Trong dấu ấn của chúng tôi, những phóng viên có nhiều năm tháng đưa tin hoạt động của lãnh đạo ngành Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản khi đó là người rất nghiêm khắc trong công việc. Mỗi kết luận thanh tra, mỗi kiến nghị, ông đều yêu cầu chặt chẽ, viện dẫn chi tiết, tránh chủ quan và gây khó cho mỗi cá nhân, tổ chức được thanh tra. Ông luôn yêu cầu mỗi câu, mỗi chữ cần được cân nhắc thận trọng, tỉ mỉ.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản cũng được biết đến là “cha đẻ” của quy trình thanh tra, sau được phát triển và hoàn thiện thành Quy trình và nâng lên thành Quy chế giám sát Đoàn Thanh tra. Ông cũng là lãnh đạo đầu tiên trực tiếp lãnh đạo các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc của Thanh tra Chính phủ như cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về thuế, về hải quan, về quản lý đất đai…

Đến nay, hoạt động thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc đã cho thấy hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách pháp luật trong thực tiễn. Nó cũng cho thấy những nỗ lực, đóng góp của Thanh tra Chính phủ nói riêng, của toàn ngành Thanh tra nói chung trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc sau khi giành được độc lập… Điều đó vô cùng có ý nghĩa với lớp lớp thế hệ cán bộ của ngành, đặc biệt với hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra là cựu chiến binh đã từng khoác màu xanh áo lính trên người.

Trong câu chuyện của ông, chúng tôi hiểu thêm về cuộc chiến khốc liệt những năm 60 của thế kỷ XX. Khi đó, thực hiện Nghị quyết 15 của T.Ư Đảng về chủ trương dùng bạo lực cách mạng tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, Tỉnh ủy Quảng trị và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên đã quyết định thành lập các đội chính trị vũ trang, trong đó có Đội 10 đặc công. Đội 10 được thành lập ngày 10/4/1964 tại Khe Bắc, miền Tây Quảng Trị, ban đầu chỉ có 10 người. Đội có nhiệm vụ luồn sâu đánh hiểm, bí mật bất ngờ tập kích vào các căn cứ quân sự, chi khu, tụ điểm ác ôn của địch; hỗ trợ đắc lực phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, phá ấp chiến lược, đấu tranh chính trị nổi dậy giành quyền làm chủ.

Rời mái trường cấp III, cậu học sinh Nguyễn Văn Sản khi đó xung phong vào bộ đội và được đào tạo tại Trường Bổ túc cán bộ F305. Kết thúc 2 năm đào tạo, năm 1972, ông được đứng trong hàng ngũ của những đặc công K10. Khi đó, do yêu cầu của tình hình nhiệm vụ, Đội 10 đã phát triển thành Tiểu đoàn 10 (K10), gồm 3 đại đội C12, C24, C36.

Ngày đó, Đại đội phó Nguyễn Văn Sản dẫn đầu một mũi tấn công và phối hợp với gọng kìm của một mũi tấn công khác do 2 đồng chí Hoàng Xuân Bồng và Trần Hồng Thinh chỉ huy bí mật vượt các hàng rào dây kẽm gai và hệ thống vật cản. Trong khoảng 10 phút chiến đấu mưu trí, ngoan cường, các cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 10 đã diệt trên 100 tên ác ôn, góp phần phá vỡ một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị nổi dậy giành chính quyền. Từ đó, tạo điều kiện để ngày 21/3/1975, quân ta nổ súng tiến công hệ thống phòng ngự của địch ở phía Nam - Thừa Thiên Huế, chính thức mở màn chiến dịch Huế.

Bảng vàng của quân đội, của tỉnh Quảng Trị và lịch sử dân tộc mãi mãi ghi đậm những trang vàng về các trận đánh oai hùng của những người lính đặc công K10 mình trần, chân đất. Đó là trận đầu ra quân đánh thắng, tập kích căn cứ Đầu Mầu, Cam Lộ đêm 6/5/1964. Đó là những trận đánh vào căn cứ Tân Lệ, Dốc Miếu, Đa Nghi, huyện lỵ Triệu Phong… là nỗi kinh hoàng truyền kiếp của kẻ đi xâm lược và bọn phản động tay sai bán nước. Đặc biệt, trận tập kích hậu cứ La Vang đêm 6/4/1967 là trận thắng giòn giã nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử truyền thống của Tiểu đoàn. Trong trận đánh, tiểu đoàn đã xóa sổ Sở Chỉ huy Trung đoàn 1 ngụy, diệt 650 tên, bắt sống 50 tên, đốt cháy kho xăng và kho vũ khí, phá hủy hàng chục xe quân sự, giải phóng cho 260 cán bộ, du kích và nhân dân bị địch bắt giam. 

Lễ cắt băng khánh thành bia tưởng niệm liệt sỹ Đại đội C12/K10 tại Chi khu quân sự Mai Lĩnh, Quảng Trị năm 2010. Ảnh: VA

 

12 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân khu và Tỉnh ủy Quảng trị, được sự nuôi dưỡng đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân Quảng trị, K10 đặc công đã lập nhiều chiến công hiển hách, làm nên truyền thống vẻ vang đã chiến đấu là chiến thắng…

Theo dòng hồi ức của nguyên Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản, Tiểu đoàn 10 đặc công của ông đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh mất mát to lớn. Quân số Tiểu đoàn qua các đợt bổ sung có trên 1.000 đồng chí, trong đó có hơn 400 đồng chí đã anh dũng hy sinh, yên nghỉ trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Hơn 400 đồng chí của Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản và của đồng đội K10 đặc công Quảng Trị đã mãi mãi ra đi. Họ đã không tiếc máu xương, tính mạng để Tổ quốc trọn niềm vui, cho đất nước nở hoa độc lập.

Tri ân sự hi sinh anh dũng ấy, Đại đội phó Nguyễn Văn Sản trở về từ chiến trường lại bắt tay vào sản xuất. Ông đi học đại học rồi về nhận công tác tại Ty Thương nghiệp Vĩnh Phú, rồi đóng góp cho địa phương trong nhiều cương vị: Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty thương nghiệp Vĩnh Phú, Chủ tịch UBND TP Việt Trì, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Phú Thọ rồi về đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành các nhiệm vụ được giao bằng tâm thế của người lính của chiến dịch Huế năm nào, xứng đáng với những Huân chương, Huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng…

Chia sẻ với chúng tôi, nguyên Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản không giấu được sự xúc động. Có lẽ, cái chất người lính vào sinh ra tử, chất của anh bộ đội cụ Hồ đã thấm vào từng nghĩ suy, trong từng công việc dù là nhỏ nhất. Đối diện với sự sống và cái chết của đồng đội trong từng đường tơ kẽ tóc không cho phép ông sống vô cảm. Ông cũng khẳng định, nhiều cán bộ, công chức của ngành Thanh tra, từ lãnh đạo đến thanh tra viên đã từng là anh bộ đội cụ Hồ. Thời điểm đông nhất, Hội Cựu chiến binh của Ngành có đến trên 1.000 thành viên. Hàng ngàn cựu chiến binh của ngành Thanh tra không vô cảm trước đúng và sai, được và mất và luôn luôn cống hiến hết mình cho công việc, bảo vệ cái đúng, phê phán và đấu tranh với cái sai trên mặt trận thanh tra không có tiếng súng. Hàng ngàn cựu chiến binh giữ được ngọn lửa đó và lan tỏa, nhân lên sẽ thành sức mạnh kỷ cương ngành Thanh tra, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ thời kỳ mới và xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân…

Vĩnh An