quốc lộ 14 (địa bàn thôn 3, xã Đăk Mar) với diện tích 63.652m2, được phân chia thành 608 lô đất ở.

Thực tế kiểm tra cho thấy, diện tích thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có sự chênh lệch giữa các văn bản, tài liệu UBND huyện Đăk Hà cung cấp. Bản đồ phân lô có diện tích nhỏ hơn bản đồ quy hoạch phân lô được phê duyệt là 1.400m2, để cung cấp cho Trung tâm Đánh giá đất làm cơ sở định giá đất là trái quy định.

Khi tổ chức đấu giá, UBND huyện Đăk Hà không công khai để lựa chọn tổ chức đấu giá.

Tổng số 608 lô đất tại DA trên được UBND huyện bán cho 2 cá nhân, với tổng giá trị khoảng 75 tỷ đồng, trong khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Sau khi bán đấu giá, UBND huyện đã lấy 35 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và hiện tại 608 lô đất vẫn chưa bàn giao cho các cá nhân trúng đấu giá. Tuy nhiên, thời gian qua, một số sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh đã rao bán công khai trên thị trường với giá trung bình 400 triệu đồng/lô, với cái tên khá hấp dẫn là "khu đô thị hiện đại nhất Kon Tum"... Nhẩm tính sơ bộ, giá trị đất tăng lên hơn 200 tỷ đồng, trong khi ngân sách thu về chẳng được là bao.

Thanh tra tỉnh Kon Tum cũng chỉ rõ, khi thực hiện DA này, UBND huyện Đăk Hà tự ý chấp thuận chủ trương đầu tư DA khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Thực hiện các thông báo, biên bản lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng DA thiếu cơ sở, trái với Luật Quy hoạch.

Nội dung đồ án quy hoạch chi tiết của UBND huyện Đăk Hà không phù hợp Luật Quy hoạch và đồ án quy hoạch chung của UBND tỉnh Kon Tum. Khi thực hiện DA, UBND huyện không công bố quy hoạch và lập kế hoạch thực hiện; không cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa theo quy hoạch xây dựng.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Kon Tum đề nghị UBND huyện Đăk Hà tổ chức họp kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện và những cơ quan, cán bộ có liên quan.

Bài 2: "Hóa kiếp" đất nông nghiệp thành đất vàng tại TP Kon Tum      

Nguyên Phê